Bắn dây thun vào cổ tay: Nguy cơ tổn thương mạch máu, ảnh hưởng tâm lý
Bắn dây thun vào cổ tay: Nguy cơ tổn thương mạch máu, ảnh hưởng tâm lý
Liên quan đến video nữ “tổng tài” bắn dây thun vào cổ tay nhiều cô gái được lan truyền mạnh mẽ trên mạng xã hội, bác sĩ đã lên tiếng cảnh báo về loạt nguy cơ đằng sau thử thách này.
Bắn chun đỏ cả tay để đào tạo đội nhóm
Vừa qua, mạng xã hội liên tục chia sẻ clip về
một buổi đào tạo với dòng trạng thái “Cả hội trường khóc nấc khi những
thành viên thiếu nỗ lực, thiếu KPI bị siêu chủ tịch búng dây chun”.
Theo dõi hình ảnh trong đoạn clip cho thấy, một
số phụ nữ ăn mặc sang trọng đứng trên sân khấu, một người dùng tay liên tục kéo
căng nhiều dây chun đang đeo ở cổ tay 2 người đối diện rồi bật thật mạnh.
Vừa kéo dây chun, người này vừa lớn tiếng đặt
câu hỏi tại sao hội nhóm của người kia “không trung thực”. Một cô gái
khác vừa hứng chịu thử thách, vừa bị nhận xét là “không xứng đáng làm người
đứng đầu”, “không nỗ lực”…
Những cú bắn thun mạnh khiến cổ tay 2 cô gái
sưng tấy, đỏ bừng… nhìn biểu cảm gương mặt cho thấy sự đau đớn. Thậm chí, người
phụ nữ đang gục xuống khóc nấc lên.
Ngay sau màn bắn thun ấy, cả ba ôm động viên
nhau và cùng khóc. Nhiều người trong hội trường cũng không kìm được nước mắt
khi chứng kiến cảnh này.
Clip khi chia sẻ trên các nền tảng đã nhận về
nhiều tranh cãi. Nhiều người tỏ ra khá ngạc nhiên, không hiểu ý nghĩa của hành
động bắn chun “đào tạo” nhân viên của cấp trên.
Nguy cơ tổn thương mạch máu
Liên quan đến sự việc trên, ThS.BS Đoàn Dư Mạnh,
thành viên Hội Bệnh mạch máu Việt Nam bày tỏ sự bàng hoàng khi được xem video
dùng dây chun bắn vào tay.
Theo vị bác sĩ, hành động này tưởng chừng vô hại
nhưng lại có thể gây ra nhiều tổn thương nghiêm trọng, đến các mạch máu và mô mềm.
“Tôi bị choáng khi xem video này. Cổ tay
là khu vực nhạy cảm với rất nhiều dây thần kinh, gân và mạch máu nằm ngay dưới
bề mặt da.
Đặc biệt, động mạch quay nằm rất nông ngay dưới
da cổ tay, chỉ cần một lực tác động mạnh là có thể gây ra chấn thương. Khi dây
thun cao su bị kéo căng và bắn với lực mạnh, tác động trực tiếp lên vùng cổ tay
có thể dẫn đến các chấn thương”, BS Mạnh phân tích.
Theo chuyên gia này, người tham gia thử thách còn
có thể đối mặt với các nguy cơ sức
khỏe sau:
– Bầm tím và chảy máu dưới da: Lực va chạm
mạnh từ dây thun cao su có thể gây bầm tím, chảy máu dưới da. Các mao mạch dễ bị
vỡ khi chịu áp lực cao, dẫn đến xuất hiện các vết bầm tím hoặc mảng xuất huyết
ngay lập tức.
Trong trường hợp nhẹ, vùng cổ
tay sẽ bị đỏ ửng lên, nhưng nếu lặp đi lặp lại, vùng tổn thương có thể trở nên
nghiêm trọng hơn.
– Tổn thương dây thần kinh và đau dây thần
kinh kéo dài: Cổ tay là nơi tập trung nhiều dây thần kinh quan trọng như: Dây
thần kinh giữa (median nerve) và dây thần kinh trụ (ulnar nerve). Nếu dây thun bắn trúng vị trí này, nó có thể
gây đau tức thời hoặc thậm chí làm tổn thương dây thần kinh, dẫn đến tê, mất cảm
giác hoặc yếu tay.
“Việc lặp lại hành động này có thể gây ra
hội chứng đau mãn tính, khó điều trị”, BS Mạnh chỉ rõ.
– Gây viêm, sưng nề: Tác động mạnh từ dây thun
có thể gây viêm, sưng nề và ứ đọng máu trong các mô quanh vùng bị bắn. Viêm và
sưng có thể kéo dài trong nhiều ngày, ảnh hưởng đến chức năng cầm nắm, hoạt động
bình thường của tay, thậm chí làm giảm lưu thông máu, gây đau nhức kéo dài.
– Nguy cơ tắc mạch: Mặc
dù tỷ lệ tắc mạch không cao, nhưng việc dây thun bắn liên tục vào cổ tay với lực
mạnh có thể làm tổn thương động mạch quay, gây huyết khối và tắc mạch.
“Nếu tình trạng này xảy ra, nó có thể dẫn
đến đau đớn dữ dội, giảm lưu thông máu và cần can thiệp y tế ngay lập tức.
Trong video, có thể thấy rõ phần cổ tay của người tham gia đã đỏ ửng lên, điều
này cho thấy nguy cơ bị tổn thương mạch máu và tiềm ẩn các vấn đề sức khỏe
nghiêm trọng”, BS Mạnh nhấn mạnh.
Ảnh hưởng tâm lý, tạo hệ lụy xã hội
Ngoài những rủi ro về mặt thể chất, hành động
bắn dây thun vào cổ tay người khác còn gây ra những ảnh hưởng tiêu cực về tâm
lý.
BS Mạnh cảnh báo rằng, việc tham gia vào các
thử thách đau đớn này không chỉ gây căng thẳng, lo lắng mà còn làm giảm khả
năng nhận thức về nguy cơ có thể gây ra, khiến người tham gia dễ bị cuốn vào
các hành động liều lĩnh khác.
“Đối với nhiều người, cảm giác đau đớn hoặc
thậm chí là chấn thương nhẹ có thể gây sợ hãi, lo âu. Điều này ảnh hưởng đến
tinh thần và có thể dẫn đến tình trạng căng thẳng tâm lý kéo dài, đặc biệt là với
những người có tâm lý nhạy cảm”, BS Mạnh chia sẻ.
Cũng theo chuyên gia này, TikTok là nền tảng với
phần lớn người dùng trẻ tuổi, hành động bắn dây thun có thể bị xem nhẹ, không ý
thức được mức độ nguy hiểm. Tham gia thử thách theo trào lưu mà không có sự chuẩn
bị hoặc kiến thức y tế có thể dẫn đến những tai nạn đáng tiếc.
“Việc tham gia và lan truyền các thử
thách như bắn dây thun vào người khác có thể tạo tiền lệ xấu, khuyến khích các
hành vi bạo lực nhẹ trong cộng đồng. Điều này đi ngược lại với các giá trị về
tôn trọng và bảo vệ sức khỏe bản thân lẫn người khác”, BS Mạnh nêu quan điểm.
Trước tình trạng các thử thách nguy hiểm lan
truyền trên mạng xã hội ngày càng phổ biến, ThS.BS Đoàn Dư Mạnh khuyến cáo, mọi
người cần nâng cao ý thức bảo vệ sức khỏe, không tham gia hoặc cổ súy cho những
hành động gây hại.
Những thử thách như bắn dây thun không chỉ gây
ra đau đớn tức thời mà còn để lại nhiều hậu quả dài lâu cho sức khỏe.
“Người dân cần cân nhắc kỹ lưỡng trước
khi tham gia vào các trào lưu mạng xã hội, đặc biệt là những hành động có thể
gây chấn thương cho bản thân và người khác.
Đồng thời, mọi người cần tự trang bị kiến thức
về sức khỏe, nhận biết các nguy cơ từ những hành động tưởng chừng như vô hại là
cách tốt nhất để tự bảo vệ mình”, bác sĩ Mạnh khuyến cáo.