Nhiều hoạt động Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo sắp diễn ra tại Hà Nội

(Xây dựng) – Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà vừa ký ban hành Kế hoạch số 266/KH-UBND về việc tổ chức các hoạt động Hà Nội tham gia Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO năm 2024 – 2025.

Nhiều hoạt động Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo sắp diễn ra tại Hà Nội
Hà Nội được UNESCO công nhận là một thành phố sáng tạo. (Ảnh: VGP)

Chính quyền Hà Nội cho biết, việc tổ chức các hoạt động nhằm phát huy tiềm năng thế mạnh của Thủ đô trong các lĩnh vực thiết kế sáng tạo; Nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp, cộng đồng xã hội về ngành thiết kế và công nghiệp sáng tạo, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của Thành phố; Kết nối, mở rộng hợp tác kinh doanh giữa các tổ chức, các chuyên gia, các doanh nghiệp trong nước và quốc tế trong lĩnh vực thiết kế và công nghiệp sáng tạo.

Hà Nội ban hành hàng loạt nội dung cần triển khai như: Đẩy mạnh truyền thông và nâng cao nhận thức, thúc đẩy hoạt động sáng tạo trên địa bàn Thủ đô; Các hoạt động Thành phố Hà Nội tham gia với vai trò thành viên Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO; Các hoạt động thực hiện các cam kết Hà Nội tham gia Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO: Hình thành Trung tâm điều phối các hoạt động sáng tạo Hà Nội; Hình thành Mạng lưới các không gian sáng tạo Hà Nội; Triển khai các hoạt động mạng lưới các nhà thiết kế sáng tạo trẻ; Hội nghị tổng kết hoạt động sáng tạo, kết nối, cộng đồng, đơn vị tổ chức tham gia, hưởng ứng các hoạt động sáng tạo Hà Nội và Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội thường niên.

Một sự kiện quan trọng sẽ được tổ chức là Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024

Lễ hội có chủ đề: “Giao lộ sáng tạo” diễn ra từ ngày 9/11/2024 đến ngày 17/11/2024, tại các không gian di sản văn hóa, các làng nghề truyền thống trên địa bàn các quận, huyện, thị xã; các hoạt động của Mạng lưới các không gian sáng tạo của các đơn vị, tổ chức, cá nhân trên địa bàn Thành phố.

Khu vực chính của Lễ hội: Kết nối tuyến trải nghiệm sáng tạo với điểm trung tâm là Quảng trường Cách mạng tháng Tám với 02 trục Bắc Nam là phố Lý Thái Tổ – phố Lê Thánh Tông và Đông Tây là dốc Bát Cổ – phố Tràng Tiền gồm các công trình kiến trúc: Cung Thiếu nhi Hà Nội, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Bắc Bộ Phủ, Nhà hát lớn, Đại học Tổng hợp… các vườn hoa trên tuyến phố Phan Chu Trinh, Lý Thường Kiệt và các địa điểm cộng hưởng sáng tạo.

Các hoạt động chính của Lễ hội gồm: Lắp đặt công trình biểu tượng; Hoạt động Triển lãm – Trưng bày – Sắp đặt; Chương trình nghệ thuật biểu diễn; Hội thảo – Tọa đàm – Trao giải các cuộc thi; Hoạt động cộng đồng, trải nghiệm; Hoạt động phối hợp, tham gia của các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn Thành phố; Các hoạt động tại các không gian sáng tạo trên địa bàn Thành phố; Các hoạt động sáng tạo tại các quận, huyện; Các hoạt động tại các không gian phố đi bộ.

UBND Thành phố Hà Nội giao các Sở, ngành, quận, huyện… liên quan thực hiện nghiêm túc kế hoạch nêu trên theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao.

Các đơn vị phải đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên, thống nhất, thực hiện hiệu quả các nội dung đã đề ra. Các hoạt động phải đảm bảo thiết thực, hiệu quả và tiết kiệm.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích