Fed giảm lãi suất 0,5% có tác động ra sao?

Dấu hiệu lộ trình nới lỏng chính sách tiền tệ đang bắt đầu

Quyết định này được Uỷ ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) đưa ra trong bối cảnh cả thị trường lao động và lạm phát đều đang hạ nhiệt với mức cắt giảm được cho là “mạnh tay” – 0,5% – đưa lãi suất tiêu chuẩn về dao động trong khoảng 4,75% – 5%, báo hiệu lộ trình nới lỏng chính sách tiền tệ đang bắt đầu.

Ngoài các lần cắt giảm khẩn cấp trong thời kỳ Covid, lần cuối cùng cơ quan này cắt giảm ở mức tương tự là vào năm 2008 trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Ngoài quyết định cắt giảm, thông qua biểu đồ dot plot, FOMC còn phát tín hiệu sẽ cắt giảm thêm 0,5 điểm phần trăm nữa vào cuối năm nay. Đối với năm 2025, các quan chức Fed dự kiến có thể cắt giảm tổng cộng 1% còn năm 2026 là 0,5%

Nhìn chung, biểu đồ cho thấy lãi suất tiêu chuẩn giảm khoảng 2 điểm phần trăm sau quyết định mới nhất của Fed.

Theo đó, các nhà hoạch định chính sách kỳ vọng lãi suất chuẩn kết thúc năm 2025 ở mức từ 3,25% – 3,5%. Đến cuối năm 2026 lãi suất có thể thấp hơn 3% một chút.

Vàng, chứng khoán tăng, chỉ số đồng USD giảm

Phản ứng trước quyết định mạnh tay của Fed, các chỉ số chứng khoán chủ chốt của Mỹ đều tăng điểm trong phiên giao dịch 18/9.

Chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 0,36%, lên 41.755,91 điểm, trong khi chỉ số tổng hợp S&P 500 tăng 0,47%, lên 5.661,29 điểm. Còn chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tăng 0,77% lên 17.764,34 điểm.

Ngoài ra, chỉ số đồng USD, thước đo giá trị của đồng bạc xanh so với một giỏ các đồng tiền mạnh khác, đã giảm 0,54%.

Giá vàng thế giới cũng tăng thẳng đứng, gần 30 USD, lên 2.596 USD một ounce.

Thúc đẩy nhu cầu

Lãi suất tham chiếu của Fed áp dụng cho các khoản vay qua đêm liên ngân hàng. Đây không phải mức lãi người tiêu dùng và doanh nghiệp phải trả, nhưng động thái của Fed ảnh hưởng đến lãi suất cho vay và tiết kiệm.

Khi lãi suất thấp, chi phí đi vay rẻ hơn. Doanh nghiệp có thể đầu tư vào các dự án mới hoặc tuyển thêm nhân viên khi tiền lãi giảm đi. Tương tự, người tiêu dùng chi tiêu nhiều hơn do gửi tiết kiệm kém hấp dẫn.

Dù vậy, các nhà kinh tế học cho rằng phải mất ít nhất là một năm, tác động từ việc điều chỉnh này mới rõ rệt trong nền kinh tế. Điều này lý giải vì sao lãi suất tại Mỹ tăng từ đầu 2022, nhưng một năm sau lạm phát mới bắt đầu hạ nhiệt.

Chủ tịch Fed, ông Jerome Powell phát biểu tại họp báo sau khi Uỷ ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) quyết định cắt giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm ngày 18/9/2024. Ảnh cắt từ clip của Reuters

Chủ tịch Fed, ông Jerome Powell phát biểu tại họp báo sau khi Uỷ ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) quyết định cắt giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm ngày 18/9/2024. Ảnh cắt từ clip của Reuters

Tác động tích cực cho thị trường vàng và dầu thô

Giá vàng đạt mức cao kỷ lục trong tuần này khi nhà đầu tư kỳ vọng kim loại quí được hưởng lợi nhờ động thái giảm lãi suất dự kiến của Fed. Lãi suất cao thường là lực cản đối với vàng vì tài sản này không tạo ra thu nhập cố định như trái phiếu, dù về mặt lịch sử điều này không phải lúc nào cũng đúng.

Nhà đầu tư cũng tăng mua vàng trong những thời điểm kinh tế bất ổn và thị trường tài chính căng thẳng.

Dầu thô và các hàng hóa khác, thường được định giá bằng đô la, dự kiến hưởng lợi khi Fed hạ lãi suất. Chi phí vay đô la thấp hơn có thể kích thích tăng trưởng kinh tế và tăng nhu cầu hàng hóa.

Bitcoin lên mức cao nhất gần một tháng

Sau khi Fed cắt lãi suất, thị trường tiền số phản ứng sôi động, Bitcoin tăng lên gần 62.600 USD một đơn vị, mức cao nhất hơn ba tuần qua.

Khoảng 1h30 khuya nay, Bitcoin (BTC) nhảy từ vùng giá 59.200 USD cách đó hai tiếng lên trên 61.150 USD một đơn vị, tức tăng gần 2.000 USD chỉ trong thời gian ngắn. Sau đó, tiền số lớn nhất thế giới có phần hạ nhiệt, nhưng nhanh chóng khởi động đà tăng trở lại.

Đến khoảng 8h sáng nay, Bitcoin vươn lên sát 62.579 USD một đơn vị, tăng hơn 3% so với cùng kỳ hôm qua. Mức này cũng cao nhất kể từ 27/8, tức hơn ba tuần. BTC đang vào vùng biến động nhưng vẫn giữ quanh mức 62.000 USD.

Tương tự, Ether cũng bắt được nhịp tăng khoảng 2,5% lên gần khu vực 2.400 USD, Binance Coin tăng hơn 1,5%, Solona tích lũy thêm gần 3%. Nhiều đồng tiền số khác cũng theo đà cải thiện.

Phản ứng của ông Donald Trump

Ngay sau thông báo của Fed, tại một sự kiện ở Manhattan, ứng cử viên Tổng thống Mỹ đảng Cộng hòa Donald Trump bình luận: “Tôi đoán điều này cho thấy nền kinh tế rất tệ, nên mới phải giảm lãi suất nhiều như thế. Hoặc là họ đang có động cơ chính trị. Dù sao, đây cũng là mức giảm lớn”.

Ứng cử viên Tổng thống Mỹ Donald Trump tại cuộc vận động tranh cử ở Uniondale, New York hôm 18/9. Ảnh: Reuters

Ứng cử viên Tổng thống Mỹ Donald Trump tại cuộc vận động tranh cử ở Uniondale, New York hôm 18/9. Ảnh: Reuters

Trong khi đó, đối thủ của Trump trong cuộc đua vào Nhà Trắng – Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris hôm qua chỉ bình luận: “Việc giảm lãi suất là tin mừng với những người Mỹ đang chịu sức ép vì giá cao”. Bà nói thêm rằng trong vai trò ứng cử viên Tổng thống, mối quan tâm của bà vẫn là “làm thế nào để hạ nhiệt giá cả”.

Đây cũng không phải lần đầu tiên Trump chỉ trích Chủ tịch Fed Jerome Powell hoặc cáo buộc Fed có động cơ chính trị.

Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sẽ diễn ra vào đầu tháng 11. Các cuộc khảo sát gần đây cho thấy phần lớn cử tri Mỹ vẫn lo ngại về lạm phát và chi phí sinh hoạt, dù chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã chậm lại nhiều tháng qua. Khảo sát mới nhất của Financial Times và Đại học Michigan cho thấy 80% cử tri được hỏi coi lạm phát là nguyên nhân lớn nhất khiến họ stress về tài chính.

Nguồn: hoanhap.vn

Bạn cũng có thể thích