Chuyên gia cảnh báo: Còn nhiều nỗi lo về thực phẩm chế biến sẵn trên ‘chợ mạng’
Ngày nay, với sự phát triển của các sàn thương mại điện tử, các kênh buôn bán trực tuyến, mua bán thực phẩm trên “chợ mạng” đang ngày càng phổ biến cùng sự tiện ích và giá cả phải chăng. Hình thức mua bán trực tuyến này thu hút người tiêu dùng mọi lứa tuổi bởi sự đa dạng và tiện dụng như giúp khách dễ dàng chọn lựa, tiết kiệm thời gian đi lại…Nhưng bên cạnh đó nó tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, nhất là đối với những mặt hàng thực phẩm được chế biến sẵn..
Theo ghi nhận, danh sách cửa hàng cung cấp từ thực phẩm tươi sống đến đồ đã sơ chế, thực phẩm chín ngày càng xuất hiện nhiều trên mạng xã hội. Người tiêu dùng dù tỏ ý e dè trước chất lượng thực phẩm tại các chợ dân sinh nhưng lại khá dễ dãi khi chọn lựa thực phẩm trên chợ mạng. Đa phần lựa chọn các shop thực phẩm online theo cảm tính.
Nhập cụm từ “thực phẩm online” trên trang Google, chỉ trong 0,42 giây đã cho 157 triệu kết quả là các website, mạng xã hội rao bán thực phẩm trực tuyến. Còn nếu tỷ mỉ hơn, gõ “thực phẩm sạch’ cũng có tới 94 triệu kết quả trong vòng 72 giây.
Trên chợ online, dễ dàng tìm thấy bất cứ loại thực phẩm nào từ chưa chế biến đến chế biến sẵn, giá từ bình dân đến cao cấp, các món đặc sản ở mọi miền đất nước… Và tất nhiên, điểm bán nào cũng giới thiệu hình ảnh rất bắt mắt, tươi ngon, kèm lời bảo đảm chất lượng cũng như an toàn vệ sinh thực phẩm.
Mua thực phẩm chế biến sẵn trên mạng tiềm ẩn nhiều nguy cơ ngộ độc. Ảnh minh họa
Rất nhiều các mẹ bỉm sữa đã và đang là thành viên của các hội như “Sống sạch”, “Chợ nông sản thực phẩm sạch Hà Nội”, hay “Chợ đồ ăn online siêu rẻ”…Tuy nhiên, thực tế ai cũng nhận thấy phần lớn thực phẩm rao bán không có xuất xứ, nguồn gốc rõ ràng, người bán chỉ để lại thông tin sản phẩm, số điện thoại đặt hàng và nhận giao hàng tận nơi. Thỉnh thoảng những trang này cũng nhận một số ý kiến phàn nàn về chất lượng sản phẩm không như quảng cáo.
Có thể thấy hiện nay, nhiều trang mạng xã hội cá nhân đang bán hàng online không đăng ký kinh doanh, không có giấy tờ chứng minh chất lượng, nguồn gốc thực phẩm. Chất lượng thực phẩm được đảm bảo chỉ bằng “niềm tin” giữa người mua và người bán.
Theo quy định, các cơ sở chế biến thực phẩm phải thực hiện công bố hoặc đăng ký bản công bố thành phần đối với cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên trên thực tế, nhiều loại bán online, đặc biệt là thực phẩm handmade hầu hết không đáp ứng được tiêu chuẩn trên (trừ những nhãn hàng của doanh nghiệp, tổ chức có uy tín, có tên tuổi).
Nhận định về thực phẩm trên mạng, bác sĩ Hoàng Thu Huyền – Trưởng khoa An toàn thực phẩm, Trung tâm Y tế quận Hà Đông cho biết, việc sử dụng thực phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm ảnh hưởng lớn đến sức khoẻ. Thứ nhất là nó sẽ gây ra ngộ độc cấp tính với triệu chứng như đau bụng, nôn, tiêu chảy. Thứ hai là nếu như thực phẩm có có tồn dư các hoá chất bảo vệ thực vật, sẽ gây ra các triệu chứng đau đầu dữ dội và nôn ói.
Nhấn mạnh thêm, bác sĩ Hoàng Thu Huyền cho rằng nếu sử dụng những thực phẩm không đảm bảo trong thời gian dài, các chất độc hại tích luỹ trong cơ thể sẽ làm suy giảm hệ miễn dịch, nguy cơ dẫn đến các bệnh như tim mạch, ảnh hưởng đến hệ thần kinh, thậm chí là ung thư.
Mặt khác, khi lựa chọn thực phẩm trực tuyến, người tiêu dùng cần phải biết quy trình bảo quản và vận chuyển thức ăn an toàn. Thực tế cho thấy trong các thành phố lớn như Hà Nội hiện nay, hình thức giao hàng chủ yếu bằng vận chuyển xe máy, không đảm bảo được môi trường nhiệt độ cho thực phẩm. Thêm đó, vào mùa nắng nóng, độ ẩm và nhiệt độ cao là môi trường thuận lợi để vi khuẩn, vi sinh vật phát triển mạnh khiến thực phẩm nhanh bị ôi thiu. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngộ độc thực phẩm.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Hoa, chuyên gia dinh dưỡng, Trung tâm dinh dưỡng Hà Nội cho biết, tình trạng ngộ độc thực phẩm thường có dấu hiệu gia tăng trong thời điểm hè. Các đồ ăn nhanh trên mạng đa dạng nhưng thường chứa hàm lượng muối, đường, chất béo xấu rất cao. Người ăn nên lựa chọn các món ăn cân đối về dinh dưỡng, không nên lựa chọn theo sở thích có thể dẫn tới mất cân bằng dinh dưỡng. Không ăn thức ăn ôi thiu hay đã hết hạn sử dụng.
Ông Thân Đức Công – Cục trưởng Cục Nghiệp vụ quản lý thị trường- Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) cho biết, thực phẩm được gọi là an toàn khi sản phẩm có đầy đủ các thông tin về nguồn gốc, xuất xứ; thông tin nhà sản xuất, địa chỉ nơi sản xuất; ngày sản xuất và hạn sử dụng. Ngoài ra, sản phẩm phải bảo đảm giữ chất dinh dưỡng, không bị ô nhiễm từ các tác nhân sinh học, không bị nhiễm hóa chất, không gây ngộ độc, được chế biến bảo đảm vệ sinh, không nguy hại đến sức khỏe người tiêu dùng.
Do đó khi mua thực phẩm chế biến sẵn, dù là sản xuất bằng máy móc hay thủ công vẫn phải chọn những mặt hàng đảm bảo mọi quy định: có nguồn gốc xuất xứ, nhãn sử dụng được xác nhận, kiểm định của cơ quan có thẩm quyền, thời hạn sử dụng…để đảm bảo tốt nhất sự an toàn về sức khỏe.
Người mua cũng nên lựa chọn những nơi bán hàng có uy tín, có đăng ký kinh doanh và có cam kết về chất lượng. Trong trường hợp mua phải hàng kém chất lượng, người tiêu dùng có quyền kiến nghị, báo cáo với các phòng kinh tế thuộc các quận, Sở Công Thương xem xét giải quyết.
An toàn thực phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng con người, vì vậy, quản lý an toàn thực phẩm hiện nay là vấn đề rất cần thiết. Quan điểm của QLTT là luôn đồng hành và bảo vệ những doanh nghiệp làm ăn hợp pháp, chính đáng và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Để quản lý an toàn thực phẩm trong thương mại điện tử thời gian tới sẽ ủng hộ việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu như đề xuất tại Công văn số 3472 ngày 24/6/2024 của Bộ Y tế đối với trang thông tin điện tử về an toàn thực phẩm. Theo đó, Bộ Y tế cần sớm hoàn thiện hệ thống và cập nhật cơ sở dữ liệu quốc gia, đồng thời cho phép các đơn vị liên quan trong công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm được kết nối, khai thác và sử dụng dữ liệu, tăng cường quản lý an toàn thực phẩm trên không gian mạng.
An Dương (T/h)