Hà Nội: Công khai danh sách 18 công trình vi phạm phòng cháy chữa cháy do các Bộ, ngành đầu tư
(Xây dựng) – Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn vừa ký ban hành Văn bản số 3060/UBND-NC về việc khắc phục một số công trình chưa được nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy (PCCC) đã đưa vào hoạt động trên địa bàn.
Một phần danh sách các công trình vi phạm phòng cháy chữa cháy Thành phố Hà Nội vừa công khai. |
Theo đó, Công văn được gửi đến một số Bộ, ngành, đơn vị có liên quan với nội dung: Thời gian qua, UBND Thành phố đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo kiên quyết xử lý các công trình đưa vào hoạt động khi chưa được nghiệm thu về PCCC, trọng tâm là: Kế hoạch số 151/KH-UBND ngày 18/6/2021 của UBND Thành phố về khắc phục tồn tại, xử lý vi phạm các công trình chưa được nghiệm thu về PCCC đã đưa vào hoạt động trên địa bàn Thành phố; Chỉ thị số 14/CT-UBND ngày 25/8/2022 của UBND Thành phố về tăng cường công tác chỉ đạo khắc phục tồn tại, xử lý vi phạm các công trình chưa được nghiệm thu về PCCC đã đưa vào hoạt động và các công trình xây dựng không phép, trái phép.
Đồng thời, UBND Thành phố Hà Nội đã chỉ đạo Công an Thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp xử lý: Tổ chức làm việc với 100% các chủ đầu tư của công trình vi phạm (có mời các đơn vị chức năng có liên quan cùng tham gia) để họp bàn, thống nhất biện pháp, giải pháp thực hiện; yêu cầu chủ đầu tư cam kết lộ trình, thời gian, tiến độ để từng bước khắc phục đối với từng nội dung tồn tại, vi phạm cụ thể; Đăng tải công khai tên chủ đầu tư công trình chưa nghiệm thu về PCCC đã đưa vào hoạt động trên phương tiện thông tin đại chúng.
Kiên quyết xử phạt vi phạm hành chính, tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động; Phối hợp với Tổng Công ty Điện lực Thành phố, Công ty TNHH MTV Nước sạch Thành phố và các đơn vị cung cấp nước, căn cứ các quy định của pháp luật có liên quan, nghiên cứu dừng cấp điện, cấp nước đối với công trình vi phạm…
Trong danh sách Thành phố Hà Nội vừa công bố, đứng đầu là Cục Đường thủy nội địa Việt Nam do Bộ Giao thông vận tải làm chủ đầu tư. Tiếp đến là 3 công trình, trụ sở do Bộ Công Thương đầu tư xây dựng. Trong danh sách này, Bộ Y tế cũng góp mặt 5 công trình như Bệnh viện Lão khoa Trung ương, Trung tâm Chẩn đoán thú y Trung ương, Nhà tạm K – Bệnh viện Phụ Sản Trung ương, Nhà B5, nhà E Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương (hạng mục tầng hầm, tầng 2). Một Bộ khác là Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng tồn tại 2 dự án vi phạm là Trường Cao đẳng Cộng Đồng và Trường Đại học Sư phạm Thể dục thể thao Hà Nội.
Chính quyền Thủ đô cho biết, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo xử lý dứt điểm các công trình đưa vào hoạt động khi chưa được nghiệm thu về PCCC. Gần đây nhất là Kết luận chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá kết quả 10 tháng thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 03/1/2023 về tăng cường công tác PCCC trong tình hình mới, trong đó chỉ đạo: “Giải quyết dứt điểm toàn bộ các công trình hiện hữu vi phạm về PCCC, chưa thẩm duyệt nghiệm thu hoặc phát sinh công trình chưa được thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC đã được đưa vào sử dụng trên địa bàn quản lý, hoàn thành trong tháng 6/2024”.
Tuy nhiên qua theo dõi, nhận thấy tiến độ khắc phục của các công trình vi phạm còn chậm. Để thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND Thành phố Hà Nội đề nghị các đơn vị quan tâm chỉ đạo thực hiện, đảm bảo các công trình được hoạt động theo đúng quy định của pháp luật.
Nguồn: Báo xây dựng