Hàng ngàn gia đình tại Thanh Hóa bị ngập lụt

Hàng ngàn gia đình tại Thanh Hóa bị ngập lụt

Từ Hà Trung, Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Vĩnh Lộc đến thành phố Thanh Hóa, hàng ngàn hộ gia đình bị ngập lụt. Đến chiều 24/9, tỉnh Thanh Hóa không có mưa, nước đã bắt đầu rút chậm.

Thanh Hoá bị ngập lụt tại nhiều địa phương

Chiều 24/9, Đài Khí tượng Thủy văn Thanh Hóa đã phát bản tin lũ khẩn cấp
trên sông Bưởi, sông Lèn và thông tin nước lũ các sông trên địa bàn tỉnh.

Phường Thiệu Dương, TP Thanh Hóa trong tình trạng ngập nặng

Theo đó, mực nước lũ các sông trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã đạt đỉnh và
đang rút chậm. Riêng hạ lưu sông Bưởi tại Kim Tân mực nước là 12,19m, trên mức
báo động 3 là 0,19m. Các sông khác xuống thấp dần. Trên sông Chu
tại Bái Thượng là 15,14m, trên mức báo động 1 là 0,14m. Tại Xuân Khánh là
8,13m, dưới báo động 1 là 0,87m.

Trên sông Lèn là 5,78m, dưới báo động 3 là 0,22m.Trên sông Cầu Chày tại Xuân
Vinh là 9,68m, dưới báo động 3 là 0,32m. Dự báo trong 24h tới mực nước tiếp tục
xuống thấp dần, riêng hạ lưu sông Bưởi, sông Cầu Chảy xuống chậm và còn ở mức
cao.

Nước rút chậm nên người dân vẫn phải dùng thuyền để di chuyển

Để chủ động ứng phó với nguy cơ sạt lở đất, đá và ngập lụt, UBND các
huyện, thành phố đã chủ động sơ tán 2.873 hộ dân.

Tại huyện Hậu Lộc, cùng với việc sơ tán dân đến khu vực an toàn, chính
quyền địa phương đã thực hiện phương châm “bốn tại chỗ”, gia cố đê, kiểm tra
các vị trí xung yếu, yêu cầu cán bộ địa phương túc trực 24/24h đề phòng sự cố
bất ngờ. Theo thông tin từ Hạt quản lý đê điều Hậu Lộc, sự cố thấm dò mái đê
gần cống Cái trên đê bối xã Quang Lộc xuất hiện vào khoảng 18h ngày 23/9. Sau
đó xã Quang Lộc đã tổ chức lực lượng, phối hợp cùng Hạt quản lý đê điều Hậu Lộc
thực hiện gia cố tạm thời các vết thấm dò. Tuy nhiên, sự cố vẫn diễn biến phức
tạp, đến sáng 24/9, các vết dò xuất hiện lớn hơn, đe dọa trực tiếp an toàn đê.

Lực lượng chức năng tại Hậu Lộc tiến hành gia cố chân đê phía sông Lèn

Lãnh đạo huyện Hậu Lộc đã huy động các lực lượng quân sự, công an và hàng
trăm người dân địa phương cùng các phương tiện sẵn có tập trung dùng đất, cát,
cọc tre gia cố chân đê phía sông Lèn. Đồng thời đắp đất tạo giếng trên mái đê,
ngăn không cho nước sông tiếp tục thấm tràn vào nội đồng. Công tác ứng cứu được
khẩn trương thực hiện ngay sau đó.

Sự cố thấm dò mái đê tại Hậu Lộc đã được xử lý tạm thời

Đến kiểm tra thực tế sự cố thấm dò mang cống Cái, Phó chủ tịch UBND tỉnh
Thanh Hóa Lê Đức Giang yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu
nạn và Phòng thủ dân sự huyện Hậu Lộc, xã Quang Lộc khẩn trương huy động thêm
lực lượng, phương tiện, thực hiện ngay phương án hộ đê.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang trực tiếp chỉ đạo ứng phó sự cố thấm đê tại Hậu Lộc

Ông Giang đề nghị Sở NN&PTNT phân công cán bộ ở lại hiện trường, tiếp
tục hỗ trợ huyện Hậu Lộc và chính quyền địa phương tổ chức thực hiện các biện
pháp khắc phục sự cố theo hướng nhanh chóng, khoa học, an toàn và hiệu quả.
Huyện Hậu Lộc tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, sẵn sàng huy động các lực lượng ở
các xã lân cận, tập trung khắc phục sự cố, đảm bảo an toàn sức khỏe, tính mạng
và tài sản của Nhân dân. Đồng thời đảm bảo cung cấp lương thực, thực phẩm, y tế
và các điều kiện thiết yếu khác cho các lực lượng, người dân tham gia công tác
khắc phục sự cố.

Huyện Hậu Lộc huy động các lực lượng tập trung khắc phục sự cố

Kiểm tra công tác chống lụt tại huyện Thạch Thành, ông Lại Thế Nguyên,
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa yêu cầu địa phương tiếp tục
theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, mực nước sông Bưởi, tình hình ngập úng
và sạt lở đất trên địa bàn huyện để kịp thời chỉ huy các đơn vị ứng phó và khắc
phục sự cố ngay từ giờ đầu. Đặc biệt quan tâm chỉ đạo UBND các xã, thị trấn
theo dõi sát các khu vực có nguy cơ sạt lở, ngập lụt sâu để sẵn sàng phương án
sơ tán các hộ dân bị ảnh hưởng đến vị trí an toàn.

Phó bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Lại Thế Nguyên (thứ 2 từ trái qua) kiểm tra công tác ứng phó lũ lụt tại huyện Nga Sơn

Kiểm tra, chỉ đạo xử lý khẩn cấp sự cố thấm dột đê sông Hoạt (Hà Trung)
và kiểm tra các cống tiêu úng trên địa bàn huyện Nga Sơn, Phó Bí thư Thường
trực Tỉnh uỷ Thanh Hóa Lại Thế Nguyên đồng ý chủ trương cho huyện Nga Sơn phối
hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo UBND tỉnh đề xuất dự án
tiêu úng thuộc vùng 5 xã Nga Điền, Nga Phú, Nga Thành, Nga Thái, Nga An qua
kênh An Hưng chảy qua Cống Trường Sơn nhằm đảm bảo đồng bộ, an toàn, phục vụ
cho phát triển của địa phương.

TP Thanh Hóa huy động ca nô hỗ trợ ứng phó lũ lụt tại phường Thiệu Dương

Tại thành phố Thanh Hóa, phường Thiệu Dương và Thiệu Khánh bị ngập cục
bộ. Chính quyền địa phương cho học sinh nghỉ học, huy động xuồng, ca nô hỗ trợ
người dân di chuyển, cung ứng lương thực. Đến chiều 24/9, nước đã bắt đầu rút
chậm. Lãnh đạo thành phố Thanh Hóa lập chốt canh lũ trên đê, túc trực 24/24h,
liên tục tuyên truyền, khuyến cáo người dân không được chủ quan, lơ là. Địa
phương cũng lên phương án giúp dân dọn dẹp nhà cửa, đường phố sau lũ để ổn định
cuộc sống.

Bạn cũng có thể thích