Đà Nẵng: Mưa to do ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới gần Biển Đông
(Xây dựng) – Theo tin Dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Trung Trung bộ, từ 00h00 đến 07h00 ngày 18/9/2024 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có mưa vừa, mưa to đến rất to, lượng mưa phổ biến 30-60mm, một số nơi có lượng mưa lớn hơn 100mm.
Mưa to trong sáng 18/9 khiến một số tuyến đường bị ngập. |
Hồi 07 giờ ngày 18/9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 16,7 độ Vĩ Bắc; 113,5 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 220km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-61km/h), giật cấp 9; di chuyển chủ yếu theo hướng Tây với tốc độ khoảng 15km/h.
Dự báo diễn biến áp thấp nhiệt đới trong 24 giờ tới sẽ cách Quảng Trị khoảng 210km về phía Đông Đông Nam, cách Đà Nẵng khoảng 120km về phía Đông, di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, khoảng 20km/h, mạnh lên thành bão, cấp 8, giật cấp 10. Đến 07h ngày 20/9: Vị trí 17,3N-106,0E; trên khu vực biên giới Việt – Lào, di chuyển hướng Tây Tây Bắc, 15km/h, đi vào đất liền và suy yếu dần, mạnh cấp 6, giật cấp 8. Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10-15km và suy yếu thành một vùng áp thấp.
Tại Đà Nẵng, từ 00h00 đến 07h00 ngày 18/9/2024 trên địa bàn thành phố có mưa vừa, mưa to đến rất to, lượng mưa phổ biến 30-60mm, một số nơi có lượng mưa lớn hơn 100mm. Mây đối lưu tiếp tục phát triển và mở rộng gây mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to cho quận Liên Chiểu, Thanh Khê, Hải Châu, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Cẩm Lệ và huyện Hòa Vang với lượng mưa phổ biến 20-40mm/3h, có nơi trên 70mm/3h.
Mực nước trên sông Vu Gia, Yên lúc 7h00 ngày 18/9 đang ở mức thấp dưới BĐ1. Mực nước trên sông Cu Đê, Túy Loan lúc 08h00 ngày 18/9 đang ở mức thấp: Tại Túy Loan: 0,98m; Trường Định: 0,47m. Trên vùng biển có mưa rào và dông mạnh. Trong cơn dông cần đề phòng lốc, sét và gió giật mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai do lốc, sét và gió giật mạnh, cấp 1.
Đà Nẵng chủ động trong việc cắt tỉa cây xanh, nạo vét cống rãnh. |
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự thành phố cho biết, đã ra thông báo về việc ứng phó với áp thấp nhiệt đới gần Biển Đông và công điện đề nghị các lực lượng, Sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị ứng phó với áp thấp nhiệt đới gần Biển Đông, đề nghị các đơn vị chủ động tổ chức theo dõi sát thông tin dự báo, diễn biến tình hình áp thấp nhiệt đới và mưa, lũ có thể xảy ra.
Kịp thời chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó theo phương án phòng chống và khắc phục hậu quả ứng với một số kịch bản thiên tai năm 2024 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, tiếp tục thực hiện cắt tỉa cây xanh, nạo vét cống rãnh…
Thông báo kịp thời cho các chủ phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng tránh. Tổ chức kiểm đếm, quản lý chặt chẽ và giữ thông tin liên lạc với các tàu thuyền còn đang hoạt động trên biển.
Đồng thời, đã tổ chức họp Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự thành phố để rà soát công tác chuẩn bị ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh thành bão số 4. Chuẩn bị ban hành Công điện ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh thành bão số 4.
Để giảm thiệt hại về người và tài sản, hỗ trợ công tác phòng tránh thiên tai trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng cũng đã gửi các cơ quan, địa phương về việc lấy ý kiến đưa vào sử dụng Hệ thống theo dõi mưa, ngập nước trên địa bàn thành phố. Sau khi tổng hợp, tiếp thu ý kiến góp ý của các cơ quan, Sở Thông tin và Truyền thông đã cập nhật, hoàn thiện Hệ thống theo dõi mưa, ngập nước phục vụ công tác quản lý Nhà nước, chỉ đạo điều hành trong mùa mưa, bão, lũ.
Nguồn: Báo xây dựng