“Nâng tầm” nông sản OCOP nhờ kết hợp du lịch

Tiềm năng phát triển

Hà Nội là “Đất trăm nghề”, trong đó có 331 nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận. Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP, đến nay Thành phố đã đánh giá, phân hạng 2.723 sản phẩm, trong đó có 6 sản phẩm 5 sao, 12 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 1.473 sản phẩm 4 sao, 6 sản phẩm tiềm năng 4 sao, 1.226 sản phẩm 3 sao. Phải khẳng định, sau khi định hình sản phẩm OCOP, doanh thu và đầu ra cho nông sản vì thế cũng ổn định hơn.

“Nâng tầm” nông sản OCOP nhờ kết hợp du lịch
Việc quảng bá tốt các sản phẩm OCOP đóng vai trò quan trọng giúp người sản xuất đưa được các sản phẩm chất lượng đến gần hơn với người tiêu dùng. Ảnh: Đinh Luyện

Trong số các địa phương của thành phố Hà Nội đang tích cực triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP, thị xã Sơn Tây được đánh giá là địa phương triển khai quyết liệt từ sớm. Đến nay, trên địa bàn thị xã Sơn Tây có 78 sản phẩm của 14 chủ thể hợp tác xã, công ty, hộ kinh doanh được đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đạt 3 sao, 4 sao, thuộc các ngành hàng thực phẩm, thủ công mỹ nghệ, trang trí. Trong đó, nhiều sản phẩm truyền thống có tiềm năng OCOP như kẹo lạc, kẹo vừng của xã Đường Lâm; miến dong xã Cổ Đông; chả cá, trà hoa cúc xã Sơn Đông; mật ong xã Kim Sơn… Còn Ba Vì hiện có 20 làng nghề với nhiều sản phẩm sử dụng từ nguồn nguyên liệu tại chỗ, 108 Hợp tác xã tổ chức sản xuất điều hành các hoạt động của các làng nghề, 180 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy cầm đang hoạt động, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa có giá trị thương mại cao. Đến nay, huyện Ba Vì đã phát triển được 155 sản phẩm tham gia đánh giá, xếp hạng OCOP từ 3 sao trở lên. Các sản phẩm OCOP nổi bật là sữa tươi, các sản phẩm chế biến từ sữa, gà đồi, rau, khoai lang, miến dong, thịt giò đà điểu, Giò lụa hạt Sen…

Không xa trung tâm giống như Sơn Tây hay Ba Vì, quận Tây Hồ cũng khéo léo tận dụng các tiềm năng, thế mạnh của mình để phát triển. Theo đó, Tây Hồ đã phát triển các sản phẩm OCOP trên cơ sở từ các làng nghề truyền thống, nghề gia truyền gắn với du lịch và dịch vụ. Với những lợi thế sẵn có, tính đến đầu năm 2024, quận Tây Hồ có trên 40 sản phẩm OCOP được Thành phố đánh giá, công nhận.

Đưa sản phẩm chất lượng đến người tiêu dùng

Thực tế cho thấy, để sản phẩm OCOP được định hình và phát triển rộng rãi tới tay người tiêu dùng thì cần nhiều nỗ lực. Và mỗi địa phương lại có cách triển khai, thực hiện riêng biệt. Chẳng hạn, tại quận Tây Hồ, quận xác định rõ mục tiêu tăng cường nâng cao, mở rộng các sản phẩm OCOP, đáp ứng việc phát triển kinh tế, du lịch làng nghề trên địa bàn quận là cốt lõi; Đồng thời, quận luôn cố gắng giữ vững và lan tỏa những giá trị, thương hiệu, sở hữu trí tuệ nhãn hiệu tập thể làng nghề, sản vật sẵn có; ưu tiên phát triển sản phẩm OCOP theo nhóm dịch vụ du lịch cộng đồng và các điểm du lịch, kết nối để tạo thành sản phẩm “Dịch vụ du lịch OCOP Tây Hồ”.

Thời gian qua, thành phố Hà Nội luôn quan tâm, chú trọng phát triển làng nghề, sản xuất sản phẩm OCOP, nông sản thực phẩm an toàn và chất lượng, tổ chức các sự kiện, hội chợ, festival, tuần hàng, hội thảo để thực hiện xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch, nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP, làng nghề, nông sản thực phẩm, phục vụ nhu cầu tiêu dùng, quảng bá giới thiệu sản phẩm du lịch, văn hóa của Thủ đô đến với người tiêu dùng, khách du lịch trong, ngoài nước. Bởi vậy, các điểm bán, giới thiệu sản phẩm OCOP tại các quận, huyện, thị xã có ý nghĩa quan trọng trong hệ thống phân phối của Thành phố, phục vụ nhu cầu người tiêu dùng với những sản phẩm OCOP của những đơn vị sản xuất uy tín đã được đánh giá, phân hạng…

Tương tự, tại huyện Ba Vì, để sản phẩm OCOP đến tay người tiêu dùng, huyện hỗ trợ các chủ thể tham gia trưng bày, giới thiệu các sản phẩm OCOP tại các sự kiện, hội nghị, hội chợ thương mại, hệ thống cửa hàng, siêu thị, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, các sàn giao dịch điện tử… tìm kiếm cơ hội tiếp cận thị trường; tăng cường kiểm tra đối với các chủ thể OCOP về chất lượng sản phẩm.

Thị xã Sơn Tây lại có hướng phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch. Theo đó, tại thị xã, nhiều mô hình dịch vụ trải nghiệm, làm du lịch mới được thực hiện tại thị xã Sơn Tây như: Đoài Creative, Phát Studio, phiên chợ làng Mô, chợ đêm Làng cổ… Triển khai Đề án xe điện phục vụ khách tham quan du lịch trên địa bàn thị xã; trồng hoa, cho thuê trang phục phục vụ du khách đến chụp ảnh, thuê xe đạp, homestay, trải nghiệm làm các sản phẩm nông nghiệp, sơn mài, gốm sứ. Hiện nay, trên địa bàn thị xã có trên 50 nhà hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống phục vụ khách du lịch và 1 làng nghề đã được công nhận là Làng nghề Bánh tẻ Phú Nhi. Riêng địa bàn xã Đường Lâm có trên 150 hộ dân tại khu vực di tích làm dịch vụ du lịch, tạo các sản phẩm phục vụ du khách. Địa bàn Thị xã đã có 89 sản phẩm OCOP được Thành phố công nhận 3 sao trở lên.

Ông Nguyễn Xuân Quyền, một thành viên tích cực xây dựng mô hình nuôi ong phục vụ du lịch trải nghiệm tại thôn Lòng Hồ (xã Kim Sơn) cho biết, đến Kim Sơn, ngoài việc được trải nghiệm nghỉ dưỡng, ở bất kỳ các điểm nuôi ong nào, du khách cũng sẽ được thực hành quay ong, chiết suất mật, chụp ảnh quá trình trải nghiệm và mua sản phẩm do mình tự quay về làm quà cho người thân, bạn bè. Nhờ sự thay đổi trong hướng đi, cách làm nên sản phẩm mật ong Kim Sơn đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp nhãn hiệu tập thể đạt OCOP 4 sao.

Ngoài những hướng đi, cách làm riêng ở mỗi địa phương điểm chung giữa Sơn Tây, Ba Vì hay Tây Hồ… là đều đặt người tiêu dùng làm trung tâm, coi việc đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, đưa sản phẩm OCOP có chất lượng đến tay khách hàng. Ông Nguyễn Xuân Quyền cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1035/QĐ-TTg về ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam, lấy ngày 15/3 hằng năm là ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam. Điều này cho thấy vai trò, vị trí, tầm quan trọng của người tiêu dùng. Việc đưa sản phẩm có chất lượng đến tận tay người tiêu dùng, kèm theo đó là trải nghiệm thực tế khi làm ra sản phẩm sẽ giúp đầu ra của sản phẩm ổn định hơn, được đánh giá cao hơn.

Rõ ràng, việc đưa sản phẩm OCOP gắn với du lịch, nhìn từ các mô hình thành công có thể thấy, khi người tiêu dùng đặt vào đúng vị trí trung tâm, người sản xuất coi việc đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng là yếu tố tiên quyết thì họ sẽ làm ra những sản phẩm có chất lượng. Mặt khác, khi người nông dân – người sản xuất chính làm ra các sản phẩm OCOP thu được lợi ích từ hoạt động du lịch, dịch vụ thì bản thân họ sẽ tự giác tham gia một cách hiệu quả. Chính quyền địa phương tích cực vào cuộc ủng hộ cũng là “đòn bẩy” để nghề truyền thống được phát triển và nâng tầm.

Đinh Luyện

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích