Hậu Giang: Đẩy mạnh phát triển sản phẩm OCOP, nâng tầm giá trị nông sản địa phương

Ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp thông minh

Những năm qua, Hậu Giang đã thực hiện chương trình OCOP với mong muốn nâng cao giá trị các mặt hàng nông sản địa phương, từ đó giúp cải thiện kinh tế, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân. Chương trình OCOP giúp thay đổi mạnh mẽ tư duy của nông dân, từ sản xuất thuần túy chuyển sang tư duy kinh tế sản xuất, tạo ra những sản phẩm đạt chất lượng và tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Ứng dụng công nghệ trong sản xuất giúp nâng cao chất lượng sản phẩm của địa phương. (Ảnh: haugiangtivi.vn)

Theo Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Hậu Giang, tốc độ phát triển nhanh của công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã khiến một số hình thức canh tác truyền thống trở nên lỗi thời. Thay vào đó, tỉnh đang tập trung vào các mô hình nông nghiệp an toàn, ứng dụng công nghệ cao và thiết bị hiện đại vào sản xuất nông nghiệp. Điều này bao gồm việc áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin vào sản xuất nông nghiệp thông minh, nhằm đảm bảo sự phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương.

Đến nay, Hậu Giang đã có 266 sản phẩm OCOP, trong đó 92 sản phẩm đạt 4 sao và 174 sản phẩm đạt 3 sao. Các sản phẩm này thuộc 125 chủ thể bao gồm công ty, hợp tác xã và các cơ sở kinh doanh cá thể. Việc tham gia chương trình OCOP đã giúp các sản phẩm nông sản nâng cao chất lượng, cải thiện hệ thống nhận diện và mở rộng quy mô tiếp cận thị trường trong và ngoài nước.

Thành công từ những sản phẩm OCOP

Một ví dụ điển hình là cơ sở bánh kẹo Tân Bạch Nguyệt của chị Từ Thị Nguyên Mai ở ấp Trường Khánh 1, xã Long Thạnh, huyện Phụng Hiệp. Sau khi sản phẩm bánh pía của cơ sở được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao, sản lượng tiêu thụ đã tăng hơn 20% và mở rộng ra nhiều tỉnh thành. Theo chị Mai, từ khi sản phẩm được gắn mác OCOP, người tiêu dùng đã tin tưởng hơn vào chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm của sản phẩm, đồng thời giúp cơ sở tự tin hơn trong việc mở rộng thị trường.

Huyện Phụng Hiệp cũng đẩy mạnh các chương trình hỗ trợ chủ thể OCOP trong hoàn thiện quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến bao bì và mẫu mã. Các sản phẩm OCOP của huyện đã được quảng bá và tiêu thụ qua các sàn thương mại điện tử như Voso, Postmart, Shopee, Lazada, giúp mở rộng thị trường và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

Một ví dụ khác là Hợp tác xã thát lát Kỳ Như, đơn vị có nhiều sản phẩm OCOP từ cá thát lát của Hậu Giang. Hợp tác xã đã liên kết với hộ nuôi cá theo chuỗi giá trị, tạo ra sản phẩm cá thát lát rút xương tẩm gia vị, một mặt hàng chủ lực để tham gia đánh giá OCOP 5 sao cấp quốc gia. Bà Nguyễn Kim Thùy – Giám đốc Hợp tác xã thát lát Kỳ Như cho biết: “Để sản phẩm OCOP đạt 5 sao và có thể xuất khẩu, chúng tôi chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng vùng nuôi cá theo tiêu chuẩn VietGAP và áp dụng công nghệ mới vào sản xuất”.

Sản phẩm OCOP mang dấu ấn của địa phương được quảng bá rộng rãi. (Ảnh: haugiangtivi.vn)

Tính đến nay, huyện Phụng Hiệp đã có 42 sản phẩm đạt chuẩn OCOP, chiếm 15% tổng sản phẩm OCOP của toàn tỉnh. Các sản phẩm này sau khi cấp chứng nhận đều được đưa vào xúc tiến thương mại, giúp tăng 50-60% sản lượng tiêu thụ so với trước. Trong năm 2024, huyện Phụng Hiệp đặt mục tiêu xây dựng thêm 5-7 sản phẩm OCOP đạt 3-4 sao cấp huyện và tỉnh, với các sản phẩm tiêu biểu như trà mãng cầu, nước mắm đồng và các sản phẩm từ dược liệu.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Phụng Hiệp Lê Như Lê, chương trình OCOP không chỉ giúp nâng cao giá trị kinh tế mà còn góp phần quảng bá đặc trưng nông sản của địa phương. Huyện cũng tăng cường kiểm tra, giám sát, đảm bảo chất lượng sản phẩm OCOP, từ đó nắm bắt tình hình sản xuất để có những giải pháp hỗ trợ phù hợp.

Mới đây, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP thị xã Long Mỹ đã công nhận thêm 9 sản phẩm OCOP năm 2024. Hội đồng đã công nhận 8 sản phẩm đạt 3 sao. Trong đó, có 1 sản phẩm dưa lưới của HTX nông sản Mekong Delta Hưng Thịnh, khu vực Bình Thạnh B, phường Bình Thạnh, được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm thị xã Long Mỹ trình Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm cấp tỉnh đánh giá, phân hạng đạt 4 sao.

Như vậy, sau gần 4 năm triển khai Chương trình OCOP, đến nay, thị xã Long Mỹ đã có 45 sản phẩm OCOP đạt chất lượng từ 3 đến 4 sao. Nhiều sản phẩm OCOP không chỉ được tiêu thụ tại chỗ, mang tính chất địa phương mà còn được phân phối ở các chuỗi siêu thị trong tỉnh và khu vực; điều này cho thấy sản phẩm OCOP của thị xã Long Mỹ đã tạo được lòng tin với người tiêu dùng về vấn đề chất lượng.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang Trương Cảnh Tuyên chia sẻ, tỉnh Hậu Giang xác định nông nghiệp và du lịch là hai trong bốn trụ cột của nền kinh tế. Trên cơ sở đó, tỉnh đã triển khai đồng bộ chương trình phát triển du lịch nông nghiệp – nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025. Đồng thời, đặt ra chỉ tiêu thi đua cho từng địa phương để xác định sản phẩm đặc trưng; đầu tư máy móc, trang thiết bị và cải thiện thiết kế bao bì của sản phẩm để bảo đảm đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Với lợi thế về thổ nhưỡng và đa dạng sản phẩm nông nghiệp, cùng sự hỗ trợ từ các chương trình, dự án, sản phẩm OCOP của Hậu Giang không chỉ hiện diện tại các tỉnh thành trong nước mà còn có mặt trên thị trường quốc tế như EU, Hàn Quốc, Hong Kong (Trung Quốc). Các sản phẩm OCOP của tỉnh đều được chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng như ISO, VietGAP, GlobalGAP, GMP, tạo ra sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu trong và ngoài nước.

Duy Trinh

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích