Dáng núi trong điểm trường Thâm Luông
(Xây dựng) – Được hoàn thành xây dựng vào năm 2023, mới đây, điểm trường Thâm Luông (Hà Giang) đã xuất sắc giành chiến thắng trong hạng mục Trường và Đại học của Giải thưởng Kiến trúc Quốc tế IAA năm 2024 (International Architecture Awards 2024). Công trình chứa đựng câu chuyện ý nghĩa về kiến trúc “xanh” giữa núi rừng.
Điểm trường mới của 100% học sinh người H’mông tại Thâm Luông, Du Già, Yên Minh, Hà Giang. |
Ăn nhập với cao nguyên đá hiểm trở tại xã Du Già, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang, điểm trường mầm non và tiểu học Thâm Luông trông như một cụm núi nhỏ nhưng sôi động và tươi vui hơn. Khối kiến trúc mang dáng hình của núi này là nơi học tập và giảng dạy mới của hơn 200 học sinh dân tộc H’mông và tập thể các nhà giáo bám đá gieo chữ tại Thâm Luông – thôn người H’mông cực kỳ khó khăn tại xã Du Già.
Trên nền ngôi trường cũ tạm bợ và xuống cấp nghiêm trọng, điểm trường mới được thực hiện bởi văn phòng kiến trúc 1+1>2 Architects, dưới sự tài trợ của Quỹ Midas Foundation. Không đơn thuần là công trình mang ý nghĩa cho những bước tiến về chất lượng giáo dục tại địa phương mà còn là câu chuyện nhân văn về bảo tồn cảnh quan thiên nhiên và văn hóa bản địa. Từ đó, khẳng định một ý niệm khác về kiến trúc xanh.
Sự trở về với di sản văn hóa của đồng bào H’mông
Khi mới bắt đầu khảo sát, chính quyền địa phương và dân bản mong muốn một ngôi trường mới giống như miền xuôi với lớp học ở các tầng được nối bằng cầu thang gạch và tường quét vôi vàng. Thế nhưng, những ngôi nhà trình tường với mái ngói âm dương nằm im lìm bên trong những hàng rào đá thấp ngang hông đã cất tiếng nhắc nhở KTS về bản sắc kiến trúc H’mông riêng biệt. KTS hiểu rằng, có thể vì đã quá quen thuộc với những yếu tố kiến trúc này mà dân bản vô tình lãng quên những tinh hoa và di sản mà cha ông họ để lại, việc quan trọng là không để điều đó xảy ra.
KTS đã cùng vẽ và trò chuyện với dân làng, thuyết phục rằng đời sống bản địa của họ rất sống động và tươi đẹp. Rằng không một công trình cao tầng với bê-tông nào có thể phù hợp với địa hình, khí hậu của miền núi Thâm Luông hơn kiến trúc của chính tổ tiên họ. Mưa dầm thấm lâu, cuối cùng các KTS cũng nhận được sự đồng thuận của người dân địa phương về một ngôi trường mang đậm dấu ấn văn hoá bản địa, nhưng để hoàn toàn thuyết phục cần thêm cả thực tiễn.
Cụm kiến trúc tương tự như các ngôi nhà H’mông quây quần, thấp thoáng giữa mảng xanh. |
Và thực tiễn này cần kíp phải có sự hiện diện của chính những người H’mông. Bằng cách để họ tham gia vào quá trình xây dựng, họ có dịp ôn lại truyền thống, được hiểu thêm về sự tự nguyện, về sức mạnh của tính cộng đồng. Trải qua quá trình khai thác và vận chuyển vật liệu, chứng kiến công trình hiện đại thành hình hài bằng cách thức truyền thống của người H’mông, dân bản đã biến mình trở thành một phần của công trình, đã công nhận lại vốn văn hóa của chính mình. Vậy là, trên nền văn hóa bản địa, 1+1>2 Architects khởi tạo một công trình kiến trúc đương đại để đưa đồng bào dân tộc trở về với văn hóa của chính họ.
Các em bé được chứng kiến và tham gia một phần nhỏ vào quá trình xây dựng trường học. |
Sự song hành của thiên nhiên và văn hóa trong tổ hợp kiến trúc – Đá trở thành trọng tâm của thiết kế
Người H’mông quen thuộc với đá, đá tích hợp với mọi không gian sinh sống của họ, đá có sẵn trong sân nhà, trên đồng ruộng, đá trở thành hàng rào, thành ghế ngồi, thành nơi phơi phóng, đặt để đồ đạc. Trẻ em H’mông tự nhiên trèo lên đá, ngồi trên đá, chơi quanh đá. Đá vừa có sẵn vừa quen thuộc, không ngạc nhiên khi KTS lấy đá làm hạt nhân cho thiết kế. Nhưng làm thế nào để vốn quen thuộc này trở thành nét đặc sắc thì phải nhờ vào sự tính toán và nghiên cứu sâu rộng của người sáng tạo.
Đá hiện diện ở khắp nơi và trở thành vật liệu chính cho xây dựng. |
Tại điểm trường Thâm Luông, những khối đá tự nhiên được giữ lại và lấy làm hạt nhân của khối kiến trúc: Sân trường và vườn cảnh quan trung tâm. Từ đây, các đơn vị nhỏ là năm khối nhà được phân bổ quây quần và nối liền bằng hai hành lang ziczac. Những buổi chào cờ đầu tuần, những buổi lễ, buổi gặp gỡ giao lưu sẽ được tổ chức trong “sân đá” đầy thân thuộc nhưng cũng đầy mới mẻ này.
Những tảng đá chôn chặt trong đất hàng triệu năm nay có thêm vai trò mới trong khuôn viên trường. |
Giữa cao nguyên đá, vật liệu sẵn có nhất là đá hộc, phương thức xây dựng lâu đời nhất là xếp đá. Năm khối nhà – tám lớp học và một nhà hiệu bộ tại Thâm Luông được xây dựng lên từ 900 khối đá hộc khai thác ngay tại chỗ. Vì không có điện, các kỹ sư làm vỡ đá bằng khoan chạy dầu và bột nở. Khi những hòn đá trăm triệu năm dưới lòng đất vỡ ra, kỹ sư cùng dân bản nhặt đá, chẻ đá, xếp lèn đá thành những bức tường dày 40-50cm.
Đá hộc được xếp đặt khéo léo để vừa khít với nhau với độ dày 40-50cm, giữ ấm mùa đông, làm mát mùa hè. |
Bên cạnh đá hộc, đá cuội và gạch đất bản địa cũng là vật liệu được kiến trúc sư cố ý đưa vào không gian các lớp học. Các bức tường đá hộc được làm mềm bằng cách đan xen những mảng sỏi cuội và gạch đất như cách người H’mông dệt thổ cẩm. Nét văn hóa mềm mại và lâu đời không kém văn hóa xây dựng của người H’mông đã thực sự biến điểm trường mới thành không gian thân thuộc cho các em bé tiểu học và mầm non. Lớp học đông ấm hè mát không chỉ là nơi giúp các em tiếp cận tri thức mà còn được thấy yên tâm và vỗ về.
Thật thú vị nếu một em bé chỉ vào hòn đá cuội trên tường và nói rằng đây là thứ mà chính tay em đã nhặt lên từ lòng suối. |
Dáng hình của núi
Song hành với việc nhắc nhở và gợi nhớ về những nét văn hóa, hình thái thiên nhiên đặc biệt của núi rừng Hà Giang cũng là điều mà 1+1>2 Architects đưa vào kiến trúc của điểm trường Thâm Luông. Nhờ đó, điểm trường không chỉ tồn tại trong cảnh quan, mà trở thành sự phản chiếu sống động của chính thiên nhiên: những tảng đá, gió, mây và ánh sáng.
Từng diện tường đá, từng ô cửa sổ nhấp nhô và những khe sáng tiếp diện với mái nhà đều đồng điệu với từng đặc điểm của núi: Dáng vẻ vững chãi của đá, những hang hốc cao thấp, những khe sáng xiên xiên giữa các quả núi lô xô.
Ánh sáng tự nhiên qua khe sáng tràn vào lớp học như những khe sáng giữa các quả núi. |
Từng nhịp mái, từng nhịp màu xanh – ghi trên những lớp tôn đều đồng điệu cùng nhịp núi trùng điệp, cùng hòa mình với màu những tán cây rừng, ẩn hiện trong màn sương sớm của miền rẻo cao.
Hệ mái lợp nhiều nếp gấp tiếp biến cảnh quan núi, đua rộng nối liền các khối lớp. |
Từng đường nét kiến trúc đơn giản, thẳng thớm, gãy gọn và dứt khoát đều là hóa thân của hình thức thiên nhiên, chứa đựng sự chân chất, giản dị của núi non. Kiến trúc nương theo tự nhiên, mô phỏng tự nhiên, trở thành một với tự nhiên để bền vững trong tự nhiên.
“Mỗi vùng đất có một loài hoa và hương sắc riêng, thì đây bông hoa Thâm Luông này được xây nên bằng đá”, KTS Hoàng Thúc Hào. |
Trong không khí vui tươi của năm học mới, điểm trường Thâm Luông như sống động hơn giữa cái thinh lặng núi rừng. Dưới sự thực hiện của 1+1>2 Architects và Quỹ Midas Foundation, điểm trường vừa là bức tranh tiếp biến cảnh quan thiên nhiên vừa là tác phẩm tiếp nối di sản văn hóa dân tộc H’mông trong thiết kế kiến trúc đương đại. Khẳng định về một hình thức “xanh” đầy nhân văn trong lĩnh vực kiến trúc: Không chỉ đong đếm bằng chỉ số mà còn nâng niu cả những văn hóa vốn cổ không thể đo lường giá trị.
Bài dự thi viết về Công trình xanh Việt Nam năm 2024 do Báo Xây dựng phát động. Ban tổ chức cuộc thi không trả nhuận bút các bài dự thi. Tác giả chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực và bản quyền bài viết. |
Nguồn: Báo xây dựng