TCVN 8710-27:2023 về chẩn đoán bệnh do vi rút Tilapia lake ở cá rô phi để hạn chế thiệt hại
Nuôi cá rô phi là một trong những nghề phát triển nhanh nhất và mang lại lợi nhuận cao trong ngành nuôi trồng thủy sản. Do có hàm lượng protein cao, kích thước lớn, tốc độ tăng trưởng nhanh và được sự ưa chuộng của người tiêu dùng, nghề nuôi cá rô phi đã tăng tốc rất đáng kể trong thời gian gần đây. Ngoài giá trị thực phẩm, cá rô phi còn được sử dụng để kiểm soát tảo và ấu trùng muỗi trong môi trường nước. Tuy nhiên, việc tăng cường phát triển các hệ thống nuôi đang khiến chúng dễ bị nhiễm các mầm bệnh mới hơn, trong đó phải nói tới loại vi rút Tilapia lake.
Vi rút Tilapia lake là một vi rút mới có nhân ARN sợi đơn âm có kích thước bộ gen là 10.3kb, thuộc họ với Orthomyxovirus và có 10 phân đoạn mã hóa 10 protein, có đường kính từ 55 đến 100nm. Cá mắc bệnh có biểu hiện bỏ ăn, màu sắc cơ thể biến đổi (sẫm màu), mắt teo hoặc lồi, lở loét trên da, mang tái nhợt, hậu môn và xoang bụng phình to, vảy dựng, bong tróc và đuôi bị ăn mòn.
Virus này xuất hiện rộng rãi tại khắp các khu vực nhiệt đới trên thế giới từ châu Mỹ đến châu Á và châu Phi, gây ra mối đe dọa đáng kể đối với nghề nuôi cá rô phi. Đa số các loài cá rô phi xanh, cá rô phi vằn hay cá điêu hồng đều được báo cáo là bị ảnh hưởng gây tử vong lên đến 90%. Vì vậy trường hợp cá rô phi mang bệnh này sẽ gây ra nhiều thiệt hại cho người chăn nuôi thủy sản.
Để giúp người chăn nuôi thủy sản hạn chế được những thiệt hại do bệnh này gây ra, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 8710-27:2023 về đặc điểm dịch tễ bệnh do vi rút Tilapia lake ở cá rô phi nhằm đưa ra các quy trình chẩn đoán bệnh do vi rút gây ra ở cá rô phi.
Tiêu chuẩn hướng dẫn, trước tiên cần dùng thuốc thử loại tinh khiết phân tích, sử dụng nước cất, nước khử khoáng hoặc nước có độ tinh khiết tương đương, trừ các trường hợp có quy định khác.
Cá rô phi mắc bệnh do vi rút gây thiệt hại nặng nề cho các hệ thống nuôi trồng thủy sản. Ảnh minh họa
Khi thực hiện lấy mẫu nên sử dụng thiết bị, dụng cụ thông thường của phòng thử nghiệm sinh học và những thiết bị, dụng cụ như tủ lạnh, có thể duy trì ở nhiệt độ từ 2°C đến 8°C, tủ lạnh âm sâu duy trì ở nhiệt độ từ âm 20°C tới âm 80°C. Buồng cấy an toàn sinh học cấp 2. Ống đong, dung tích 100 mL, 500 mL, 1000 mL. Máy ly tâm, có thể hoạt động với gia tốc 2 000 g đến 4 000 g và gia tốc 12 000 g. Máy nghiền mẫu, cân phân tích, có thể cân chính xác đến 0,1 mg. Lọ dụng cụ chứa mẫu, kín, có nắp đậy, không rò rỉ, vô trùng. Panh, kéo, vô trùng. Máy ủ nhiệt từ 0°C đến 100°C. Máy nhân gen PCR, máy realtime PCR, máy lắc trộn Vortex, máy đọc sản phẩm PCR. Khay đựng đá lạnh. Bộ khuôn và lược đổ thạch. Bộ điện di, gồm bộ nguồn và bể chạy điện di.
Về chẩn đoán lâm sàng đặc điểm dịch tễ, có rất nhiều loài cá rô phi bị nhiễm. Tất cả các giai đoạn sống của cá rô phi, trứng đã thụ tinh, ấu trùng túi noãn hoàng, cá bột, cá giống và cá trưởng thành đều dễ bị nhiễm Tilapia lake.
Loại vi rút này thường lây truyền theo chiều ngang như từ cá bệnh sang cá khỏe trong cùng lồng/ao nuôi, từ nguồn nước, dụng cụ nuôi, dụng cụ cho ăn, dịch nhớt, phân của cá bệnh sang cá khỏe trong ao. Mầm bệnh cũng có thể tồn tại ở nhớt cá, gan và ruột cá trong vòng hai tuần. Khi có cá bị nhiễm vi rút này thì khả năng lây lan trong quần đàn là rất lớn, đặc biệt với các mô hình nuôi cá rô phi với mật độ cao. Bệnh thường xảy ra ở khoảng nhiệt độ từ 20°C đến 30°C và khi có hiện tượng sốc môi trường như nhiệt độ, độ mặn.
Dấu hiệu nhận biết khi cá mắc bệnh đó là bỏ ăn, màu sắc cơ thể biến đổi như da cá sẫm màu hơn. Cá bơi lờ đờ, ngừng kéo đàn, hôn mê trước khi chết. Da cá bị ăn mòn lở loét từ dạng điểm đến mảng; mắt bị teo hoặc lồi ra, có hiện tượng đục thủy tinh thể; vẩy dựng lên, bong tróc, hậu môn phình to và đuôi bị ăn mòn. Mang và gan cá nhợt nhạt, xuất huyết da, xoang bụng và hậu môn phình to có chứa nhiều dịch, não có hiện tượng xung huyết, xuất huyết. Bụng chướng và có nhiều dịch lỏng bên trong.
Ngoài ra tiêu chuẩn này cũng hướng dẫn việc chẩn đoán bệnh trong phòng thí nghiệm bằng cách lấy mẫu cá có kích thước < 4 cm cần lấy nguyên con, từ 10 con đến 15 con. Cá có kích thước từ 4 cm đến 6 cm lấy nguyên con, từ 5 con đến 10 con. Cá có kích thước > 6 cm lấy nguyên con, từ 3 con đến 5 con hoặc lấy não, gan, thận, lách, tim, mắt, mang của từ 3 đến 5 con. Cá bố mẹ lấy máu, trứng hoặc sẹ (bằng que thăm trứng hoặc sẹ) của từ 1 đến 3 con… Mẫu bệnh phẩm phải được lấy vô trùng và để riêng biệt trong lọ dụng cụ đựng mẫu.
Nên bảo quản mẫu ở nhiệt độ từ 2°C đến 8°C không quá 48 h từ khi lẩy mẫu đến khi vận chuyển về phòng thí nghiệm. Sau đó nên dùng các phương pháp Semi nested RT – PCR khuếch đại đoạn gen đặc hiệu của vi rút, phương pháp điện di, phương pháp realtime RT – PCR khuếch đại đoạn gen đặc hiệu của vi rút sử dụng cặp mồi.
Cá được xác định mắc bệnh do vi rút Tilapia lake có những đặc điểm dịch tễ, triệu chứng lâm sàng, bệnh tích đặc trưng của bệnh và có kết quả dương tính bằng phương pháp Semi nested RT- PCR hoặc có kết quả dương tính bằng phương pháp realtime RT- PCR.
Cho đến nay, vẫn chưa có biện pháp điều trị hiệu quả nào được phát hiện để kiểm soát loài vi rút này. Do đó, lựa chọn duy nhất là tuân thủ các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh hợp lý bao gồm thực hành nuôi tốt, quản lý chất lượng nước tốt, dinh dưỡng và vệ sinh. Phải sử dụng giống khỏe mạnh và có nguồn gốc rõ ràng. Ngoài ra, nên tránh nhập cá rô phi từ những nơi dễ bị nhiễm bệnh, để hạn chế sự di chuyển của vi rút từ những nơi bị nhiễm sang những vùng chưa bị nhiễm.
An Dương