Xu hướng mới về ứng dụng yếu tố xanh bền vững trong xây dựng công trình

(Xây dựng) – Không dừng lại ở câu chuyện sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường, giải pháp tiết kiệm điện năng, các công trình còn góp phần định hình sức mạnh của một đô thị, một quốc gia. Bằng những cách kiến giải độc đáo về khái niệm “xanh bền vững” và những sáng tạo trong kiến trúc, Văn Phú – Invest không chỉ tạo ra giải pháp ứng phó linh hoạt với những diễn biến phức tạp của khí hậu mà còn hàn gắn những “đứt gãy” trong cộng đồng và xoa dịu căng thẳng cho những thế hệ nhiều áp lực.

Xu hướng mới về ứng dụng yếu tố xanh bền vững trong xây dựng công trình
Biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, trong khi hạ tầng kỹ thuật đô thị Việt Nam chưa hoàn chỉnh, dẫn đến các trục tiêu thoát bị bồi lắng, thu hẹp, gây ngập lụt nghiêm trọng.

Lời nhắc từ Trái đất

Những năm trở lại đây, chúng ta được cảnh báo rất nhiều về biến đổi khí hậu, sự nóng lên của toàn cầu. Song trong hình dung của đại đa số, chúng chỉ đang tác động rõ rệt ở những nơi cách rất xa thành phố, như sự tan chảy của các dãy núi băng ở Bắc Cực và Nam Cực. Như thế có nghĩa là con người có thể yên vị trong lòng đô thị và đôi khi quên đi mất những mối đe dọa đã được dự báo trước, mãi cho đến khi chứng kiến “cơn thịnh nộ” của thiên nhiên.

Nếu như trước đó, khái niệm công trình xanh bền vững là điều gì đó xa vời, mà chỉ những người gắn bó với lĩnh vực kiến trúc, môi trường mới thực sự hiểu và quan tâm, thì sau những ngày cơn bão Yagi xô nghiêng thành phố, sau những hiện tượng thời tiết cực đoan, có lẽ tất cả chúng ta đều như bừng tỉnh. Rằng “xanh bền vững” không đơn thuần chỉ là một tiêu chuẩn mà giới chuyên môn đặt ra để chấm điểm hay đánh giá các dự án, mà đó là cách để con người “giải bài toán” biến đổi khí hậu, nhằm mang tới môi trường sống cân bằng cho tất cả chúng ta. Đó là một cuộc “vay trả”: Vay từ Trái đất rất nhiều và giờ đây chúng ta ý thức về việc cần chung sống với thiên nhiên thay vì tận thu, dung hòa thay vì phá vỡ kết cấu vốn có.

Theo đuổi tiêu chuẩn công trình xanh chưa bao giờ là hướng đi đơn giản và dễ dàng, đòi hỏi đặt rất nhiều tâm huyết vào việc nghiên cứu, cũng như sự đầu tư lớn về mặt vật chất. Vì thế, chỉ có số ít doanh nghiệp địa ốc lựa chọn và có thể kiên trì bền bỉ đến cùng.

Trong hơn 2 thập kỷ qua, Văn Phú – Invest là một trong những doanh nghiệp nổi bật thực sự chuyên tâm với sứ mệnh này. Nhóm chuyên gia đã nghiên cứu kỹ lưỡng về địa thế, khí hậu của từng khu vực phát triển dự án để kiến tạo những công trình chất lượng, hài hòa và kết nối với thiên nhiên.

Lời hồi đáp bằng những “sáng kiến xanh”

Sáng kiến cửa chống ngập là đóng góp nổi bật của Văn Phú – Invest trong việc chung tay ứng phó với diễn biến phức tạp của tự nhiên. Nghiên cứu này dựa trên thực tế Việt Nam nằm trong số 10 quốc gia châu Á bị ảnh hưởng nặng nề nhất do biến đổi khí hậu, trong đó hệ thống các đô thị đang là nơi chịu sức ép rõ rệt (theo Chỉ số rủi ro khí hậu toàn cầu của tổ chức phi Chính phủ German Watch).

Với hơn 300 đô thị duyên hải, 50% dân số tập trung tại các khu vực có địa hình thấp ven biển; kết hợp với vị trí địa lý, đặc điểm địa hình, điều kiện tự nhiên thường xuyên bị tác động bởi thiên tai (bão, lũ lụt, hạn hán,…), Việt Nam đã, đang và có nguy cơ phải đối mặt với những thiệt hại nghiêm trọng về phát triển kinh tế nói chung và phát triển đô thị nói riêng.

Xu hướng mới về ứng dụng yếu tố xanh bền vững trong xây dựng công trình
Dự báo tỷ lệ ngập tại các tỉnh, thành dựa trên kịch bản biến đổi khí hậu của Bộ Tài nguyên và Môi trường (Đơn vị: % diện tích).

Các chuyên gia từ Văn Phú – Invest nhận định rằng, với vấn đề tiêu thoát đô thị, không thể chỉ “đổ lỗi” cho thiên tai mà đã đến lúc tự thân khả năng hạ tầng phải điều chỉnh. Doanh nghiệp đã nghiên cứu và ứng dụng thành công hệ thống cửa chống ngập một cách đa dạng, linh hoạt vào từng dự án, bao gồm: Cửa chống ngập bằng tay (vận hành thủ công – tháo lắp bằng tay), cửa chống ngập khung cứng, cửa chống ngập tự động (cửa vận hành tự động bằng máy nâng hạ hoặc xi lanh thủy lực). Thiết kế này giúp ngăn nước tràn vào hầm chung cư và không gian ở, hạn chế tình trạng cản trở sinh hoạt, ô nhiễm và tổn thất về tài sản; đồng thời giảm chi phí điện cho hoạt động bơm hút nước.

Tùy vào nhu cầu của công trình, cửa sẽ được thiết kế chìm hẳn vào mặt đất, tạo thành một bề mặt phẳng hoàn toàn khi không vận hành hoặc thiết kế dạng tháo lắp. Với chiều cao cửa có thể đạt tới 2m, chiều dài 12m; cùng chất liệu như Inox, nhôm, kẽm không gỉ, tấm bạt phủ nhựa 2 lớp, hệ thống này có khả năng cản nước tạt ổn định.

Xu hướng mới về ứng dụng yếu tố xanh bền vững trong xây dựng công trình

Ứng dụng sử dụng cửa chống ngập điều khiển bằng máy nâng hạ tại công trình Grandeur – Giảng Võ. (Ảnh: Văn Phú – Invest)

Xu hướng mới về ứng dụng yếu tố xanh bền vững trong xây dựng công trình

Ứng dụng cửa chống ngập điều khiển cánh lật tại công trình Grandeur – Giảng Võ. (Ảnh: Văn Phú – Invest)

Xu hướng mới về ứng dụng yếu tố xanh bền vững trong xây dựng công trình

Ứng dụng cửa chống ngập điều khiển cánh lật tại công trình The Terra – An Hưng.

Một sáng kiến nổi bật khác là sân hè tự thấm tại dự án Vlasta – Sầm Sơn của Văn Phú – Invest. Thiết kế này giúp giải quyết được một phần thoát nước khi mưa lớn; giữ được độ ẩm của nền đất và không khí trong khu vực, tạo sự mát mẻ, thuận lợi cho cây cỏ phát triển.

Xu hướng mới về ứng dụng yếu tố xanh bền vững trong xây dựng công trình
Sân hè tự thấm triển khai thực tế tại dự án Vlasta – Sầm Sơn của Văn Phú – Invest.

Đặc biệt, quá trình nghiên cứu kỹ lưỡng về khí hậu của từng địa phương đã giúp Văn Phú – Invest hiểu rõ về hướng gió. Không dừng lại ở việc tối ưu kiến trúc để gia tăng tỷ lệ đón gió mà thương hiệu này đã có những sáng tạo về kết cấu công trình để hỗ trợ điều tiết tốc độ gió trong đô thị. “Việc phân bổ công trình không hợp lý có thể tạo ra những vùng không khí ngột ngạt, oi bức, dẫn đến nền nhiệt tăng cao. Ngược lại, khi tính toán không chính xác có thể sẽ tạo ra những vùng hút gió tăng nguy cơ rủi ro khi có bão. Do đó, chúng tôi đề cao tiêu chí đô thị an toàn trong gió bão”, đại diện Văn Phú – Invest chia sẻ.

Xu hướng mới về ứng dụng yếu tố xanh bền vững trong xây dựng công trình
Phân bổ công trình hợp lý để điều tiết tốc độ gió trong đô thị. (Ảnh: Tạ Đình Việt Anh)

Dự báo dân số đô thị sẽ tăng lên gấp đôi vào năm 2030 và khu vực phát triển đô thị mới cùng hệ thống hạ tầng sẽ phải chịu tải trọng lớn. Quá trình đô thị hóa, tăng diện tích xây dựng đô thị trong 3 thập kỷ qua, cùng sự biến mất của ao, hồ – hệ thống thoát nước tự nhiên của đô thị, sẽ làm tăng nguy cơ ngập lụt và tê liệt hệ thống tiêu thoát nước trong thành phố.

Mật độ xây dựng dày đặc có thể cản trở luồng đi của không khí và tạo ra những vùng hút gió, gây nguy hiểm vào mùa mưa bão. Vì thế có thể thấy rằng, Văn Phú – Invest đã có hướng tiếp cận mềm mỏng, linh hoạt giúp thích ứng, giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu; đồng thời đề ra giải pháp mang tính chiến lược, có giá trị bền vững với tương lai.

Vá lành những “vết thương” đô thị

Theo đánh giá của nhóm chuyên gia từ Văn Phú – Invest, ô nhiễm môi trường, ô nhiễm ánh sáng, ô nhiễm tiếng ồn là ba vấn nạn lớn của xã hội hiện đại, không chỉ phá vỡ hệ sinh thái, xáo trộn đời sống của động thực vật, mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe và tâm lý con người. Ở thời điểm hiện tại, những hệ lụy có thể chưa dễ để nhìn thấy, song sẽ biểu hiện rõ nét hơn trong cuộc sống của thế hệ tương lai 5-10 năm tới. Vì thế, Văn Phú – Invest đã có những động thái để nỗ lực duy trì một môi trường sống xanh bền vững.

Nhằm giảm ô nhiễm khói bụi, tiếng ồn và điều hòa nhiệt độ đô thị, chủ đầu tư giảm mật độ tuyến giao thông nội khu, tăng diện tích cây xanh, bể bơi, hồ nước để tạo nên “vành đai xanh” thanh lọc bầu không khí. Ý thức được tại đa số các đô thị Việt Nam hiện nay đang thiếu hụt cây xanh trầm trọng (chỉ từ 2-3m2 cây xanh/người). Trong khi đó, chỉ tiêu xanh tối thiểu của Liên hợp quốc là 10m2 cây xanh/người để đảm bảo chất lượng môi trường sống, sức khỏe con người và đóng góp vào sự phát triển bền vững. Văn Phú – Invest chú trọng tăng cường diện tích hạ tầng xanh, đảm bảo mật độ đạt 11m2 cây xanh cảnh quan/người.

Xu hướng mới về ứng dụng yếu tố xanh bền vững trong xây dựng công trình
Vành đai xanh để thanh lọc bầu không khí trong đô thị (dự án Grandeur Palace – Giảng Võ). (Ảnh: Văn Phú – Invest)

Để ứng phó với tình trạng ô nhiễm ánh sáng, Văn Phú – Invest tối ưu hình thái công trình và quy hoạch kiến trúc, đảm bảo tỷ lệ đón sáng, thông gió tự nhiên tối ưu trong mỗi căn hộ, hạn chế lạm dụng ánh sáng nhân tạo. Ngay cả khi ứng dụng hệ thống chiếu sáng nhân tạo, thương hiệu cũng nỗ lực mô phỏng gần đúng nhất với ánh sáng tự nhiên.

Nhờ đó, không chỉ tạo ra không gian sống tối ưu, tác động tích cực đến tâm lý và năng lượng của cư dân; mà còn tạo ra môi trường chung sống hài hòa với các động thực vật khác. Nguồn sáng trong khu đô thị không bị bão hòa, cường độ chiếu sáng không quá mạnh sẽ giúp động vật hoang dã và các loài chim dễ dàng di chuyển, kiếm mồi và di trú; các loài hoa nở vào ban đêm đạt được tỉ lệ thụ phấn tốt hơn nhờ ong bướm;…

Mặt khác, ô nhiễm ánh sáng còn làm giảm độ sắc nét giữa các ngôi sao, chuyển động của các thiên hà và đôi khi “cướp” đi của chúng ta quyền được rung cảm với những gì tự nhiên, dung dị. Vì thế, có những đứa trẻ lớn lên mà quên mất vẻ đẹp của ánh sao trời. Dưới điều kiện có quá nhiều nguồn chiếu sáng nhân tạo (đèn đường, phương tiện giao thông,…), Văn Phú – Invest ưu tiên sử dụng vật liệu không gây chói. Điều này không chỉ nhằm hạn chế ảnh hưởng đến sinh hoạt và đảm bảo sự an toàn của người dân khi di chuyển; mà còn để mỗi cư dân đểu dễ dàng thấy được vẻ đẹp của bầu trời khi về đêm. Thương hiệu tạm gọi đó là tiêu chí “bầu trời sao đêm” và áp dụng cho tất cả các dự án.

Cùng với đó là hàng loạt giải pháp thiết thực để duy trì môi trường sống cân bằng như: Sử dụng gạch bê tông không nung kết hợp với sơn giảm bức xạ nhiệt; sàn gỗ ion âm tốt cho sức khỏe; kính Low-E cản tia UV, cách nhiệt, cách âm; thiết bị giảm rung, giảm ồn; thiết bị chiếu sáng không gây chói; hệ thống thoát và tái sử dụng nước thải theo tiêu chuẩn quốc tế;…

“Hiểu rằng kiến trúc đóng góp quan trọng trong xây dựng và phát triển cộng đồng, mỗi dự án của chúng tôi đều hướng đến sự bền vững, kiến tạo không gian sống tích hợp để con người, thiên nhiên cùng nhịp sống thành thị giao thoa với nhau”, chủ đầu tư cho biết.

Một ý niệm khác về xanh – bền vững

Hơn 20 năm lắng nghe từng vùng đất, đào sâu văn hóa bản địa và hiểu thấu những tâm hồn, Văn Phú – Invest nhận thấy rằng trong nhịp sống hối hả của cuộc sống, có những “đứt gãy” thế hệ, “đứt gãy” cộng đồng đang hình thành trong lòng đô thị. Thành phố lặng lẽ chứng kiến thập kỷ cô đơn của loài người.

Ở cương vị nhà phát triển bất động sản vị nhân sinh, Văn Phú – Invest đặt ra giả định liệu kiến trúc có thể là “lời giải” cho hạnh phúc được hay không; có cách nào để thông qua không gian, chúng ta thu hẹp khoảng cách giữa các cá nhân và cộng đồng?

Trong góc nhìn của các chuyên gia, khái niệm xanh – bền vững không thể và không nên chỉ dừng lại ở hình thái kiến trúc, kết cấu công trình, mà còn phải giúp hình thành nên một cộng đồng bền vững. Từ lẽ đó, một ý niệm khác về “công trình bền vững” được nhen nhóm. Bền vững không chỉ nằm ở lớp vỏ vật chất, mà còn phải là trạng thái cân bằng, khỏe mạnh từ trong tâm hồn mỗi cá nhân. Kiến trúc có thể tạo ra “nền móng” cho tinh thần, thể chất phát triển và duy trì sợi dây kết nối giữa người với người.

Từ việc nghiên cứu tâm lý học về không gian; sự tác động của ánh sáng, màu sắc, vật liệu đến các giác quan, cảm xúc và hành vi của con người, một không gian mang tính tương tác của Văn Phú – Invest được tạo ra. Phố đi bộ Ocean Scape tại dự án Vlasta – Sầm Sơn hình thành với ý nghĩa như một “trạm trung chuyển cảm xúc”, xoa dịu những căng thẳng và thúc đẩy sự kết nối.

Xu hướng mới về ứng dụng yếu tố xanh bền vững trong xây dựng công trình
Xu hướng mới về ứng dụng yếu tố xanh bền vững trong xây dựng công trình
Màu sắc, đường nét, hình khối, vật liệu – vốn tưởng chỉ có tác dụng tạo lập kiến trúc, nay còn giúp định hình cảm xúc và tâm trí (Ảnh: Văn Phú – Invest)

“Nhuộm” không gian bằng sắc xanh không chỉ là cách Văn Phú – Invest tái hiện vẻ đẹp của đại dương và mây trời – nơi vùng đất mà dự án Vlasta – Sầm Sơn tọa lạc, mà còn là cách vận dụng màu sắc để xoa dịu áp lực tâm trí, gọi về sự bình yên trong tâm hồn cho những ai ghé chân. Đặc biệt, các chuyên gia mượn hình ảnh những con sóng để gợi nhắc về nghệ thuật sống “xuôi theo dòng” (go with the flow), hướng con người rèn luyện tâm thái thuận theo tự nhiên nhưng vẫn sẵn sàng đương đầu với thử thách, luôn mạnh mẽ, bình an trước mọi việc.

Đại diện Văn Phú – Invest cho rằng: “Kiến trúc không thể ép buộc mọi người kết nối với nhau, kiến trúc chỉ có thể “lên kế hoạch” cho các điểm giao nhau, loại bỏ rào cản và biến các địa điểm gặp gỡ giữa con người với con người trở nên tự nhiên và thú vị hơn”. Thông qua góc nhìn thú vị đó, khái niệm công trình xanh bền vững đã được mở rộng.

Với triết lý “Lấy con người làm trung tâm”, Văn Phú – Invest tiên phong ứng dụng những xu hướng mới và không ngại thử nghiệm những hình thức độc đáo để kiến tạo các công trình xanh bền vững. Đồng thời gây ấn tượng với những hình dung rất riêng về phạm trù này. Tuy nhiên, những tiêu chuẩn, con số, công thức định lượng,… để chứng minh mức độ hoàn thiện công trình xanh bền vững không phải là mục tiêu cao nhất mà Văn Phú – Invest hướng tới. Trên tất cả, nhà phát triển bất động sản mong muốn dùng góc nhìn vị nhân sinh để kiến giải những nhu cầu thực sự của con người về không gian sống, từ đó tôn tạo những giá trị bền vững qua thời gian.

Không chạy theo “công thức” xanh, không sa đà vào cuộc chạy đua các chứng chỉ bền vững, mỗi bước đi của Văn Phú – Invest là lời khẳng định cho nỗ lực mang tới những sản phẩm có giá trị thực sự và dài lâu cho cộng đồng, cũng như cho thế hệ tương lai. Một thương hiệu kín tiếng nhưng đang chuyển mình, thành công ghi dấu ấn riêng và có được chỗ đứng vững chắc trên thị trường.

Bài dự thi viết về Công trình xanh Việt Nam năm 2024 do Báo Xây dựng phát động. Ban tổ chức cuộc thi không trả nhuận bút các bài dự thi. Tác giả chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực và bản quyền bài viết.

Nguyễn Hoài Phương
Công ty Cổ phần Đầu tư Văn Phú – Invest

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích