Bắc Ninh: Tập trung khắc phục hậu quả bão số 3, ổn định sản xuất

(Xây dựng) – Trước những thiệt hại do bão số 3 gây ra, UBND tỉnh Bắc Ninh đã chỉ đạo các Sở, ban, ngành và địa phương khẩn trương triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả, ổn định sản xuất và đời sống người dân.

Bắc Ninh: Tập trung khắc phục hậu quả bão số 3, ổn định sản xuất
UBND tỉnh Bắc Ninh đã chỉ đạo các Sở, ban, ngành và địa phương khẩn trương triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả, ổn định sản xuất và đời sống người dân.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Ninh, cơn bão số 3 đã gây ra thiệt hại lớn cho các lồng nuôi cá trên sông và diện tích nuôi cá trong ao đất. Mưa lũ cũng làm ngập úng, gãy đổ nhiều diện tích cây trồng, tạo điều kiện cho một số đối tượng sinh vật gia tăng mức độ gây hại trên lúa mùa.

Đối với hệ thống đê điều, toàn tỉnh xảy ra 110 sự cố như thẩm lậu mái đê, sủi đùn, lỗ rò qua thân đê, nước rò qua cánh cống do kênh kẹt và tràn mặt đê. Mực nước lũ tuy đang rút nhưng vẫn duy trì ở mức cao, nguy cơ tiếp tục xảy ra sự cố về sạt lở đê điều, kè, bờ bãi sông…

Trước những thiệt hại nặng nề do bão số 3 gây ra, UBND tỉnh Bắc Ninh đã chỉ đạo các Sở, ban, ngành và địa phương tập trung triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả.

Đối với hệ thống đê điều, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục thực hiện nghiêm các Công điện của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh và Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh về việc triển khai công tác đảm bảo an toàn đê điều; duy trì kiểm tra, rà soát toàn bộ các tuyến đê, đặc biệt là các khu vực đã xảy ra sự cố và các vị trí có nguy cơ xảy ra sự cố; duy trì lực lượng, vật tư, phương tiện, máy móc, thiết bị để hộ đê, bảo vệ trọng điểm đê điều xung yếu, kịp thời xử lý các sự cố xảy ra; thực hiện nghiêm công tác tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều.

Đối với sản xuất nông nghiệp, phối hợp với các Công ty Khai thác công trình thủy lợi huy động tối đa lực lượng, phương tiện đẩy nhanh tiến độ tiêu thoát nước để hạn chế thấp nhất thiệt hại do ngập úng gây ra. Tăng cường kiểm tra đồng ruộng, hướng dẫn nông dân phòng trừ kịp thời, hiệu quả một số đối tượng sinh vật hại như: Bệnh đốm sọc vi khuẩn, bạc lá, sâu đục thân hai chấm, rầy nâu, rầy lưng trắng, bệnh đạo ôn cổ bông, đen lép hạt.

Tiếp tục triển khai thực hiện tốt các giải pháp kỹ thuật theo Văn bản số 1589/SNN-KTTH, ngày 09/9/2024 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc khẩn trương khắc phục ảnh hưởng cơn bão số 3. Tăng cường công tác thanh, kiểm tra thị trường vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.

Đối với nuôi trồng thủy sản, UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương rà soát, tổng hợp, thống kê chính xác các lồng nuôi cá trên sông, diện tích nuôi cá trong ao đất bị thiệt hại. Kịp thời báo cáo, đánh giá mức độ thiệt hại và đưa ra các biện pháp chỉ đạo, hỗ trợ khắc phục hậu quả cho các tổ chức và nhân dân.

Các cơ quan chuyên môn tăng cường nắm bắt tình hình sản xuất thủy sản, hướng dẫn các hộ thực hiện vệ sinh lồng, ao nuôi; chăm sóc, phòng bệnh cho cá; lựa chọn con giống chất lượng để thả bổ sung. Hướng dẫn các hộ nuôi cá lồng trên sông kiểm tra, gia cố hệ thống lồng nuôi và đảm bảo an toàn khi thực hiện chăm sóc, bảo vệ lồng nuôi.

Đối với các hộ nuôi cá trong ao đất, tiến hành gia cố, sửa chữa bờ, cống, lưới chắn bị hư hại; sử dụng vôi và chế phẩm sinh học để xử lý môi trường nước; kiểm tra, định lượng cá còn lại trong ao để thu hoạch hoặc thả bổ sung cá giống mới.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích