Hà Giang: Học sinh nhập viện nghi ngộ độc sau tiệc Trung thu

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết đã nhận được thông tin phản ánh về vụ nghi ngờ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS-THPT huyện Xín Mần (tỉnh Hà Giang), hàng chục học sinh có biểu hiện đau bụng, buồn nôn và chóng mặt sau khi ăn thực phẩm trong tiệc liên hoan Trung thu tổ chức tại trường. Sau khi nhập viện, bệnh nhân được truyền dịch, điều trị triệu chứng buồn nôn, lo lắng, chỉ định làm các xét nghiệm.

Quá trình được điều trị tích cực, sức khỏe các bệnh nhân hiện cơ bản ổn định, tỉnh táo, có thể xuất viện.

Trước đó, 300 học sinh khối trung học cơ sở tham gia tiệc Trung thu do trường tổ chức. Thực đơn gồm trà chanh, quất, táo, lê, dưa hấu và dứa, bánh trung thu, kẹo, sữa… Sau khi ăn 15 phút, nhiều em có triệu chứng buồn nôn, đau đầu và đau bụng, được đưa vào bệnh viện.

Liên quan đến sự việc này, Cục An toàn thực phẩm đề nghị Sở Y tế tỉnh Hà Giang tạm đình chỉ hoạt động cơ sở cung cấp thực phẩm có nghi ngờ gây ngộ độc thực phẩm.

Tổ chức điều tra, truy xuất nguồn gốc thực phẩm để xác định rõ nguồn cung cấp nguyên liệu, thực phẩm cho cơ sở chế biến nghi ngờ gây ngộ độc; lấy mẫu thực phẩm, bệnh phẩm để xét nghiệm tìm nguyên nhân. Phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm quy định về an toàn thực phẩm (nếu có) và công khai kết quả để kịp thời cảnh báo cho cộng đồng.

Ngay sau khi vụ việc xảy ra, lãnh đạo huyện Xín Mần đã chỉ đạo ngành y tế tập trung nhân lực điều trị kịp thời cho các bệnh nhân nghi ngộ độc thực phẩm tại bệnh viện, cũng như thành lập đoàn điều tra ngộ độc, lấy mẫu thực phẩm theo quy định.

Tương tự vụ việc trên, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) vừa có văn bản đề nghị Sở Y tế Gia Lai tạm đình chỉ hoạt động tiệm trà sữa nghi ngờ gây ngộ độc khiến 21 học sinh Trường THCS Tôn Đức Thắng (TP Pleiku, tỉnh Gia Lai) có biểu hiện đau bụng, chóng mặt, buồn nôn.

Lãnh đạo huyện Xín Mần thăm hỏi các em học sinh. (Ảnh: Cổng TTĐT huyện Xín Mần)

Cục An toàn thực phẩm đề nghị Sở Y tế tỉnh Gia Lai tạm đình chỉ hoạt động cơ sở cung cấp thực phẩm nghi ngờ gây ngộ độc. Đồng thời, điều tra, truy xuất nguồn gốc thực phẩm để xác định rõ nguồn cung cấp nguyên liệu, thực phẩm cho cơ sở chế biến nghi ngờ gây ngộ độc; lấy mẫu thực phẩm, bệnh phẩm để xét nghiệm tìm nguyên nhân; phát hiện, xử lý nghiêm vi phạm quy định về an toàn thực phẩm (nếu có) và công khai kết quả để kịp thời cảnh báo cho cộng đồng.

Hành vi vi phạm quy định về sử dụng nguyên liệu để sản xuất, chế biến, cung cấp thực phẩm được quy định cụ thể tại Điều 4 Nghị định 115/2018/NĐ-CP, theo đó, tùy vào từng hành vi vi phạm mà mức xử phạt sẽ khác nhau.

1. Phạt tiền từ 1 lần đến 2 lần giá trị sản phẩm vi phạm và buộc tiêu hủy nguyên liệu, thực phẩm khi:

+ Sử dụng nguyên liệu đã quá thời hạn sử dụng hoặc không có thời hạn sử dụng đối với nguyên liệu thuộc diện bắt buộc phải ghi thời hạn sử dụng;

+ Sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, xuất xứ;

+ Sử dụng sản phẩm từ động vật, thực vật để sản xuất, chế biến thực phẩm mà không được kiểm tra vệ sinh thú y, kiểm dịch thực vật theo quy định của pháp luật.

2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng và buộc tiêu hủy nguyên liệu, thực phẩm khi: sử dụng sản phẩm từ động vật, thực vật để sản xuất, chế biến thực phẩm mà có chỉ tiêu an toàn thực phẩm không phù hợp quy định của quy chuẩn kỹ thuật tương ứng hoặc không phù hợp quy định pháp luật hoặc đã kiểm tra vệ sinh thú y, kiểm dịch thực vật nhưng không đạt yêu cầu.

3. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, chế biến thực phẩm từ 1 tháng đến 3 tháng và buộc tiêu hủy nguyên liệu, thực phẩm khi: sử dụng động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy theo quy định của pháp luật để chế biến thực phẩm hoặc cung cấp, bán thực phẩm có nguồn gốc từ động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy mà sản phẩm trị giá dưới 10.000.000 đồng.

4. Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, chế biến thực phẩm từ 1 tháng đến 3 tháng, tước quyền sử dụng Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm từ 20 tháng đến 24 tháng đối với sản phẩm thuộc diện đăng ký bản công bố sản phẩm, buộc thu hồi bản tự công bố sản phẩm đối với sản phẩm thuộc diện tự công bố sản phẩm và buộc tiêu hủy nguyên liệu, thực phẩm khi:

+ Sử dụng nguyên liệu là sản phẩm từ động vật, thực vật, chất, hóa chất không thuộc loại dùng làm thực phẩm để sản xuất, chế biến thực phẩm;

+ Sử dụng động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy theo quy định của pháp luật để chế biến thực phẩm hoặc cung cấp, bán thực phẩm có nguồn gốc từ động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy mà sản phẩm trị giá từ 10.000.000 đồng trở lên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

5. Phạt tiền từ 5 lần đến 7 lần giá trị sản phẩm vi phạm, đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, chế biến thực phẩm từ 10 tháng đến 12 tháng, tước quyền sử dụng Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm từ 20 tháng đến 24 tháng đối với sản phẩm thuộc diện đăng ký bản công bố sản phẩm, buộc thu hồi bản tự công bố sản phẩm đối với sản phẩm thuộc diện tự công bố sản phẩm và buộc tiêu hủy nguyên liệu, thực phẩm đối với hành vi quy định tại khoản 4 ở trên trong trường hợp áp dụng mức tiền phạt cao nhất của khung tiền phạt tương ứng mà vẫn còn thấp hơn 7 lần giá trị sản phẩm vi phạm mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Mức phạt tiền tại khoản 2, 3, 4 là mức phạt đối với cá nhân, mức phạt tiền tại khoản 1, 5 là mức phạt tiền đối với tổ chức. Mức phạt tiền đối với tổ chức gấp 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

 Thanh Hiền (t/h)

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích