Cần sớm có khung pháp lý hoàn chỉnh, tiêu chuẩn, quy chuẩn rõ ràng để quản lý thuốc lá thế hệ mới

Buôn bán, vận chuyển thuốc lá nhập lậu vẫn diễn ra rất phức tạp

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Mạnh Cường cho rằng, cần sớm có khung pháp lý hoàn chỉnh để quản lý thuốc lá thế hệ mới theo hướng quy định rõ cấm hay cho phép sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, cần quy định rõ chế tài xử lý đối với hành vi buôn bán, vận chuyển thuốc lá thế hệ mới nhập lậu, bao gồm cả xử lý hành chính và hình sự; mức định lượng sản phẩm nhập lậu để xử lý hành chính, hình sự…

Có thể nói, hiện nay tình trạng buôn bán, vận chuyển thuốc lá nhập lậu vẫn diễn ra rất phức tạp trên thị trường và qua không gian mạng. Việc buôn lậu không chỉ diễn ra đối với thuốc lá truyền thống mà đã và đang gia tăng việc buôn bán, vận chuyển, nhập lậu thuốc lá thế hệ mới như thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng. Tình trạng này đang gây hệ lụy rất đáng lo ngại đối với người tiêu dùng là người sử dụng, hút thuốc lá và gây tác hại đối với phát triển kinh tế – xã hội nói chung của đất nước.

Trước hết, sản phẩm thuốc lá nhập lậu, trong đó có thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng nhập lậu không chịu sự quản lý, kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng về chất lượng sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ, nguyên liệu, không có cảnh báo về nguy hại đến sức khỏe. Do đó, khi sử dụng sản phẩm này sức khỏe của người tiêu dùng sẽ gặp rất nhiều rủi ro. Sản phẩm nhập lậu thường có giá thành rẻ hơn so với sản phẩm được sản xuất, nhập khẩu hợp pháp, làm cho người hút thuốc lá dễ tiếp cận hơn, qua đó làm tăng số người hút thuốc và lượng thuốc lá được sử dụng.

Thuốc lá thế hệ mới cần phải có khung pháp lý hoàn chỉnh, tiêu chuẩn và quy chuẩn rõ ràng. (Ảnh minh họa)

Bên cạnh đó, dưới góc độ kinh tế – xã hội, sản phẩm thuốc lá nhập lậu trốn thuế đã gây thất thu ngân sách nhà nước mỗi năm hàng nghìn tỷ đồng. Thuốc lá nhập lậu gây ra sự cạnh tranh không công bằng, làm cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thuốc lá hợp pháp trong nước mất đi lượng khách hàng nhất định, gây thiệt hại không nhỏ cho các doanh nghiệp này.

Ngoài ra, nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, lợi nhuận từ sản phẩm nhập lậu thường được dùng để hỗ trợ các hoạt động bất hợp pháp khác như buôn bán ma túy, mại dâm, rửa tiền…, tác động xấu đến tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế – xã hội.

Sự điều chỉnh của Luật đối với các loại thuốc lá thế hệ mới chưa rõ ràng

Đề cập tới chính sách, pháp luật hiện hành chưa đủ bao quát để điều chỉnh đối với mặt hàng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đang nhập lậu vào thị trường, trong đó, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, các văn bản hướng dẫn chưa quy định cụ thể về thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, dẫn đến thiếu quy định về cơ chế quản lý, chế tài xử phạt đủ mạnh đối với hành vi vi phạm, ông Nguyễn Mạnh Cường thông tin, hút thuốc lá dù bất kỳ loại nào, thuốc lá truyền thống, thuốc lá điện tử hay thuốc lá nung nóng đều rất có hại cho sức khỏe người hút thuốc, tạo áp lực cho hệ thống y tế, gây thiệt hại về kinh tế, có hại cho môi trường và những người xung quanh.

Chính vì vậy, Việt Nam đã tham gia Công ước Khung về kiểm soát thuốc lá và Quốc hội đã ban hành Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá. Trên cơ sở đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 67/2013/NĐ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá về kinh doanh thuốc lá. Các quy định nêu trên đã tạo khung pháp lý để kiểm soát, hạn chế và giảm thiểu đến mức thấp nhất tác hại do việc sử dụng thuốc lá.

Tuy nhiên, với sự xuất hiện của thuốc lá thế hệ mới, sự điều chỉnh của luật đối với các loại thuốc lá này còn chưa rõ ràng. Hiện nay, đang có 2 loại thuốc lá thế hệ mới với cấu tạo, tính chất, đặc điểm hoàn toàn khác nhau là thuốc lá nung nóng và thuốc lá điện tử. Thuốc lá điện tử mô phỏng hình dạng và chức năng thuốc lá truyền thống, sử dụng dung dịch, hóa hơi để tạo luồng hơi có mùi vị và cảm giác giống hút thuốc lá thật. Còn thuốc lá nung nóng thì lại rất giống với thuốc lá truyền thống, cũng làm từ sợi thuốc lá và chỉ thay đổi cách đốt, từ đốt bằng lửa (khoảng 1000 độ C) như ở thuốc lá truyền thống sang nung nóng (bằng nhiệt độ khoảng 40 độ C) để giải phóng nicotine với mục đích theo như nhà sản xuất là nhằm làm giảm thiểu tác hại của các chất sinh ra trong quá trình đốt điếu thuốc lá.

Như vậy, thuốc lá điện tử chưa được đề cập trong Luật Phòng chống tác hại thuốc lá; nhưng thuốc lá nung nóng lại rất sát với định nghĩa về thuốc lá của Luật là “sản phẩm được sản xuất từ toàn bộ hoặc một phần nguyên liệu thuốc lá, được chế biến dưới dạng thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lá sợi, thuốc lào hoặc các dạng khác”. Nhưng cũng chưa có ý kiến chính thức của cơ quan có thẩm quyền khẳng định thuốc lá nung nóng là thuốc lá để quản lý theo Luật Luật Phòng chống tác hại thuốc lá. Bên cạnh đó, thuốc lá thế hệ mới cũng không thuộc danh mục ngành nghề cấm kinh doanh theo Luật Đầu tư.

Chính vì vậy, công tác quản lý nhà nước đối với thuốc lá thế hệ mới, đặc biệt là việc phòng, chống, xử lý thuốc lá thế hệ mới nhập lậu gặp nhiều khó khăn. Cụ thể như hiện nay thuốc lá thế hệ mới xuất hiện trên thị trường nhưng không ai rõ về chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ; nhiều người tiêu dùng hiểu sai về thuốc lá thế hệ mới, nghĩ rằng thuốc lá thế hệ mới không độc hại, dẫn đến gia tăng người sử dụng. Xử lý vi phạm hành chính, nhất là xử lý vi phạm hình sự người buôn lậu, người vi phạm hoạt động kinh doanh thuốc lá thế hệ mới gặp rất nhiều khó khăn và không đủ sức răn đe do thiếu khuôn khổ pháp lý đầy đủ.

Cho đến thời điểm hiện tại, chỉ có khái niệm về thuốc lá truyền thống và chế tài xử lý hành vi vi phạm đối với hành vi sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, giao nhận hàng cấm, trong đó có thuốc lá truyền thống nhập lậu (bao gồm thuốc lá điếu và Cigar quy đổi sang thuốc lá điếu), chưa có quy định cụ thể về chế tài xử lý hành chính, hình sự hành vi vi phạm đối với người kinh doanh, buôn lậu thuốc lá thế hệ mới.

Phải quy định rõ về tiêu chuẩn chất lượng, quy chuẩn, quy định về ghi nhãn

Để bảo đảm tính khả thi, thống nhất của hệ thống pháp luật và có giải pháp thực hiện phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng thì cần có nhiều phương án, giải pháp khác nhau để giải quyết vấn đề và chúng ta cần lựa chọn giải pháp tối ưu nhất. Hiện nay, có 2 xu hướng, 2 giải pháp khác nhau mà các cơ quan hữu quan đang đề cập tới, đó là: cấm hoặc cho phép kinh doanh thuốc lá thế hệ mới với sự quản lý chặt chẽ. Việc lựa chọn giải pháp nào trong 2 giải pháp trên đều phải căn cứ trên cơ sở bằng chứng khoa học, đánh giá kỹ tác động, ưu điểm, nhược điểm của mỗi giải pháp để đưa ra lựa chọn phù hợp; không nên lựa chọn theo hướng “không quản được thì cấm”.

Vấn đề ở đây là cần sớm có khung pháp lý hoàn chỉnh để quản lý thuốc lá thế hệ mới theo hướng quy định rõ cấm hay cho phép sản xuất, kinh doanh; loại nào cấm, loại nào cho phép. Nếu cho phép thì phải quy định rõ về tiêu chuẩn chất lượng, quy chuẩn; quy định về ghi nhãn, về quảng cáo, tuyên truyền về tác hại của loại thuốc lá đó; quy định về thuế… Đồng thời, cần quy định rõ chế tài xử lý đối với hành vi buôn bán, vận chuyển thuốc lá thế hệ mới nhập lậu, bao gồm cả xử lý hành chính và xử lý hình sự; mức định lượng sản phẩm nhập lậu để xử lý hành chính, hình sự…

Các chuyên gia cũng đồng thuận cao về việc nên sớm có luật và thống nhất bộ tiêu chuẩn quốc gia trong quản lý các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới đang có mặt trên thị trường nước ta và chỉ nên thông qua cho những sản phẩm đạt yêu cầu nhằm bảo vệ sức khoẻ cộng đồng.

Được biết, cuối năm 2020, Bộ Khoa học Công nghệ đã ban hành Quyết định số 3458/QĐ-BKHCN về việc công bố 03 tiêu chuẩn quốc gia về sản phẩm TLLN, bao gồm: TCVN 13154:2020 về sản phẩm thuốc lá làm nóng – xác định hàm lượng các oxit nitơ 2; TCVN 13155:2020 về sản phẩm thuốc lá làm nóng – xác định hàm lượng cacbon monoxit 3; TCVN 13156:2020 về sản phẩm thuốc lá làm nóng – các yêu cầu.

Nhiều nước cũng đã công bố bộ tiêu chuẩn quốc gia cho các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới: Các nước Châu Âu (Anh, Pháp, Đức…); Các nước Bắc Mỹ (Hoa Kỳ, Canada); Các nước Liên Xô cũ (Nga, Ukraina, Kazakhstan); Các nước Trung Đông (Ai Cập, Jordani, Israel); Các nước châu Á (Trung Quốc, Philipinnes, Malaysia, Indonesia,…).

An Dương (T/h)

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích