Công đoàn với công tác an toàn vệ sinh lao động
Triển khai có hiệu quả
Đã có rất nhiều vụ việc tại nạn lao động thương tâm, nghiêm trọng xảy ra. Nguyên nhân là do còn nhiều doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ, không tuân thủ quy định ATVSLĐ, vi phạm về công tác huấn luyện, khám sức khỏe định kỳ, trang bị bảo hộ lao động. Đồng thời, bản thân người lao động cũng chưa thực hiện nghiêm quy định ATVSLĐ…
Nhận thức rõ việc bảo đảm ATVSLĐ là lợi ích thiết thân nhất đối với đoàn viên, người lao động, trong Nghị quyết Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, ngay khâu đột phá đầu tiên, nêu rõ các yêu cầu cốt lõi, là đẩy mạnh đối thoại, thương lượng tập thể, trọng tâm là tiền lương, tiền thưởng, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, đảm bảo ATVSLĐ.
Đảm bảo ATVSLĐ là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu bảo vệ sức khoẻ người lao động, giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất. |
Công tác ATVSLĐ được tổ chức Công đoàn đặc biệt quan tâm và coi đó là nhiệm vụ quan trọng của tổ chức nhằm bảo vệ, bảo đảm an toàn, sức khỏe cho đoàn viên, người lao động.
Có mặt tại Công ty TNHH May mặc Able Việt Nam (KCN Phú Tài, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định), trong không khí lao động hăng say của hơn 200 người lao động, thì cách đó không xa có sẵn túi sơ cứu gồm 27 trang thiết bị, vật tư y tế theo phụ lục 4 thông tư số 19/2016/TT-BYT được trang bị chu đáo tại nơi làm việc.
Bà Bảo Đồng – Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH May mặc Able Việt Nam cho biết: Do tính chất công việc làm trong lĩnh vực may mặc, nên công tác ATVSLĐ luôn được công ty đặt lên hàng đầu. Định kỳ công ty đều tiến hành kiểm tra việc thực hiện ATVSLĐ tại các khu vực sản xuất, tổ chức khám sức khoẻ cho người lao động, tổ chức các buổi tuyên truyền về ATVSLĐ…
Theo bà Đồng, tai nạn lao động luôn rình rập, có thể xảy mọi lúc, mọi nơi nếu ngươi lao động chủ quan, thiếu ý thức chấp hành về ATVSLĐ. Điều đó cho thấy việc chấp hành nghiêm quy định ATVSLĐ trong sản xuất là rất quan trọng.
Chính vì vậy, mỗi cán bộ công đoàn tại Công ty đều nâng cao trách nhiệm, tự trang bị thêm nhiều kiến thức về ATVSLĐ để tham gia hiệu quả từ quá trình kiểm tra, giám sát, quy trình điều tra tai nạn lao động… nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Từ đó, kịp thời lên tiếng nếu nhìn thấy thiếu sót của người lao động, cán bộ quản lý, bảo đảm sản xuất an toàn với mục đích lợi ích của người lao động luôn được đặt lên hàng đầu.
Còn tại Công ty Cổ phần Cơ khí Vina Nha Trang (tại Cụm Công nghiệp Diên Phú, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa), là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cơ khí, chuyên chế tạo, lắp đặt dây chuyền thiết bị chế biến cà phê và nông sản tại thị trường trong nước và xuất khẩu. Công ty có khoảng 250 người lao động, trong đó 50% lao động thường xuyên công tác lắp đặt thiết bị tại các công trình trong và ngoài nước.
Đặc thù sản xuất cơ khí là công việc nặng nhọc, nguy hiểm, tiếp xúc với máy móc, tiếng ồn, rung chấn, nhiệt độ cao, bụi công nghiệp, thiếu ánh sáng… Đây là những yếu tố có hại đến sức khỏe người lao động, tiềm ẩn nguy cơ bệnh nghề nghiệp và tai nạn lao động.
Ông Lý Trọng Phúc – Phó Tổng giám đốc kiêm Chủ tịch Công đoàn cơ sở cho hay, trong nhiều năm qua công ty đã dành nhiều nguồn lực, vật lực để đầu tư cho công tác ATVSLĐ. Nhiều năm liền không để xảy ra tình trạng cháy nổ, tai nạn lao động nặng, hoặc sự cố chết người. Công ty được nhận Cờ thi đua về công tác ATVSLĐ của Bộ Lao động – Thương binh và xã hội; Bằng khen của Cục an toàn vệ sinh lao động; Bằng khen của UBND tỉnh Khánh Hòa về 10 năm chấp hành tốt pháp luật phòng cháy chữa cháy.
Nói về những phương pháp hay để thực hiện tốt ATVSLĐ, ông Phúc không ngần ngại chia sẻ: Công ty rất chú trọng công tác ATVSLĐ, trong đó trang bị kịp thời, đầy đủ trang phục, phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động. Định kì tổ chức khám sức khỏe sinh sản cho nữ; cải thiện chất lượng bữa ăn; cấp phát bồi dưỡng độc hại cho người lao động, huấn luyện kỹ năng sơ cấp cứu, đảm bảo thời gian làm việc; thành lập và duy trì tốt Mạng lưới an toàn vệ sinh viên gắn liền với các tổ/đội sản xuất…
“ATVSLĐ là một trong những nội dung chăm lo đoàn viên của tổ chức Công đoàn. Vì thế, việc thông tin đầy đủ, kịp thời những kiến thức về ATVSLĐ chính là điều Công đoàn cần đẩy mạnh nhằm giảm thiểu rủi ro có thể xảy ra đối với tính mạng, sức khỏe người lao động tại đơn vị. Tiếp tục khẳng định vai trò nòng cốt của tổ chức Công đoàn trong thực hiện nhiệm vụ đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động”, ông Phúc bày tỏ.
Tăng trách nhiệm của cán bộ Công đoàn cơ sở
Luật ATVSLĐ đã ban hành từ lâu, song thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp nhỏ vẫn chưa quan tâm đúng mức đến công tác bảo đảm điều kiện an toàn cho người lao động. Mặt khác, một số cán bộ Công đoàn cơ sở vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc nên chưa phát huy hết vai trò đại diện, bảo vệ người lao động trong công tác giám sát vấn đề này.
Thực trạng trên cho thấy tổ chức Công đoàn tại các địa phương cần có những phương án, giải pháp thiết thực hơn nữa nhằm tăng cường vai trò, trách nhiệm của cán bộ Công đoàn cơ sở, bởi không ai hiểu môi trường lao động của công nhân bằng cán bộ Công đoàn cơ sở. Bên cạnh đó, người lao động phải luôn nâng cao ý thức trong việc tự đánh giá nguy cơ rủi ro trước và trong quá trình lao động để phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Đội ngũ cán bộ Công đoàn cơ sở trong việc kiểm tra, giám sát ATVSLĐ phải có đủ năng lực, phẩm chất, có kiến thức toàn diện về các lĩnh vực, có bản lĩnh và mạnh dạn đấu tranh với các hành vi vi phạm của đơn vị sử dụng lao động, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Hương Thảo
Nguồn: Báo lao động thủ đô