Bình Dương: Xử lý rác để phát triển “sản phẩm xanh”
(Xây dựng) – Được biết đến là tỉnh phát triển công nghiệp, ngay từ những ngày đầu tái lập Bình Dương luôn chú trọng công tác bảo vệ môi trường đi đôi với phát triển bền vững. Công ty Cổ phần – Tổng Công ty Nước và Môi trường Bình Dương (Biwase) được tỉnh Bình Dương giao nhiệm vụ không chỉ cung cấp nguồn nước sạch, mà còn xử lý nước thải, chất thải, tái tạo năng lượng và tái chế rác tạo sản phẩm thân thiện môi trường.
Rác thải sinh hoạt được vận chuyển về nhà máy để phân loại nhằm tái chế các sản phẩm hữu ích, thân thiện môi trường. |
Xử lý rác để môi trường xanh sạch cho đô thị
Rác thải là thứ bỏ đi và thường gây ô nhiễm môi trường, nhưng với Biwase đây lại chính là nguồn nguyên liệu đầu vào cho các sản phẩm, như: Vật liệu xây dựng chất lượng cao thân thiện với môi trường (gạch, bê tông tái chế), phân bón hữu cơ, điện. Với công nghệ xử lý đồng bộ, hiện đại và tự chủ trong kỹ thuật xử lý và tái chế rác, Biwase đã góp phần xây dựng Bình Dương là địa phương đi đầu trong cả nước về công nghệ xử lý tái chế rác thải tuần hoàn, tái tạo năng lượng, giảm phát thải carbon, đảm bảo an ninh chất thải trên địa bàn. Phù hợp các tiêu chí xử lý chất thải theo hướng kinh tế xanh của các nhà đầu tư lớn có vốn FDI cao như: Lego, Pandora chọn Bình Dương làm cứ điểm sản xuất.
Ông Nguyễn Văn Thiền, Chủ tịch HĐQT Biwase nhớ lại những ngày đầu xây dựng nhà máy xử lý rác: Năm 2004, khi Biwase nhận nhiệm vụ của lãnh đạo tỉnh Bình Dương giao xây dựng Khu liên hợp xử lý chất thải, tuy vinh dự vì được chọn nhưng cũng gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với quyết tâm, trách nhiệm của tập thể lãnh đạo Công ty đã tiến hành xây dựng khu chôn lấp tạm thời tiếp nhận rác thải cùng với hệ thống thu gom xử lý nước rỉ rác. Chuẩn bị cho quy trình xử lý triệt để rác thải theo hướng tuần hoàn trong tương lai. Hệ thống thu gom, xử lý nước rỉ rác còn bảo đảm nhiệm vụ không để nước rỉ rác ảnh hưởng đến nguồn nước ngầm. Quá trình tiếp nhận rác thải Biwase đã từng bước hạn chế chôn lấp chuyển sang tái chế 100% rác thải tiếp nhận mỗi ngày.
Bằng sự quyết tâm, tháng 9/2013, Công ty tổ chức khánh thành và đưa dây chuyền xử lý rác thành phân hữu cơ compost có công suất 420 tấn/ngày đêm từ vốn vay Phần Lan, ứng dụng công nghệ châu Âu đi vào hoạt động. Tháng 01/2018 Công ty tiếp tục khánh thành giai đoạn 2 hệ thống xử lý rác thành phân hữu cơ và hệ thống khí metan từ các hố chôn, ủ tạm thời để chạy máy phát điện với công suất gần 2MW. Tháng 1/2024, Công ty tiếp tục đưa vào vận hành nhà máy đốt rác công suất 200 tấn/ngày đêm để phát 5MW điện phục vụ cho hoạt động của Khu liên hợp xử lý chất thải rộng 100ha.
Kỹ sư điều hành hệ thống đốt rác phát điện công suất 5MW. |
Hiện nay, Công ty có đến 4 dây chuyền công nghệ tách lọc xử lý rác với công suất 2.520 tấn/ngày; 2 nhà máy xử lý nước rỉ rác công suất 1.000m3/ngày cùng nhiều dây chuyền xử lý tái chế khác hoàn toàn đủ công suất tiếp nhận 100% rác sinh hoạt của tỉnh về Khu liên hợp xử lý chất thải; 2 nhà máy đốt rác y tế công suất 16 tấn/ngày; 4 nhà máy đốt rác hỗn hợp công suất 500 tấn/ngày.
Trong dịp tham dự lễ khánh thành nhà máy đốt rác phát điện tháng 1/2024, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn từng phát biểu: Bảo vệ môi trường là vấn đề ngày càng được quan tâm nhiều hơn ở Việt Nam và trên toàn thế giới, là nhân tố bảo đảm sức khỏe và chất lượng cuộc sống của nhân dân.
Để bảo vệ môi trường, xử lý chất thải rắn hiệu quả, Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn mong muốn lãnh đạo tỉnh Bình Dương tiếp tục quan tâm chỉ đạo các cấp, các ngành tạo điều kiện để dự án xử lý rác của Biwase hoạt động ổn định, bền vững, hướng đến thực hiện tốt mục tiêu Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn; đồng thời quan tâm đầu tư, nâng cao năng lực, phạm vi thu gom, vận chuyển cũng như tập trung nghiên cứu phát triển, làm chủ các công nghệ xử lý chất thải rắn tiên tiến, hiện đại, góp phần xử lý triệt để chất thải rắn.
Xanh hóa các công trình do Biwase thực hiện
Thời điểm ban đầu, Khu liên hợp xử lý chất thải chỉ xây dựng 2 hố chứa nước rỉ rác dung tích 100.000m3, nhưng khi mùa mưa đến, áp lực lớn, nguy cơ vỡ hồ trữ cao. Trước tình hình đó, năm 2009, nhà máy nước rỉ rác được khởi công xây dựng và đi vào hoạt động với công suất 450m3/ngày, giải quyết được lượng nước rỉ rác khá lớn từ các bãi chôn lấp, đồng thời, qua quá trình nỗ lực nghiên cứu và xử lý, chất lượng nước thải hiện tại luôn đạt loại A, được sử dụng tuần hoàn vào các hoạt động trong sản xuất, tưới tiêu, rửa xe, rửa đường…
Tiếp theo là xử lý rác thành phân compost với công suất giai đoạn 1 là 420 tấn/ngày. Công trình Khu liên hợp xử lý chất thải được xem là một trong những công trình sử dụng vốn ODA đầu tiên về lĩnh vực môi trường trên địa bàn Bình Dương. Trong đó, mô hình xây dựng Khu liên hợp xử lý chất thải theo hướng khép kín từ khâu tiếp nhận, xử lý, tái chế và tận thu những phế phẩm có giá trị để tái sản xuất ra những sản phẩm hữu ích như: Rác hữu cơ sẽ ủ làm phân hữu cơ, phục vụ cho nông nghiệp hữu cơ; rác nilon sẽ được tái chế; sắt, thép, kim loại được thu gom bán phế liệu; xà bần, vật liệu xây dựng được nghiền theo các kích thước khác nhau để thay thế cát, đá trong sản xuất vật liệu xây dựng; rác khác đốt và thu nhiệt phát điện; bùn thải hữu cơ sấy làm phân hữu cơ. Đặc biệt xỉ tro từ lò đốt, bùn thải vô cơ được phối trộn làm bê tông, cấu kiện bê tông, gạch tự chèn, lát nền, vỉa hè… phù hợp với thị trường.
Khó khăn nhất là không có công nghệ nào có thể xử lý đồng thời tất cả các loại rác mà không cần phân loại trước. Do đó, bước đầu tiên trong quy trình xử lý là tiếp nhận và phân loại rác ngay tại nguồn. Việc phân loại này cho phép các loại rác khác nhau được đưa vào các dây chuyền xử lý chuyên biệt, phù hợp với đặc tính riêng của chúng.
Từ quy trình sàn tách rác thải đầu vào, ủ làm phân bón chất lượng cao, cung cấp cho nông nghiệp sản phẩm hữu cơ hiệu quả, thân thiện phù hợp với xu hướng và chủ trương của Nhà nước. Đến việc khắc phục, nâng cấp và tự chủ hoàn toàn trong công nghệ đốt rác phát điện công suất 5MW đáp ứng 80% nhu cầu sử dụng điện cho hoạt động sản xuất kinh doanh tại Khu liên hợp xử lý chất thải. Góp phần phát triển nguồn năng lượng tái tạo, hướng đến nền kinh tế tuần hoàn, giảm thải carbon và chống biến đổi khí hậu toàn cầu.
Công trình nhà máy đốt rác phát điện 5MW được xây dựng từ vật liệu tái chế đã đạt giải thưởng kiến trúc. |
Ông Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương cho biết: Biwase là doanh nghiệp có trách nhiệm cao trong thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận, xử lý rác, giữ an toàn mùi, thu gom kỹ nước rỉ rác của nước thải. Không để dân sống xung quanh phiền hà, mà ngược lại còn xây dựng và chăm sóc khu xử lý rác xanh, sạch, sinh thái, an toàn và thân thiện với người dân xung quanh.
Từ chỗ Công ty có chiến lược đúng đắn trong phương án đầu tư, coi trọng nhân lực trong nước, tạo điều kiện để đội ngũ kỹ sư tự thiết kế, tự thi công, vừa học hỏi và hoàn thiện dần kiến thức chuyên môn. Đến nay đội ngũ kỹ sư của Công ty cơ bản vững tay nghề, chủ động các công nghệ trong xử lý, quản lý, vận hành rác tiên tiến, an toàn.
Từ những thành quả trong xử lý rác, ông Nguyễn Văn Thiền rút ra bài học muốn đầu tư xử lý rác cần đảm bảo hai yếu tố: Thứ nhất là bền vững về công nghệ, tiếp cận công nghệ tiên tiến để xử lý rác không gây ô nhiễm; thứ hai là bền vững về tài chính, công nghệ phải tạo ra nhiều sản phẩm tốt, có thể bán trên thị trường để tạo ra doanh thu đủ lớn, bù đắp cho chi phí vốn vay và vận hành, bảo dưỡng. Doanh thu của một nhà máy xử lý rác gồm có 2 nguồn cần được đảm bảo, một là nguồn thu từ phí xử lý rác, và hai là nguồn thu từ sản phẩm sau xử lý rác như phân bón, điện rác, vật liệu tái chế…
Bài dự thi viết về Công trình xanh Việt Nam năm 2024 do Báo Xây dựng phát động. Ban tổ chức cuộc thi không trả nhuận bút các bài dự thi. Tác giả chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực và bản quyền bài viết. |
Nguồn: Báo xây dựng