Nền kinh tế Trung Âu thiệt hại nặng nề do lũ lụt

Nền kinh tế Trung Âu thiệt hại nặng nề do lũ lụt

Trung Âu đang trải qua đợt lũ lụt nghiêm trọng nhất trong nhiều thập kỷ, dự kiến sẽ gây thiệt hại kinh tế lên đến hàng tỷ Euro…

Trận lũ lụt tại Trung Âu đã gây ra những thiệt hại kinh tế nghiêm trọng, với ước tính ban đầu rơi vào khoảng 1 tỷ Euro. Tuy nhiên, mức độ thiệt hại thực tế vẫn chưa được tổng hợp do mưa lớn tiếp tục tàn phá khu vực, khiến số người thiệt mạng tăng cao và gây hư hại trên diện rộng.

Theo công ty tư vấn môi trường JBA Risk Management, lũ lụt là hiểm họa thiên nhiên gây ra tổn thất lớn nhất ở châu Âu. Cả tần suất và cường độ bão lũ, cũng như quy mô thiệt hại do chúng gây ra, dự kiến sẽ còn tăng hơn nữa khi kinh tế tiếp tục phát triển tại các khu vực có nguy cơ lũ lụt cao và tình hình khí hậu trở nên khắc nghiệt hơn.

Đợt lũ vừa qua đã nhấn chìm nhiều khu vực ở Áo, Cộng hòa Séc, Ba Lan, Romania và dự kiến còn ảnh hưởng đến cả Slovakia và Hungary. Chính phủ Ba Lan, Romania và Áo đã giải phóng hàng trăm triệu Euro quỹ khẩn cấp, trong khi Séc đang nhanh chóng xem xét điều chỉnh ngân sách năm 2024.

Thiệt hại tổng thể đối với cơ sở hạ tầng, đất đai và tài sản, cũng như chi phí cứu trợ, cứu hộ tăng cao, có thể làm suy giảm sản lượng và hoạt động kinh tế, nhà phân tích thị trường tại Conotoxia Invest, ông Grzegorz Dróżdż chỉ ra.

“Những yếu tố này thường dẫn đến tác động tiêu cực đối với ngân sách và thương mại, thể hiện qua việc tăng thâm hụt và cán cân thương mại xấu đi do xuất khẩu giảm và nhập khẩu tăng,” ông Dróżdż nói thêm.

Nhà khoa học Bogdan Antonescu tại ClimaMeter, một dự án được Liên minh châu Âu (EU) và Trung tâm Nghiên cứu Quốc gia Pháp tài trợ, cho biết bão Boris là một lời nhắc nhở rõ ràng rằng ranh giới của những gì chúng ta coi là “thời tiết cực đoan” đang thay đổi nhanh chóng do biến đổi khí hậu.

Lũ lụt khiến Áo, CH Czech (Séc) và Romania (Ru-ma-ni) phải kích hoạt các biện pháp khẩn cấp, sau khi hàng nghìn người phải sơ tán. Theo Cơ quan Quản lý Nước của Romania, cường độ của trận mưa cuối tuần xảy ra một lần trong 100 -120 năm, khiến nó trở thành một sự kiện cực kỳ bất thường.

Các nhà chức trách CH Czech đang theo dõi nguy cơ đối với thành phố Ostrava phía Bắc, cũng như các phần phía Nam của đất nước, trong khi cảnh báo lũ đỏ đang được áp dụng cho Hungary và Slovakia (Xlô-va-ki-a). Tại Ba Lan, thành phố lớn thứ ba của đất nước Wroclaw có thể bị đe dọa vào cuối tuần này khi mực nước tại những con sông dâng lên.

tm-img-alt
Đường sá bị phá hủy tại Jesenik (CH Séc) do lũ lụt. Ảnh: Reuters

Mặc dù nước lũ đang rút dần ở hầu hết phần lãnh thổ CH Czech trong ngày 17/9, song nhiều con đường và đường sắt ở phía Đông nước này vẫn phải đóng cửa để kiểm tra an toàn và sửa chữa. Một số cây cầu bị hư hại sẽ phải phá dỡ. Hiệp hội các công ty bảo hiểm CH Czech ước tính thiệt hại bảo hiểm trên toàn quốc vào khoảng 17 tỷ koruna (753 triệu USD).

Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk cho biết ông sẽ phác thảo một kế hoạch tái thiết khi nước lũ rút, sử dụng cả nguồn vốn nhà nước và một phần trong số 1,5 tỷ euro (1,7 tỷ USD) được EU cung cấp cho các quốc gia bị ảnh hưởng.

Lũ lụt đã dẫn đến sự gián đoạn các dịch vụ vận tải, trong khi nguồn cung cấp điện cho nhiều thị trấn và làng mạc đã bị cắt tạm thời. Ít nhất 19 người đã thiệt mạng trên khắp khu vực.

Thủ tướng Tusk cho biết lũ lụt ở nước láng giềng Czech có thể tràn sang miền Nam Ba Lan, đe dọa thành phố Wroclaw, một thành phố có hơn 600.000 dân đã bị lũ lụt tàn phá nặng nề vào năm 1997. 44.000 cư dân ở thành phố Nysa, phía Tây Nam Ba Lan cũng đã được yêu cầu sơ tán giữa lo ngại rằng một đập hồ có thể bị vỡ. Lực lượng quân đội đã tham gia củng cố hệ thống phòng chống lũ lụt ở cả Wroclaw và Nysa.

Áo đã thông báo có 5 người thiệt mạng, trong khi các nhà chức trách tiếp tục sơ tán tại chín thị trấn trên khắp Lower Austria, nơi ghi nhận 21 trường hợp đập vỡ hôm 16/9. Giao thông đường sắt trên hành lang chính của Áo giữa Vienna và Salzburg vẫn đóng cửa trên các đoạn lớn. Ở thủ đô, bốn trong số năm tuyến tàu điện ngầm mới đang hoạt động một phần.

Trong thông báo mới ngày 18/9, Thủ tướng Karl Nehammer cho biết những ngày qua, nhiều khu vực ở Áo và các nước láng giềng đã hứng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của bão Boris với những hậu quả “không thể tưởng tượng”. Chính phủ Áo quyết định tăng quỹ thiên tai gấp 3 lần lên 1 tỷ euro (1,11 tỷ USD). Quỹ này cung cấp tài chính cho các biện pháp phòng ngừa và khắc phục thiệt hại do thiên tai gây ra. Miền Nam nước Áo là vùng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, đã nhận được những khoản viện trợ đầu tiên trong ngày 17/9 khi chính phủ giải ngân cho vùng này 45 triệu euro từ quỹ thiên tai.

Ngoài việc tăng quỹ thiên tai liên bang, Chính phủ Áo cũng thực hiện các biện pháp khác như cung cấp các khoản vay không tính lãi lên tới 100 triệu euro cho các công ty bị ảnh hưởng và hỗ trợ các công ty tạo điều kiện cho người lao động làm việc trong thời gian ngắn. Chính phủ Áo dự tính trong những năm tới sẽ dành khoảng 1 tỷ euro đầu tư vào việc mở rộng các biện pháp bảo hiểm lũ lụt để giảm thiểu thiệt hại trong tương lai.

Tại Hungary, bờ sông Danube ở Budapest đã bị đóng cửa cho giao thông và hòn đảo Margitsziget, nơi cư dân đi chạy hoặc bơi cũng gặp tình trạng tương tự. Các tình nguyện viên đã tham gia cùng quân đội để làm việc suốt đêm để đóng bao cát dọc theo sông, khi các cơ quan quản lý dự kiến mực nước cao nhất trong hơn 10 năm.

Dịch vụ đường sắt qua biên giới giữa Ba Lan và Cộng hòa Séc, cũng như Hungary và Áo, đã bị đình trệ. Các nhà phân tích tại Erste Group cảnh báo rằng vẫn còn quá sớm để thấy rõ được toàn bộ hậu quả.

Chia sẻ với Euro News, bà Katarzyna Rzentarzewska, nhà phân tích kinh tế vĩ mô trưởng khu vực CEE của Erste Group cho biết thiệt hại kinh tế liên quan đến tài sản và sản xuất ở Cộng hòa Séc có thể chiếm từ 0,2-0,5% GDP, với tác động tổng thể đối với tăng trưởng GDP là nhỏ hơn, dự kiến ở mức thấp của phạm vi này.

Bà Rzentarzewska dự báo, trong ngắn hạn (đến cuối năm nay), hầu hết các ngành công nghiệp ở tất cả các quốc gia bị ảnh hưởng sẽ đều chịu “cú sốc” tiêu cực và du lịch trong khu vực cũng gặp tổn thất lớn. “Cuối cùng, thiệt hại về mùa màng sẽ trực tiếp gây áp lực lên lạm phát”, bà Rzentarzewska nói thêm.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cũng đồng tình rằng nếu nhìn một cách lạc quan về dài hạn, hoạt động phục hồi sẽ tạo động lực cho lĩnh vực xây dựng và đóng góp vào GDP, đồng thời khuyến khích các chính phủ tập trung đầu tư vào công nghệ hiện đại, nâng cấp cơ sở hạ tầng bền vững và phát triển hơn.

EU công bố gói hỗ trợ 10 tỷ euro cho các nước bị lũ lụt

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen vừa công bố gói hỗ trợ 10 tỷ euro từ của Quỹ Liên kết của Liên minh châu Âu (EU) cho các quốc gia Trung Âu bị ảnh hưởng bởi lũ lụt nghiêm trọng.

Thông báo được đưa ra ngày 19/9 trong chuyến thăm của bà von der Leyen tới Wroclaw, Ba Lan. Bà von der Leyen cho biết đây là khoản hỗ trợ khẩn cấp nhằm giúp các nước bị ảnh hưởng. Bà cũng khen ngợi tinh thần đoàn kết của người dân trong các quốc gia này. Ngoài ra, EU có thể sử dụng Quỹ Đoàn kết để hỗ trợ tái thiết và khắc phục hậu quả.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích