Việt Nam đang tiến gần mục tiêu đạt định mức tín nhiệm “Đầu tư” vào năm 2030

Sau hơn 2 năm triển khai Đề án, Việt Nam đã đạt được một số thành quả tích cực. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu biến động tiêu cực năm 2022, các quốc gia trên thế giới đối mặt với những bất ổn, rủi ro và hệ quả từ xung đột địa chính trị, nhiều quốc gia bị các tổ chức xếp hạng tín nhiệm hạ bậc, hạ triển vọng. Trong khi đó, Việt Nam nằm trong số vài nước trên toàn cầu được 2 tổ chức Moody’s và S&P nâng hệ số tín nhiệm quốc gia.

Tại Tọa đàm Xếp hạng tín nhiệm quốc gia và quan hệ nhà đầu tư được tổ chức 18/9, ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cho biết, việc tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch nâng hạng Việt Nam từ mức BB lên mức BB+ vào tháng 12/2023 sau khi tổ chức Moody’s và S&P nâng hạng Việt Nam từ Ba3 lên Ba2 và BB lên BB+ trong năm 2022 đều có dấu ấn từ kết quả của việc triển khai đồng bộ, hiệu quả các biện pháp ổn định kinh tế vĩ mô, tăng cường hệ thống tài chính – ngân hàng của Quốc hội và Chính phủ; đồng thời cũng là kết quả của việc các Bộ, ngành tích cực trao đổi, chia sẻ, cập nhật thông tin với các tỏ chức xếp hạng tín nhiệm củng cố tài khóa và kiểm soát nợ công của Việt Nam.

Với kết quả đó, hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam theo thang điểm của S&P và Fitch chỉ còn cách định mức “Đầu tư” 1 bậc; theo thang điểm của Moody’s cách 2 bậc, giúp Việt Nam tiến gần hơn tới mục tiêu đạt định mức “Đầu tư” vào năm 2030 đề ra tại Đề án.

Ông Karby Leggett, Ngân hàng Standard Chartered tin tưởng Việt Nam sẽ đạt được định mức xếp hạng tín nhiệm theo mục tiêu đã đề ra
Ông Karby Leggett, Ngân hàng Standard Chartered tin tưởng Việt Nam sẽ đạt được định mức xếp hạng tín nhiệm theo mục tiêu đã đề ra.

Theo ông Trương Hùng Long, việc cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia có ý nghĩa quan trọng, tạo hiệu ứng lan tỏa cho toàn bộ nền kinh tế. Một mặt góp phần nâng cao uy tín của quốc gia, mặt khác gia tăng niềm tin đối với các nhà đầu tư quốc tế, cải thiện chi phí huy động vốn nước ngoài của cả Chính phủ và doanh nghiệp. Điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng khi nguồn vốn vay ODA, vay ưu đãi dành cho Việt Nam đang giảm dần.

Ông Arne Fraemk, Trưởng Dự án Tăng cường quản lý tài chính công thuộc Chương trình Cải cách Kinh tế vĩ mô, tăng trưởng xanh của GIZ Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh nguồn vốn ODA ưu đãi giảm dần, song Việt Nam cần nguồn vốn lớn cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, các dự án trọng điểm, việc huy động và quản lý nợ công cần phải hiệu quả hơn để thích ứng với sự cạnh tranh của thị trường.

Trước những lo ngại ngày càng gia tăng về rủi ro nợ công, chi phí vay cao, căng thẳng địa chính trị, việc tăng cường quan hệ với nhà đầu tư càng trở nên cần thiết với các quốc gia, bao gồm cả Việt Nam. Chính phủ có thể hưởng lợi ích lớn từ việc thường xuyên tiếp xúc với các nhà đầu tư chủ chốt và nâng cao mức độ minh bạch trong việc công bố và báo cáo dữ liệu.

Việt Nam đã đặt ra mục tiêu xếp hạng tín nhiệm quốc gia đến năm 2030 theo Đề án Cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia tới năm 2030 để tăng cường uy tín trên toàn cầu để giảm chi phí vay nợ. Dự án tăng cường quản lý tài chính công của GIZ với sự tài trợ của Chính phủ Đức và Liên minh Châu Âu đang triển khai các hoạt động đóng góp vào lộ trình này của Việt Nam.

Theo ông Karby Leggett, Ngân hàng Standard Chartered, Việt Nam là một trong hai quốc gia Châu Á duy nhất được nâng hạng trong năm 2023; được thúc đẩy bởi kỳ vọng về nền kinh tế vĩ mô mạnh mẽ trong trung hạn. Triển vọng kinh tế và tình hình tài khóa của Việt Nam tương đương với các quốc gia được xếp hạng đầu tư trong khu vực, có khả năng cải thiện điểm số thể chế và vị thế dự trữ.

“Chúng tôi tin tưởng Việt Nam sẽ đạt được định mức xếp hạng tín nhiệm theo mục tiêu đã đề ra vào năm 2030. Qua trao đổi với Chính phủ Việt Nam, tổ chức định mức xếp hạng tín nhiệm, từ các số liệu báo cáo của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm, chúng tôi hoàn toàn tin tưởng Việt Nam đạt được mục tiêu trước mốc năm 2030” , ông Karby Leggett bày tỏ.

Đức Hạnh

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích