Lào Cai xây dựng kế hoạch phát triển khu, cụm công nghiệp đến năm 2030

(Xây dựng) – UBND tỉnh Lào Cai vừa ban hành Kế hoạch số 390/KH-UBND về việc phát triển khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2030.

Lào Cai xây dựng kế hoạch phát triển khu, cụm công nghiệp đến năm 2030
Đến năm 2025, tỉnh Lào Cai thành lập 4 khu công nghiệp gồm: Cốc Mỳ – Trịnh Tường, Bản Qua, Võ Lao và Cam Cọn.

Nhằm cụ thể hóa Quy hoạch tỉnh Lào Cai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 316/QĐ-TTg ngày 29/3/2023; tổ chức triển khai kịp thời, thống nhất, hiệu quả các quy định về quản lý, phát triển khu, cụm công nghiệp; xây dựng lộ trình, phân bổ nguồn lực, phân công nhiệm vụ cho từng đơn vị tổ chức triển khai thực hiện… UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành Kế hoạch số 390/KH-UBND về việc phát triển khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2030.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã đầu tư xây dựng được 3 khu công nghiệp với kết cấu hạ tầng kỹ thuật tương đối đồng bộ (Khu công nghiệp Đông Phố Mới, Khu công nghiệp Tằng Loỏng và Khu công nghiệp Bắc Duyên Hải) với tổng diện tích 1.285ha, trong đó đất công nghiệp 868,68ha. Đến nay, đã cho thuê được 661,94ha, tỷ lệ lấp đầy là 76,2% đất công nghiệp, thu hút 161 dự án vào đầu tư, sản xuất kinh doanh (138 dự án đã đưa vào hoạt động và 23 dự án đang đầu tư xây dựng) với tổng vốn đăng ký 25.637 tỷ đồng.

Trên địa bàn tỉnh hiện đang quy hoạch 18 cụm công nghiệp với tổng diện tích là 231,81ha (Quyết định số 5340/QĐ-UBND ngày 29/11/2017 của UBND tỉnh Lào Cai, về việc phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp tỉnh Lào Cai đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025). Đến nay 03/18 cụm công nghiệp đã đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và đưa vào hoạt động (Cụm công nghiệp Đông Phố Mới, Cụm công nghiệp Bắc Duyên Hải và Cụm công nghiệp Sơn Mãn – thành phố Lào Cai), 02/18 cụm công nghiệp đang được đầu tư hạ tầng kỹ thuật (Cụm công nghiệp Phố Ràng – Bảo Yên và Cụm công nghiệp Khánh Yên Thượng – Văn Bàn) và 13/18 cụm công nghiệp chưa được đầu tư hạ tầng kỹ thuật.

Nguồn vốn đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp 100% từ ngân sách Nhà nước với tổng kinh phí là 38,86 tỷ đồng. Cụ thể: Cụm công nghiệp Bắc Duyên Hải 3,98 tỷ đồng; Cụm công nghiệp Đông Phố Mới 1,69 tỷ đồng; Cụm công nghiệp Sơn Mãn 16,49 tỷ đồng; Cụm công nghiệp Phố Ràng 7,13 tỷ đồng; Cụm công nghiệp Khánh Yên Thượng 9.57 tỷ đồng. Đến nay 3 cụm công nghiệp đã đưa vào hoạt động sắp xếp, bố trí cho 146 cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp vào đầu tư sản xuất, kinh doanh (Cụm công nghiệp Bắc Duyên Hải 103 cơ sở; Cụm công nghiệp Đông Phố Mới 16 cơ sở; Cụm công nghiệp Sơn Mãn 27 cơ sở). Tỷ lệ lấp đầy đạt 100%.

Theo kế hoạch, đối với khu công nghiệp, đến năm 2025 thành lập 04 khu công nghiệp gồm: Khu công nghiệp Cốc Mỳ – Trịnh Tường, Khu công nghiệp Bản Qua (huyện Bát Xát), Khu công nghiệp Võ Lao (huyện Văn Bản), Khu công nghiệp Cam Cọn (huyện Bảo Yên). Đối với Cụm công nghiệp, đến năm 2025 thành lập Cụm công nghiệp tại các địa phương gồm: Thành phố Lào Cai (Cụm công nghiệp Thống Nhất 1, Cụm công nghiệp Thống Nhất 2, Cụm công nghiệp Thống Nhất 3) và các huyện: Bát Xát, Bảo Thắng, Văn Bản, Bảo Yên. Giai đoạn 2026-2030 thành lập cụm công nghiệp tại các huyện: Mường Khương, Bắc Hà, Si Ma Cai. Giai đoạn sau 2030 triển khai thành lập cụm công nghiệp tại thị xã Sa Pa.

UBND tỉnh Lào Cai giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì tham mưu thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp nằm ngoài phạm vi Khu kinh tế cửa khẩu. Cập nhật các dự án đầu tư hạ tầng khu, cụm công nghiệp vào danh mục các dự án thu hút đầu tư… Đồng thời, giao Sở Xây dựng hướng dẫn các cơ quan chuyên môn và UBND cấp huyện lập, điều chỉnh các quy hoạch xây dựng liên quan để điều chỉnh, bổ sung khu, cụm công nghiệp vào các quy hoạch xây dựng cho phù hợp với Quy hoạch tỉnh và các quy định hiện hành. Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị, địa phương thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về quy hoạch xây dựng khu, cụm công nghiệp, xây dựng hạ tầng kỹ thuật, công trình xây dựng trong khu, cụm công nghiệp; xây dựng và phát triển nhà ở, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng cho người lao động làm việc trong các khu, cụm công nghiệp.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích