Thừa Thiên Huế: Đẩy mạnh liên kết công nghệ, đổi mới sáng tạo để phát triển kinh tế
Tăng cường liên kết công nghệ tại vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung. Ảnh minh họa
Theo đó, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Hoàng Minh đã đề nghị các địa phương trong vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung cần tăng cường liên kết với các sáng kiến và định hướng phát triển của khu vực. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển dịch nguồn lực và khai thác lợi thế bản địa nhằm phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Đồng thời Thứ trưởng cũng khẳng định, Bộ Khoa học và Công nghệ luôn sẵn sàng đồng hành và hỗ trợ Thừa Thiên Huế cùng các tỉnh trong khu vực để gia tăng đóng góp của khoa học công nghệ vào sự phát triển kinh tế-xã hội.
Về phía Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) Phạm Hồng Quất cho biết, việc liên kết vùng sẽ giúp xây dựng chiến lược và chương trình hành động phù hợp nhằm tối ưu hóa nguồn lực. Bên cạnh đó, việc hình thành các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo với sự tham gia của cả khu vực công và tư là rất cần thiết.
Bước tiến của doanh nghiệp Thừa Thiên Huế nhờ công nghệ hiện đại
Trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, nhiều doanh nghiệp đã có bước tiến mạnh mẽ nhờ vào ứng dụng công nghệ tiên tiến. Một trong những ví dụ điển hình là Kim Long Motor, doanh nghiệp chuyên sản xuất xe bus, đã đầu tư mạnh vào công nghệ tự động hóa. PGS.TS Phạm Xuân Mai – cố vấn cao cấp của dự án Kim Long Motor, cho biết công ty đã chuyển đổi số toàn bộ quy trình sản xuất, từ việc số hóa dữ liệu đến áp dụng robot tự động hóa trong các khâu lắp ráp.
Cụ thể, tại xưởng lắp ráp xe bus, robot hàn khung xương và hệ thống tự động nâng hạ đã giúp tăng năng suất và chất lượng sản phẩm. Xu hướng này không chỉ mang lại hiệu quả sản xuất cao mà còn góp phần giảm thiểu tiêu hao năng lượng và phát triển bền vững.
Ngoài ra, Công ty Cấp nước Thừa Thiên Huế cũng là một ví dụ tiêu biểu về việc áp dụng công nghệ vào quản lý sản xuất. Doanh nghiệp đã triển khai hệ thống SCADA để quản lý điều hành, nâng cao năng lực cung cấp nước sạch. Hệ thống này giúp quản lý hiệu quả chất lượng nước, theo dõi lượng tiêu thụ và vận hành toàn bộ quy trình cung cấp nước một cách tự động, giảm thiểu sai sót và tối ưu hóa chi phí vận hành.
Trong ngành may mặc, Công ty Scavi Huế và Công ty Dệt may Huế đã đầu tư mạnh vào máy móc, dây chuyền hiện đại để nâng cao chất lượng sản phẩm. Nhờ vào công nghệ tiên tiến, các doanh nghiệp này đã đáp ứng được yêu cầu khắt khe của các đối tác quốc tế, đặc biệt là trong các thị trường khó tính như EU, Mỹ, và Nhật Bản. Những nỗ lực này đã giúp các doanh nghiệp gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường toàn cầu và tạo ra sản phẩm có giá trị cao hơn.
Ngoài những thành tựu đã đạt được, việc áp dụng khoa học công nghệ, các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Thừa Thiên Huế vẫn gặp phải nhiều khó khăn. TS. Dương Tuấn Anh – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế, chỉ ra rằng nguồn lực tài chính hạn chế là một trong những rào cản chính. Nhiều doanh nghiệp dù nhận thức rõ vai trò của công nghệ nhưng không thể đầu tư vì thiếu vốn và sự hỗ trợ tài chính linh hoạt. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa thường phải dựa vào công nghệ lạc hậu, dẫn đến năng suất lao động thấp, khó cạnh tranh trên thị trường quốc tế và thậm chí gặp phải nguy cơ tụt hậu.
TS. Hồ Thắng – Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Thừa Thiên Huế nhấn mạnh thực trạng nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp thiếu đất sản xuất, dẫn đến khó khăn trong việc đầu tư trang thiết bị công nghệ hiện đại. Điều này đã tạo ra một vòng lẩn quẩn, nơi các doanh nghiệp không thể nâng cao năng lực sản xuất mà vẫn phải dựa vào những phương thức truyền thống, kém hiệu quả.
Sự hỗ trợ từ chính quyền và triển vọng phát triển
Trước những thách thức này, chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế đã đưa ra nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp, đặc biệt là trong việc phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo. Tỉnh đã triển khai hàng loạt dự án khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn và công nghệ mới. Ông Nguyễn Thanh Bình – Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của tỉnh sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ, cùng với thành phố Đà Nẵng trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia.
Sự quan tâm, hỗ trợ từ cơ quan chức năng là rất quan cần thiết cho sự phát triển khoa học công nghệ của doanh nghiệp. Ảnh minh họa
Trong giai đoạn 2019 – 2024, Thừa Thiên Huế đã thực hiện 14 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia, đồng thời triển khai hàng loạt dự án ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đặc biệt, tỉnh đã xây dựng và phát triển chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm đặc trưng như Thanh Trà và Hoàng Mai, giúp gia tăng giá trị thương hiệu cho sản phẩm địa phương và nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trên thị trường quốc tế.
Hiện tại, Thừa Thiên Huế đã hình thành 5 doanh nghiệp khoa học công nghệ và đang vận hành sàn giao dịch công nghệ tại Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ. Những nỗ lực này đang tạo ra một hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo phát triển mạnh mẽ, góp phần nâng cao giá trị gia tăng của các sản phẩm khoa học công nghệ trên thị trường.
Nhờ sự cam kết từ Bộ Khoa học và Công nghệ và chính quyền địa phương, cùng với sự quyết tâm đổi mới của các doanh nghiệp, Thừa Thiên Huế đang từng bước khẳng định vai trò trung tâm khoa học công nghệ và khởi nghiệp sáng tạo tại khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung. Tuy còn nhiều thách thức, đặc biệt đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhưng với những cơ chế hỗ trợ hợp lý và sự liên kết mạnh mẽ giữa các địa phương, tương lai phát triển của tỉnh sẽ ngày càng rộng mở.
Duy Trinh (t/h)