Bài 2: Đâu là “đòn bẩy” để Côn Đảo thành điểm đến Net zero?
(Xây dựng) – Việc xây dựng Côn Đảo thành điểm đến Net zero được xem là “đòn bẩy” để tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu thúc đẩy mục tiêu phát triển du lịch xanh, bền vững, giảm thiểu những ảnh hưởng tiêu cực đến cảnh quan thiên nhiên cũng như nâng cao chất lượng trải nghiệm của du khách.
Côn Đảo đang trong quá trình xây dựng điểm đến Net zero |
Côn Đảo – điểm đến Net zero tiếp theo?
Thống kê của ngành Du lịch Bà Rịa-Vũng Tàu cho thấy, 6 tháng đầu năm 2024, trên 396.000 lượt du khách đã đến với Côn Đảo, (tăng 102,74% so với cùng kỳ). Du lịch mang lại doanh thu hơn 1.500 tỷ đồng cho địa phương – một con số khá ấn tượng khi mà ngành Công nghiệp không khói đang bị ảnh hưởng lớn của suy thoái kinh tế.
Khách du lịch đến Côn Đảo tăng theo thời gian. |
Trên bản đồ du lịch, Côn Đảo vẫn luôn là điểm đến hấp dẫn với nhiều du khách. Chị Nguyễn Thảo Trang, du khách đến từ Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, đã đi du lịch Côn Đảo 2 lần. Mỗi lần đến đây đều cảm nhận được sự tươi xanh, bình yên và không khí trong lành hiếm nơi nào có được.
“Khi mà có nhiều lựa chọn về điểm đến xanh, tôi vẫn xem Côn Đảo là sự ưu tiên. Ở đây thiên nhiên vẫn còn nhiều nét hoang sơ, không khí mát lành. Theo tôi, xanh và sạch là những “tài sản quý” mà Côn Đảo cần phải gìn giữ khi phát triển du lịch”, chị Nguyễn Thảo Trang nói.
Cũng giống như chị Nguyễn Thảo Trang, phần lớn du khách khi đến Côn Đảo đều chung cảm nhận về sự hoang sơ, xanh mát của thiên nhiên. Đây cũng chính là “đòn bẩy” thuận lợi để Côn Đảo có điều kiện hiện thực hóa phát triển du lịch xanh, bền vững.
Khách du lịch ngày càng quan tâm hơn đến các tour trải nghiệm, sinh thái tại Côn Đảo. |
Theo Phó Chủ tịch Hội Du lịch Côn Đảo Chu Hồng Minh, hiện nay có khá nhiều đơn vị lữ hành mở các tuyến du lịch trên địa bàn với nhiều sản phẩm đa dạng từ tham quan di tích lịch sử đến sinh thái, trải nghiệm…
Đặc biệt, một số tour du lịch trải nghiệm, sinh thái được du khách quan tâm, vì tuyến du lịch này vừa được ngắm cảnh quan thiên nhiên vừa được trải nghiệm các hoạt động thực tế gắn liền với bảo tồn thiên nhiên như: Xem rùa đẻ vào ban đêm, thả rùa con về biển, trồng cây xanh, tham gia thu gom rác thải nhựa đại dương…
Nhờ sự vào cuộc quyết liệt, bài bản, du lịch Côn Đảo đang có những bước tiến đáng kể trong việc hướng đến bảo tồn các giá trị của thiên nhiên ban tặng. Ngoài ra những chính sách về phát triển du lịch xanh cũng đã từng bước đưa Côn Đảo trở thành điểm đến xanh, điểm đến Net zero.
Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Côn Đảo Lê Văn Phong cho biết, địa phương rất lưu tâm đến tiến trình xây dựng điểm đến du lịch Net zero. Và để đạt được mục tiêu đó, điều quan trọng là phải nâng cao nhận thức, ý thức của những người có liên quan tham gia trong hệ sinh thái du lịch. Đó là chính quyền, người dân, du khách, những người làm du lịch, các cơ sở lưu trú về du lịch. Đặc biệt là đề án kinh tế tuần hoàn trên địa bàn vừa được tỉnh thông qua sẽ là tiền đề quan trọng để Côn Đảo sớm thành điểm đến Net zero.
Phát triển phải đi đôi với bảo tồn
Côn Đảo đã và đang trong tiến trình hướng đến du lịch xanh, bền vững. Tuy nhiên, điểm đến này cũng đang đứng trước những khó khăn, thách thức khi mà lượng du khách đến đây tăng theo thời gian. Tác động của biến đổi khí hậu cùng với những vấn đề như nước sinh hoạt, rác thải nhựa, xử lý rác thải, năng lượng, hệ sinh thái quanh đảo bị tác động được xem là những nguy cơ hiện hữu trước mắt mà địa phương phải đối mặt.
Côn Đảo đứng trước những thách thức của biến đổi khí hậu trong quá trình xây dựng điểm đến Net zero. |
Giống như nhiều hòn đảo khác, thời gian qua, Côn Đảo đã phải chịu nhiều tác động nghiêm trọng từ rác thải nhựa đại dương, đặc biệt là tại các khu vực rừng ngập mặn, các bãi đá, rạn san hô. Trước thực tế đó, UBND huyện Côn Đảo cùng với Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF-Việt Nam) đã ký cam kết phối hợp thực hiện chương trình “Côn Đảo – Điểm đến giảm nhựa” với mục tiêu đến năm 2025 giảm 30% lượng rác thải nhựa thất thoát ra ngoài môi trường. Hoạt động này cũng đã đánh dấu việc Côn Đảo trở thành địa phương thứ 9 của nước ta tham gia vào chương trình “Đô thị giảm nhựa toàn cầu” của WWF.
Những thông điệp về du lịch xanh, bền vững tại Côn Đảo đã được người dân, doanh nghiệp, du khách biết đến nhiều hơn. Điển hình như việc Ban Quản lý khu du lịch quốc gia Côn Đảo đã triển khai một số chương trình tuyên truyền, vận động các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch tham gia “Tuần lễ giảm nhựa”; phối hợp với WWF-Việt Nam dán poster và phát sổ tay “Giảm nhựa khi du lịch ở Côn Đảo” đến các cơ sở kinh doanh dịch vụ lữ hành, khách sạn, khu du lịch nghỉ dưỡng, nhà hàng, quán ăn…
Trước đó, lãnh đạo huyện Côn Đảo cũng đã đề xuất ban hành các cơ chế chính sách đặc thù cho địa phương để hỗ trợ việc phát triển thị trường trao đổi sản phẩm phục vụ việc chuyển đổi sản phẩm rác thải thành tài nguyên tái chế trong hệ thống vòng kín của chu trình sản xuất mới.
Trong đó, đề xuất xây dựng lộ trình thay thế việc sử dụng nhiên liệu và sản phẩm gây hại cho môi trường bằng các nguồn năng lượng và sản phẩm thân thiện, giảm sử dụng các sản phẩm dùng một lần (như nhựa, túi ni lông) thông qua việc xây dựng các quy chế đặc thù.
Xe điện được xem là giải pháp giao thông an toàn, thân thiện với môi trường, phù hợp tiến trình xây dựng điểm đến Net zero ở Côn Đảo. |
Về phía tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, địa phương cũng xác định Côn Đảo sẽ là điểm đến Net zero, chính vì vậy, tỉnh đã triển khai đề án “Kinh tế tuần hoàn và phát triển kinh tế – xã hội bền vững huyện Côn Đảo giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030”. Theo nhiều chuyên gia, đây sẽ là “đòn bẩy” quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch xanh Côn Đảo. Và một trong những vấn đề được quan tâm nhất chính là việc cân bằng giữa phát triển kinh tế – xã hội và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, phát huy tối đa các giá trị tự nhiên, tạo động lực xanh thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội bền vững.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Đặng Minh Thông, đề án khi thực hiện sẽ giải quyết hiệu quả các mục tiêu về môi trường, năng lượng, từng bước góp phần xây dựng nền tảng thể chế, cơ sở hạ tầng và nguồn lực xã hội, hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế bền vững.
Đề án khi thực hiện sẽ được triển khai thông qua 6 nhóm giải pháp gồm: Giáo dục nhận thức về kinh tế tuần hoàn, giảm thiểu rác thải, không rác thải nhựa, tuần hoàn nước, phát triển giao thông xanh và sử dụng hiệu quả năng lượng, bảo tồn đa dạng sinh học, du lịch bền vững gắn với áp dụng kinh tế tuần hoàn, với lộ trình triển khai qua hai giai đoạn 2022-2025 và 2026-2030.
Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Trịnh Hàng khẳng định, du lịch Net zero không chỉ là xu hướng mà còn là mục tiêu cần thiết để bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Theo Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, đề án kinh tế tuần hoàn cho du lịch Côn Đảo đã được tỉnh thông qua, đây được xem là giải pháp để phát huy các thế mạnh cũng như giải quyết các thách thức của Côn Đảo, hiện thực hóa mục tiêu hài hòa giữa môi trường sinh thái và phát triển kinh tế bền vững.
“Sự hợp tác giữa chính quyền địa phương, doanh nghiệp và cộng đồng đóng vai trò quan trọng trong việc hiện thực hóa mục tiêu này. Khi hướng tới một mô hình du lịch bền vững, Bà Rịa-Vũng Tàu không chỉ bảo tồn vẻ đẹp tự nhiên mà còn tạo ra những trải nghiệm du lịch độc đáo và ý nghĩa cho du khách”, ông Trịnh Hàng nói.
Bà Rịa-Vũng Tàu có chỉ số xanh cấp tỉnh nằm trong Top 10 cả nước
Tại hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa-Vũng Tàu Phạm Viết Thanh khẳng định, đến năm 2050, tỉnh này sẽ đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng “0” (Net zero) theo cam kết của Chính phủ Việt Nam tại hội nghị quốc tế về biến đổi khí hậu COP26. Và thực tế cho thấy, sau 2 năm áp dụng, đánh giá chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI), tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu liên tục duy trì thứ hạng cao và ổn định. Cụ thể, năm 2022, địa phương này xếp hạng thứ 19 thì đến năm 2023 đã leo lên vị trí thứ 8. Đây là sự khẳng định của tỉnh này trong nỗ lực theo đuổi mục tiêu phát triển xanh, bền vững. Để đạt được thứ hạng này, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã mạnh dạn thực hiện mục tiêu thu hút đầu tư có chọn lọc, không đánh đổi môi trường lấy kinh tế. Đây cũng là địa phương “dám” từ chối các dự án lên đến hàng tỷ đô la Mỹ nếu quá trình đánh giá thấy có nguy cơ tác động xấu đến môi trường cũng như không đảm bảo yếu tố bền vững. |
Bài dự thi viết về Công trình xanh Việt Nam năm 2024 do Báo Xây dựng phát động. Ban tổ chức cuộc thi không trả nhuận bút các bài dự thi. Tác giả chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực và bản quyền bài viết. |
Nguồn: Báo xây dựng