Hình hài đô thị TP. Quảng Ngãi sau khi được điều chỉnh quy hoạch
Theo đó, TP. Quảng Ngãi sẽ vừa là thành phố tỉnh lỵ, trung tâm chính trị – kinh tế, văn hóa – xã hội và khoa học kỹ thuật của tỉnh Quảng Ngãi, vừa là đô thị ven sông, hướng biển – một trong những đô thị có tiềm năng phát triển thuộc dải đô thị ven biển miền Trung.
Đô thị trung tâm hướng biển
Đây cũng sẽ là một trong những trung tâm kinh tế khu vực miền Trung về thương mại, dịch vụ, du lịch, công nghiệp chế biến, gia công và đặc biệt là hậu phương quan trọng trong quá trình phát triển Khu kinh tế Dung Quất và là đầu mối giao thông quan trọng của khu vực miền Trung – Tây Nguyên.
Không gian, kiến trúc cảnh quan của TP. Quảng Ngãi sẽ được quy hoạch theo nguyên tắc tôn trọng, bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên, cảnh quan đặc trưng tự nhiên đồi núi, sông nước, dải ven biển… Chú trọng phát triển các khu đô thị mới đồng bộ, hiện đại kết hợp với cải tạo, chỉnh trang các khu dân cư hiện hữu, khớp nối đồng bộ với hệ thống hạ tầng hiện có và các dự án đã và đang triển khai trong khu vực. Hình thành các trục đô thị, trục cảnh quan và các không gian điểm nhấn trọng tâm, đảm bảo sự liên kết hài hòa với không gian xung quanh. Gắn kết không gian đô thị với những cảnh quan đặc trưng như văn hóa lịch sử, mặt nước, ven biển của thành phố để tạo thành một thể thống nhất từ hình thái tới màu sắc kiến trúc.
Để đáp ứng được tính chất là thành phố tỉnh lỵ, đô thị trung tâm và hậu phương cho khu kinh tế động lực của toàn tỉnh, hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông sẽ là một yếu tố quan trọng. Đến năm 2040, ngoài hệ thống các trục giao thông quốc gia (cao tốc Bắc – Nam; Quốc lộ 1; Quốc lộ 24B) thì TP. Quảng Ngãi sẽ có 4 hệ thống đường vành đai.
Đường vành đai 1 – vành đai đô thị trung tâm (trùng với trục dọc 9 đoạn qua thành phố) sẽ kết nối từ Khu kinh tế Dung Quất, qua các xã Tịnh Phong, Tịnh Ấn Đông, Tịnh An, kết nối cầu Đập dâng hạ lưu sông Trà Khúc, qua các xã Nghĩa Dũng, Nghĩa Dõng và kết thúc tại nút giao thông với tuyến đường vành đai 2 tại xã Nghĩa Thương (huyện Tư Nghĩa). Đường vành đai 2 sẽ kết nối Khu kinh tế Dung Quất qua các xã Tịnh Thiện, Tịnh Long, qua cầu Trà Khúc mới đi qua xã Nghĩa Hà và kết thúc tại nút giao với Quốc lộ 1 ở nút giao đường dẫn cao tốc (xã Nghĩa Thương, huyện Tư Nghĩa).
Đường vành đai 3 – vành đai ven biển (trùng trục dọc D1 – tuyến ven biển Dung Quất – Sa Huỳnh) bắt đầu từ Khu kinh tế Dung Quất đến Quốc lộ 24B, qua đường Hoàng Sa, cầu Cổ Lũy, đi về phía Nam kết nối các khu vực ven biển. Đường vành đai 4 – vành đai phía Tây sẽ chạy song song với tuyến đường sắt cao tốc, kết nối khu vực phía Tây thành phố đến đường Tịnh Phong – cảng Dung Quất 2.
UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng xác định các dự án mang tính chiến lược, ưu tiên đầu tư làm cơ sở động lực phát triển đô thị trong tương lai như các dự án hạ tầng khung đường Hoàng Sa – Dốc Sỏi, đường ven biển Dung Quất – Sa Huỳnh, hoàn thiện trục đường chính Trường Chinh – Lê Duẩn, Lê Thánh Tôn… Cùng với đó là từng bước nâng cấp chỉnh trang khu vực lõi đô thị tại trung tâm thành phố, dọc theo các trục đường chính (Phạm Văn Đồng, Nguyễn Trãi, Lê Lợi, Lê Thánh Tôn, Hùng Vương, Hai Bà Trưng, Chu Văn An, Tôn Đức Thắng), tập trung đầu tư khai thác hiệu quả quỹ đất dọc 2 bờ sông Trà Khúc, khu vực ven biển Tịnh Khê – Tịnh Kỳ.
Ngoài ra, các dự án nhà ở xã hội của người thu nhập thấp, tái định cư; các dự án trung tâm thương mại, siêu thị, các khu vui chơi giải trí ở quy mô vừa và nhỏ cũng được quan tâm, ưu tiên đầu tư.
Đô thị với 3 lớp không gian chủ đạo
TP. Quảng Ngãi sẽ được phân thành 3 lớp không gian chủ đạo, gồm: đô thị mật độ cao, đô thị xanh, đô thị ven biển.
Lớp đô thị mật độ cao sẽ bao gồm 4 khu đô thị, đó là: Khu đô thị mới phía Bắc (là khu vực trung tâm hành chính tập trung của thành phố, trung tâm y tế chất lượng cao, trung tâm logistics, kho bãi, trung tâm thương mại dịch vụ, công cộng, công viên hồ điều hòa, các khu ở hiện trạng và xây dựng mới); Khu đô thị trung tâm hiện hữu (là khu đô thị tập trung tổng hợp đa chức năng với hệ thống các trung tâm hành chính, tài chính – thương mại – văn phòng, y tế, giáo dục của tỉnh và thành phố); Khu đô thị phía Tây phường Quảng Phú (là trung tâm dịch vụ hậu cần logistics, khu đô thị hiện hữu chỉnh trang và xây dựng mới); Khu đô thị phía Đông phường Nghĩa Chánh (là trung tâm đầu mối nông sản thành phố, khu đô thị hiện hữu chỉnh trang và xây dựng mới).
Lớp đô thị xanh bao gồm: Khu đô thị xanh phía Bắc, Khu đô thị xanh phía Nam và các đảo trên sông. Trong đó, Khu đô thị xanh phía Bắc sẽ là trung tâm du lịch văn hóa, tâm linh, các khu đô thị tập trung ven bờ Bắc sông Trà và các khu ở nông thôn kết hợp sản xuất nông nghiệp. Khu đô thị xanh phía Nam sẽ là trung tâm thể dục thể thao của tỉnh, các điểm đô thị tập trung ven sông Trà, ở nông thôn kết hợp sản xuất nông nghiệp. Các đảo trên sông sẽ là khu đô thị sinh thái đa chức năng với mật độ xây dựng thấp (đảo Hòn Ngọc) gắn với đập dâng sông Trà Khúc, tạo điểm nhấn cảnh quan của TP. Quảng Ngãi; điểm tham quan trải nghiệm các hoạt động nông nghiệp (đảo phía Đông); khu vực du lịch sinh thái mật độ thấp (đảo xóm Lân).
Lớp đô thị ven biển gồm: Khu đô thị ven biển phía Bắc, Khu vực công viên trung tâm thành phố, đô thị thương mại dịch vụ phía Bắc và Khu đô thị ven biển phía Nam. Trong đó, Khu đô thị ven biển phía Bắc sẽ là trung tâm văn hóa, nghỉ dưỡng biển, trung tâm hậu cần nghề cá, khu ở hiện hữu chỉnh trang và xây dựng mới. Khu vực công viên trung tâm thành phố sẽ được quy hoạch sang đất hỗn hợp, theo hướng mở rộng công viên hướng biển với quy mô phù hợp, kết hợp phát triển đô thị, dịch vụ du lịch sinh thái, du lịch biển… tạo điểm nhấn cho đô thị TP. Quảng Ngãi. Đô thị thương mại dịch vụ phía Bắc sẽ là khu tránh trú bão, neo đậu tàu thuyền, hậu cần nghề cá, khu dự trữ phát triển và các khu ở xây dựng mới. Khu đô thị ven biển phía Nam sẽ là khu neo đậu tàu cá Cổ Lũy, khu du lịch, nghĩ dưỡng sinh thái và khu đô thị chỉnh trang, xây dựng mới ven sông, ven biển./.