Trung Quốc: Dự kiến mỗi tuần hứng một cơn bão từ nay đến tháng 10

Trung Quốc: Dự kiến mỗi tuần hứng một cơn bão từ nay đến tháng 10

Sau bão Yagi và Bebinca, Trung Quốc dự kiến sẽ phải hứng chịu 1-2 cơn bão từ nay đến trước tháng 10.

Theo mạng Thời tiết Trung Quốc (Weather.com), trong 10 ngày tới trước kỳ nghỉ lễ Quốc khánh (1/10), một hoặc hai cơn bão dự kiến sẽ hình thành ở Biển Đông và Tây Bắc Thái Bình Dương, trong đó một cơn bão có khả năng ảnh hưởng đến khu vực ven biển phía Đông Nam nước này. Điều này đồng nghĩa với việc, mỗi tuần Trung Quốc sẽ phải hứng chịu 1 cơn bão.

Trong khi tác động của bão Bebinca vẫn chưa kết thúc, theo dự báo mới nhất vừa đưa ra sáng 18/9 của Trung tâm Khí tượng Quốc gia Trung Quốc (NMC), bão Pulasan sẽ di chuyển vào khu vực phía Đông Biển Hoa Đông trong tối nay và đổ bộ vào bờ biển Chiết Giang từ chiều đến tối mai (19/9) ở cấp bão nhiệt đới hoặc bão nhiệt đới mạnh. Do ảnh hưởng của bão, một số khu vực ở tỉnh Chiết Giang, An Huy, Giang Tô, Thượng Hải và Sơn Đông sẽ có mưa vừa đến mưa to từ 18-20/9.

Cũng theo cơ quan này, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới hình thành trên Biển Đông di chuyển nhanh về phía Tây và mạnh dần lên, hôm nay, đảo Hải Nam sẽ có mưa to đến rất to.

Được biết, bão Pulasan có hướng di chuyển tương tự như bão Bebinca, nhưng do tác động của khối không khí lạnh nên việc dự báo sẽ trở nên phức tạp hơn.

Trước đó, bão Bebinca, cơn bão mạnh nhất tấn công Thượng Hải kể từ năm 1949, đã gây ngập lụt, bật gốc cây, mất điện, khiến ít nhất một người ở thành phố này bị thương và 2 người ở tỉnh Giang Tô thiệt mạng vì điện giật.

tm-img-alt
Siêu bãi Bebinca gây đổ cây ở Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: Reuters.

Do ảnh hưởng của bão Bebinca và hoàn lưu, các tỉnh Giang Tô, An Huy và Sơn Đông, miền Đông Trung Quốc, cũng như tỉnh Hà Nam, miền Trung nước này trở thành các khu vực có nguy cơ thiên tai từ trung bình đến cao. Trong ngày 18/9, các tỉnh Hà Nam, An Huy, Sơn Đông sẽ có mưa to đến rất to.

Các chuyên gia cũng nhắc nhở người dân ở các tỉnh Hà Nam và An Huy đề phòng lũ lụt, lũ quét, thảm họa địa chất và ngập úng do mưa lớn cục bộ gây ra trên các sông vừa và nhỏ.

Vĩnh Hải (T/h)

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích