Cô học trò nhỏ vùng cao đạt ước mơ ĐH sư phạm với trung bình hơn 9 điểm
Sinh ra và lớn lên ở huyện vùng cao Đakrông, tỉnh Quảng Trị, từ nhỏ em Nguyễn Thị Ánh Nguyệt, ở thôn Làng Cát, xã Đakrông, huyện Đakrông luôn ấp ủ ước mơ trở thành cô giáo để dạy chữ cho các em nhỏ ở quê mình. Ước mơ ấy đã trở thành động lực giúp Nguyệt vượt qua hoàn cảnh khó khăn, vươn lên đạt kết quả cao trong học tập.
Ở trường THPT Đakrông bạn bè và thầy cô giáo luôn dành tình cảm đặc biệt cho cô học trò nhỏ vùng cao. Ba năm học liền, em đều đạt danh hiệu học sinh giỏi. Năm lớp 12, em đoạt giải 3 môn lịch sử trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh. Đặc biệt, tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, ba môn thi của khối C, Nguyệt đạt 27,5 điểm (Lịch sử 8,75 điểm, Địa lý 9,5 điểm và Ngữ văn 9,25 điểm).
Cô Phan Thị Kim Anh, giáo viên chủ nhiệm của em cho biết: “Nguyệt là một học sinh rất chăm ngoan. Ngoài kiến thức học được ở trường, em còn chịu khó tìm tòi tài liệu trên mạng internet, sách báo để bổ sung thêm kiến thức cho bản thân. Kết quả đạt được trong kỳ thi vừa qua là rất xứng đáng với sự nỗ lực, phấn đấu của em. Bên cạnh là một học trò chăm ngoan học giỏi, Nguyệt còn là một cầu thủ bóng chuyền xuất sắc của trường”.
Với số điểm khá ấn tượng đạt được trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, Nguyệt đã trúng tuyển vào Khoa Sư phạm Tiểu học, Trường Đại học Sư phạm Huế. Chia sẻ kinh nghiệm trong học tập, Nguyệt cho biết, em không có bí quyết gì ngoài tự học.
Cả ba môn khối C đều đòi hỏi phải học nhiều sự kiện, nội dung, số liệu… Để ghi nhớ kiến thức, em tự chia thời gian cụ thể trong ngày cho từng môn học và lên lịch trước cho cả quá trình học. Bên cạnh những kiến thức học được ở trường, về nhà em tham khảo thêm các tài liệu từ sách, báo, mạng xã hội… để bổ sung thêm kiến thức xã hội, vận dụng phân tích mở rộng khi làm bài thi.
Nguyệt đang phụ giúp mẹ may quần áo để kiếm tiền chuẩn bị nhập học
“Em vừa nhận được giấy báo nhập học của Trường Đại học Sư phạm Huế. Em rất vui vì trúng tuyển được vào ngành học vừa thực hiện được ước mơ của bản thân vừa đỡ một phần chi phí nuôi học hành cho mẹ. Khi vào học ổn định, em sẽ kiếm thêm những công việc phù hợp như làm gia sư hoặc xin phụ giúp ở quán may quần áo để làm thêm nhằm trang trải chi phí học tập, đỡ đần cho mẹ”, Nguyệt chia sẻ.
Nguồn: hoanhap.vn