Rà soát bất cập của hợp đồng xây dựng để tháo gỡ vướng mắc trong thực tiễn

(Xây dựng) – Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, cùng nền kinh tế thị trường phát triển mạnh mẽ, việc hoàn thiện hệ thống pháp luật đối với chế định hợp đồng xây dựng là yêu cầu cấp thiết đặt ra. Công việc này sẽ đảm bảo phù hợp với nhu cầu quản lý nhà nước, xử lý những bất cập trong quá trình xác lập, thực hiện và quản lý hợp đồng tại các dự án đầu tư xây dựng.

Rà soát bất cập của hợp đồng xây dựng để tháo gỡ vướng mắc trong thực tiễn
Nhiều dự án triển khai tại các địa phương đang tồn tại bất cập về hợp đồng xây dựng.

Hiện nay, các vấn đề liên quan đến hợp đồng xây dựng như: Nguyên tắc, phân loại, nội dung quyền và nghĩa vụ giữa các chủ thể, thanh toán, thưởng phạt,… đã được quy định rõ tại nhiều văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành. Có thể nhắc đến đó là Luật Xây dựng 2014 được sửa đổi năm 2020, Luật Đấu thầu 2023, một số văn bản dưới luật (Nghị định số 24/2024/NĐ-CP, Thông tư số 02/2023/TT-BX,…).

Với cơ sở pháp lý trên, có thể thấy rằng, công tác quản lý, thực hiện hợp đồng xây dựng tại các dự án thuộc lĩnh vực địa bàn quản lý trong giai đoạn vừa qua cơ bản đã phù hợp và thuận lợi trong quá triển khai.

Đối với các cơ quan, đơn vị có dự án sử dụng vốn ODA đã áp dụng mẫu hợp đồng xây dựng theo thông lệ quốc tế tiến hành rà soát, đánh giá những bất cập, tồn tại của hệ thống pháp luật về hợp đồng xây dựng và các quy định có liên quan trên cơ sở đối chiếu, so sánh với thông lệ quốc tế và quy định của nhà tài trợ, cũng như những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện hợp đồng và đề xuất phương án xử lý.

Theo ông Đinh Đức Hữu, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Ninh Bình, tại các dự án thuộc lĩnh vực địa bàn quản lý giai đoạn vừa qua còn gặp nhiều vướng mắc về điều chỉnh tiến độ hợp đồng, cụ thể: Cần làm rõ nội dung “Khi điều chỉnh tiến độ hợp đồng không làm kéo dài tiến độ thực hiện hợp đồng (bao gồm cả thời gian được kéo dài tiến độ thực hiện hợp đồng theo quy định của hợp đồng xây dựng)” trong khoản 3 Điều 39 của Nghị định hợp nhất về hợp đồng và nội dung thời gian bao gồm cả thời gian được kéo dài tiến độ thực hiện hợp đồng theo quy định của hợp đồng xây dựng.

Sở Xây dựng Ninh Bình khi tiến hành rà soát đã đề nghị Bộ Xây dựng quy định rõ trường hợp điều chỉnh hợp đồng mà không làm kéo dài thời gian thực hiện dự án thì chủ đầu tư và nhà thầu chủ động điều chỉnh. Trường hợp vượt thời gian thực hiện dự án phải báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh dự án và điều chỉnh thời gian thực hiện hợp đồng. Với hướng này, các đơn vị sẽ chủ động trong quản lý hợp đồng và quản lý dự án.

Ngoài ra, ngay trong Luật Đấu thầu 2023 đang tồn tại hai khái niệm “thời gian thực hiện gói thầu” và “thời gian thực hiện hợp đồng” cũng dễ gây khó khi triển khai. Hầu hết, trong quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu đều thể hiện thời gian thực hiện gói thầu và thời gian thực hiện hợp đồng là cơ sở để ký kết hợp đồng xây dựng. Tuy nhiên, theo Nghị định số 37/2015/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 50/2021/NĐ-CP chỉ đề cập đến “thời gian thực hiện hợp đồng” mà chưa đề cập đến “thời gian thực hiện gói thầu”.

Bên cạnh đó, tại Điều 36 của Nghị định trên có quy định: “Việc điều chỉnh hợp đồng xây dựng chỉ được áp dụng trong thời gian thực hiện hợp đồng bao gồm cả thời gian được gia hạn thực hiện hợp đồng theo quy định của pháp luật” điều này đang mâu thuẫn với quy định tại khoản 2 Điều 70 của Luật Đấu thầu 2023 “Nội dung sửa đổi hợp đồng có thể bao gồm: Khối lượng, tiến độ, giá, áp dụng tùy chọn mua thêm và các nội dung khác do các bên thỏa thuận trong hợp đồng đã ký kết, trừ trường hợp quy định tại khoản 5 Điều này. Đối với việc sửa đổi về tiến độ, khối lượng, giá chỉ áp dụng trong thời gian thực hiện gói thầu ghi trong hợp đồng, trừ trường hợp áp dụng tùy chọn mua thêm”.

Với phân tích trên, chúng ta có thể thấy được chưa có sự thống nhất giữa Luật Đấu thầu 2023 và các pháp luật về hợp đồng xây dựng, hay về thời gian thực hiện gói thầu, thời gian thực hiện hợp đồng trong điều chỉnh, sửa đổi hợp đồng xây dựng. Do vậy, cần phải thống nhất để tạo sự đồng bộ đối với pháp luật xây dựng, đấu thầu.

Cũng phải nói thêm về các quy định “sửa đổi hợp đồng” theo pháp luật về đấu thầu cũng quy định rất chung chung chưa cụ thể và nhất quán với “điều chỉnh hợp đồng” trong Nghị định về Hợp đồng xây dựng (điều chỉnh khối lượng, điều chỉnh đơn giá, điều chỉnh tiến độ thực hiện, điều chỉnh giá hợp đồng đối với từng loại hợp đồng).

Đối với các dự án áp dụng hợp đồng thiết kế và thi công xây dựng công trình (hợp đồng EC) có ưu điểm rút ngắn được thời gian trong công tác lựa chọn nhà thầu do đã gộp chi phí thiết kế và chi phí xây lắp để thực hiện đấu thầu. Tuy nhiên, sau khi thiết kế bản vẽ thi công được phê duyệt thì việc áp dụng đơn giá theo giá trúng thầu hay đơn giá dự toán thiết kế bản vẽ thi công được duyệt lại chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể, gây khó khăn cho chủ đầu tư và đơn vị thi công khi điều chỉnh hợp đồng. Do vậy, có nhiều kiến nghị bổ sung thêm pháp lý cho nội dung trên làm cơ sở cho các đơn vị thực hiện quản lý hợp đồng phù hợp quy định pháp luật.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích