Hà Nội: Đảm bảo nguồn cung hàng hóa phục vụ người tiêu dùng

Cơn bão số 3 (Yagi) và hoàn lưu cơn bão đi qua đã để lại hậu quả nặng nề tại nhiều tỉnh, thành phố phía Bắc. Để giúp người dân từng bước ổn định cuộc sống, hiện các tỉnh, thành phố đang nỗ lực cùng với người dân chung tay khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra. Trong đó, việc tái thiết cơ sở hạ tầng, ổn định nguồn cung – cầu hàng hóa là vấn đề được quan tâm.

Hà Nội: Đảm bảo nguồn cung hàng hóa phục vụ người tiêu dùng
Tuần hàng trái cây, nông sản các tỉnh, thành phố năm 2024 được tổ chức từ ngày 19 – 23/9 tại phía trước Công viên Văn hóa – vui chơi giải trí, thể thao Hà Đông.

Trong những nỗ lực ấy, để góp phần kết nối nguồn hàng đa dạng từ các tỉnh, thành phố; các đơn vị, vùng sản xuất nhằm phục vụ nhu cầu nhân dân sau cơn bão số 3, hoàn lưu cơn bão số 3; đồng thời, giới thiệu, quảng bá và kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP, trái cây, nông sản mùa vụ… đến với người tiêu dùng Thủ đô, từ ngày 19 – 23/9 tại phía trước khu Công viên Văn hóa – vui chơi giải trí, thể thao quận Hà Đông (phường Hà Cầu, phường Hà Trì, quận Hà Đông), Sở Công Thương Hà Nội đã tổ chức Tuần hàng trái cây, nông sản các tỉnh, thành phố tại Hà Nội năm 2024.

Tuần hàng có quy mô hơn 70 gian hàng tiêu chuẩn, của gần 50 doanh nghiệp, đơn vị Hà Nội và 14 tỉnh, thành phố tham dự gồm: Sơn La, Bắc Giang, Hải Dương, Nghệ An, Lào Cai, Quảng Ninh, Đắk Nông, Cần Thơ… cùng các sản phẩm trái cây, nông sản mùa vụ, sản phẩm OCOP, đặc sản vùng miền đã mang lại kênh mua sắm, sự lựa chọn phong phú cho người tiêu dùng.

Hà Nội: Đảm bảo nguồn cung hàng hóa phục vụ người tiêu dùng
Các mặt hàng nông sản, trái cây luôn thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng.

Lần thứ 2 tham gia Tuần hàng với rất nhiều các sản phẩm nông sản, đặc sản từ Nghệ An, chị Nguyễn Thị Hải Yến, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Tổng hợp Đồng Tâm (thôn 9 – xã Quỳnh Vinh – thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An), chia sẻ, đợt này do thời tiết mưa gió, nên việc vận chuyển hàng hóa có hơi vất vả một chút. Tuy nhiên, được sự hỗ trợ của Sở Công Thương Nghệ An, Sở Công Thương Hà Nội, nên việc kết nối nguồn cung được đảm bảo thông suốt.

“Hiện nay, các sản phẩm của Hợp tác xã được người tiêu dùng đón nhận nhiều hơn, bởi đều là các sản phẩm sạch, sản phẩm OCOP. Đặc biệt, xu hướng tiêu dùng hiện nay là sạch, do đó, người tiêu dùng Thủ đô chấp nhận trả mức giá cao hơn sản phẩm thông thường để mua các sản phẩm hữu cơ, sản phẩm sạch, đồng thời đều có những kết nối lại để mua sản phẩm”, chị Hải Yến chia sẻ.

Hà Nội: Đảm bảo nguồn cung hàng hóa phục vụ người tiêu dùng
Người tiêu dùng lựa chọn mua sản phẩm của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Tổng hợp Đồng Tâm (Nghệ An) tại Tuần hàng.

Là đơn vị thường xuyên tham gia các Tuần hàng trái cây, nông sản, đặc sản vùng miền do Sở Công Thương Hà Nội tổ chức, ông Văn Đình Hậu, đại diện Cơ sở sản xuất Nước mắm gia truyền Thành Hiệp – Ba Làng cho biết, do không bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3, vì thế, nguồn cung hàng hóa của đơn vị rất dồi dào. Bởi thế, khi Tuần hàng được tổ chức, đơn vị đã có sẵn lượng hàng hóa lớn để cung cấp cho người tiêu dùng Thủ đô và các tỉnh, thành lân cận. Đặc biệt, sau khi Tuần hàng kết thúc, nếu khách hàng có nhu cầu liên hệ, chúng tôi có thể vận chuyển đến tận nhà”, ông Hậu cho hay.

Tiếp nối hoạt động cung cấp đa dạng nguồn cung hàng hóa phục vụ người dân tại Hà Nội và các tỉnh, thành phố; từ ngày 20 – 24/9, tại Trung tâm thương mại Big C Thăng Long, số 222 Trần Duy Hưng, quận Cầu Giấy, Sở Công Thương Hà Nội đã tổ chức Tuần hàng quảng bá, giới thiệu và bán nông sản thực phẩm tại các kênh phân phối năm 2024.

Hà Nội: Đảm bảo nguồn cung hàng hóa phục vụ người tiêu dùng
Tuần hàng nông sản, trái cây được tổ chức góp phần đảm bảo nguồn cung hàng hóa đa dạng phục vụ nhu cầu người tiêu dùng Thủ đô.

Tuần hàng cũng có quy mô lớn với hơn 70 gian hàng tiêu chuẩn. Trong đó, các sản phẩm tham gia Tuần hàng là các sản phẩm trái cây, nông sản mùa vụ, sản phẩm OCOP, đặc sản vùng miền đang có nhu cầu kết nối vào hệ thống phân phối để trưng bày, giới thiệu và kết nối.

Tham gia mua sắm tại Tuần hàng, chị Đặng Thị Thanh (Trung Hòa, Cầu Giấy) cho biết, cơn bão số 3 và hoàn lưu bão đã gây ra lũ lụt, ngập úng tại nhiều tỉnh, thành phố phía Bắc, điều đó khiến người dân lo lắng về nguồn cung hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng nông sản, thực phẩm bị gián đoạn, dẫn đến thời điểm nhiều người đổ xô đi mua đồ tích trữ. Tuy nhiên, với sự điều phối và chuẩn bị sẵn nguồn cung của các cơ quan chức năng, không chỉ Hà Nội, mà các tỉnh, thành phố khác, nguồn cung hàng hóa cũng luôn được đảm bảo ổn định.

“Việc Tuần hàng nông sản thực phẩm được tổ chức tại Big C Thăng Long cho thấy, nguồn cung hàng hóa tại các địa phương về Hà Nội rất dồi dào, giá cả hợp lý, nguồn gốc rõ ràng, đặc biệt là các mặt hàng rau xanh. Điều này cho thấy sự đang dạng trong việc kết nối giao thương, đảm bảo nguồn cung hàng hóa mọi lúc, mọi thời điểm của các cơ quan, ban, ngành của Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung để phục vụ nhu cầu người dân”, chị Thanh cho hay.

Hà Nội: Đảm bảo nguồn cung hàng hóa phục vụ người tiêu dùng
Bên cạnh việc phục vụ nhu cầu người dân, thông qua các Tuần hàng, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã đã có thêm những kênh kết nối hiệu quả đưa sản phẩm vào hệ thống phân phối hiện đại trên địa bàn Thủ đô.

Trước đó, để đảm bảo nguồn cung hàng hóa phục vụ nhu cầu người dân, Bộ Công Thương đã yêu cầu Sở Công Thương các tỉnh, thành phố phía Bắc chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão, lũ, ngập theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, bảo đảm cung ứng đủ các mặt hàng thiết yếu; vận động, giám sát, yêu cầu các đơn vị kinh doanh các mặt hàng thiết yếu, các mặt hàng vật liệu xây dựng, vật tư sửa chữa, mặt hàng sách giáo khoa, thuốc chữa bệnh, máy phát điện, dụng cụ tích điện, tích nước… cam kết bình ổn giá cả hàng hóa.

Ở góc độ địa phương, với sự vào cuộc của ngành Công Thương Hà Nội, việc tổ chức các Tuần hàng, Hội chợ nông sản nhằm hỗ trợ sản phẩm các tỉnh, thành phố quảng bá, giới thiệu và kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP, trái cây, nông sản mùa vụ thu hoạch với sản lượng lớn, đã góp phần thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Đồng thời, cũng là cách để khẳng định nguồn hàng hóa dồi dào, sẵn sàng đưa về thị trường Hà Nội phục vụ người tiêu dùng Thủ đô trong mọi trường hợp.

Đỗ Đạt

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích