Thị trường chứng khoán: Thách thức trong thời kỳ chuyển đổi số
Chuyển đổi số đã xuất hiện ở mọi mặt trong đời sống, kinh tế, xã hội và là yêu cầu bắt buộc để đáp ứng được yêu cầu phát triển đất nước khi bước vào kỷ nguyên mới. Với vai trò “huyết mạch” của nền kinh tế, chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính ngân sách là một nhiệm vụ cấp bách, quan trọng cần triển khai quyết liệt, hiệu quả, tập trung vào 3 vấn đề chính là thể chế, công nghệ và con người. Trong đó thể chế đi trước, công nghệ, con người là nền tảng tạo tiền đề để phát triển. Xu hướng chuyển đổi số trong ngành chứng khoán được dự báo sẽ còn tiếp tục diễn ra mạnh mẽ hơn trong tương lai khi thị trường này ngày càng tiến gần hơn đến mục tiêu nâng hạng.
Hội thảo “Phát triển TTCK an toàn, hiệu quả trong bối cảnh chuyển đổi số”. |
TTCK Việt Nam đã đi vào hoạt động từ năm 2000. Giai đoạn đầu, nhà đầu tư muốn mua hay bán chứng khoán phải lên sàn, trực tiếp viết phiếu lệnh giao dịch để công ty chứng khoán gọi điện cho người đại diện đơn vị đặt tại trung tâm giao dịch để nhập vào hệ thống phần mềm giao dịch. Đến nay, giao dịch trên thị trường chứng khoán đã hoàn toàn chuyển sang hình thức trực tuyến.
Trong 24 năm qua, TTCK Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc cùng với những chuyển mình ngày càng lớn mạnh của nền kinh tế đất nước. Khởi đầu với 2 mã cổ phiếu giao dịch là REE và SAM với mức vốn hóa chỉ vỏn vẹn 1,247 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm 2000 (chiếm 0,28% GDP), đến nay đã có gần 1.800 doanh nghiệp niêm yết và đăng ký giao dịch với mức vốn hóa hơn 7 triệu tỷ đồng, tương đương khoảng 69% tổng GDP ước tính trong năm 2023.
Cùng với sự phát triển đó, TTCK cũng đối mặt với những nguy cơ, trong đó có vấn đề về an ninh phi truyền thống, như tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm sử dụng công nghệ cao… gây ra ảnh hưởng chung đến hoạt động của TTCK.
Tại Hội thảo “Phát triển TTCK an toàn, hiệu quả trong bối cảnh chuyển đổi số” ngày 21/9, dưới góc nhìn của doanh nghiệp, ông Phó Đức Giang, Phó Tổng giám đốc PwC Việt Nam đã chia sẻ những quan điểm quan trọng về bảo mật an toàn thông tin. Theo đó, chi phí vi phạm dữ liệu đã tăng đáng kể, với tỷ lệ doanh nghiệp gặp sự cố trên 1 triệu USD tăng từ 27% lên 36% so với năm trước. Các tổ chức lớn và doanh nghiệp tăng trưởng cao thường chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ các cuộc tấn công mạng.
Vì vậy, các tổ chức nên hiện đại hóa hạ tầng bảo mật, thúc đẩy hợp tác giữa bộ phận kỹ thuật và quản lý trong việc triển khai các biện pháp mới. Cùng đó, cần đào tạo và nâng cao kỹ năng bảo mật cho nhân viên. Ông Phó Đức Giang cũng cảnh báo rằng, hơn 45% giám đốc điều hành về bảo mật dự đoán sự gia tăng trong các cuộc tấn công mã hóa đòi tiền chuộc (Ransomware) trong tương lai. Hợp tác chặt chẽ giữa các phòng ban và sự tham gia của lãnh đạo cấp cao là cần thiết để đối phó hiệu quả với các mối đe dọa mạng ngày càng gia tăng.
Ông Hoàng Văn Thu, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, để thực hiện thành công các mục tiêu phát triển TTCK ổn định, an toàn trong bối cảnh chuyển đổi số, cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân viên, tăng cường giáo dục kỹ thuật số, thúc đẩy đào tạo nguồn lao động chất lượng cao; đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật số cho lĩnh vực chứng khoán; chú trọng việc nâng cấp, hiện đại hóa, tích hợp các hệ thống ứng dụng công nghệ số.
Cùng với đó, cần tiếp tục xây dựng và phát triển để hình thành một hệ thống ứng dụng đồng bộ, đảm bảo đáp ứng yêu cầu kết nối, lưu trữ, xử lý dữ liệu, thông tin, các chức năng về giám sát, bảo đảm an ninh, an toàn mạng của TTCK mang tính tích hợp cao; củng cố lòng tin của người sử dụng thông qua bảo đảm các vấn đề liên quan đến bảo mật dữ liệu, an ninh mạng.
Thường xuyên rà soát, phát hiện, khắc phục lỗ hổng bảo mật trên toàn hệ thống, bổ sung thiết bị, phần mềm chuyên dụng có khả năng kiểm tra, kiểm soát an ninh, an toàn thông tin trên môi trường mạng Internet. Xây dựng, triển khai thực hiện các giải pháp kỹ thuật nhằm kiểm tra, phát hiện các nguy cơ gây mất an ninh thông tin…
Chia sẻ kinh nghiệm trong việc ứng phó với các thách thức về an ninh mạng, ông Nguyễn Quang Thương, Phó Tổng Giám đốc Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam cho biết, đơn vị này luôn coi việc bảo vệ hệ thống giao dịch là một trong những ưu tiên hàng đầu với việc xây dựng các hệ thống giám sát và quản lý chuyên sâu. Bên cạnh việc áp dụng các công nghệ tiên tiến, sự tuân thủ chặt chẽ các quy định pháp lý, như Luật An toàn thông tin mạng 2015 và Luật An ninh mạng 2018 là yếu tố quan trọng để đảm bảo an toàn cho hệ thống. Các giải pháp kỹ thuật như phân chia hệ thống mạng, quản lý truy cập từ xa, và phòng chống xâm nhập đều được áp dụng để bảo vệ hệ thống khỏi các mối đe dọa mạng.
Theo Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng là một lĩnh vực ưu tiên, trong đó có nội dung triển khai ứng dụng toàn diện công nghệ số trong ngành chứng khoán. Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030 được ban hành tại Quyết định số 1726/QĐ-TTg ngày 29/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ cũng đã nêu rõ, mục tiêu tổng quát là “đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực chứng khoán; xây dựng hệ thống quản lý, giám sát thị trường gắn với ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại”. |
Bảo Thoa
Nguồn: Báo lao động thủ đô