Tìm hướng đi cho ngành sản xuất mía đường
(Xây dựng) – Gần 200 đại biểu đến từ Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan, Cộng hòa Fiji, Philipipines, Mỹ, Việt Nam đã hội tụ về Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE), thành phố Quy Nhơn (Bình Định) tham dự Hội nghị ngành Đường quốc tế IAPSIT lần thứ 8 và Sugarcon 2024 diễn ra từ ngày 16 – 19/9.
Quang cảnh Hội nghị. |
Hội nghị ngành Đường quốc tế IAPSIT lần thứ 8 và Sugarcon 2024 do Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam, Trung tâm ICISE phối hợp cùng Hiệp hội Quốc tế về ngành Đường và Công nghệ Mía Đường (IAPSIT), Hiệp hội Nghiên cứu và Xúc tiến ngành Đường (SSRP) tổ chức. Đây là sự kiện diễn ra trong khuôn khổ các sự kiện khoa học nằm trong chương trình “Gặp gỡ Việt Nam” lần thứ 20.
Theo báo cáo tại Hội nghị, nông nghiệp là một phần quan trọng trong cuộc sống của các quốc gia ASEAN, với 8/10 quốc gia trong khu vực phụ thuộc vào nông nghiệp và các hoạt động liên quan. Mía đường là một trong những cây trồng quan trọng ở khu vực này, chiếm gần 2,8 triệu ha và đóng vai trò quan trọng trong thương mại đường toàn cầu, đóng góp khoảng 10% sản lượng đường thế giới. Sản lượng đường ước tính từ khu vực này là hơn 17 triệu tấn hàng năm. Khối lượng nhập khẩu hàng năm qua các quốc gia ASEAN thường dao động từ 5 đến 6 triệu tấn, trong đó đường mía là mặt hàng đường chính được giao dịch quốc tế từ khu vực này.
Tiến sĩ Solomon, Chủ tịch Hiệp hội nghiên cứu và Xúc tiến ngành Đường (SSRP) phát biểu tại Hội nghị. |
Phát biểu tại Hội nghị, Tiến sĩ Solomon, Chủ tịch Hiệp hội nghiên cứu và Xúc tiến ngành Đường (SSRP) bày tỏ vui mừng khi Chính phủ Việt Nam đã triển khai chỉ đạo để cải thiện năng lực cạnh tranh của ngành Đường địa phương nhằm hòa nhập vào nền kinh tế quốc tế và tái sinh ngành Đường. Đồng thời cho biết, khu vực ASEAN có tiềm năng lớn để sản xuất mía đường và năng lượng xanh, nếu có những đổi mới công nghệ và chính sách chủ động để làm mới ngành này.
Theo tiến sĩ Solomon, dù có điều kiện thuận lợi, năng suất mía, sản lượng đường và tình trạng chung của ngành Đường ở các quốc gia này vẫn đối mặt với những thách thức cụ thể theo từng khu vực. Giống như hầu hết các quốc gia đang phát triển trồng mía, các trang trại mía ở khu vực ASEAN thường là các hộ gia đình nhỏ, phụ thuộc vào mưa, thu hoạch thủ công, với mức đầu tư và năng suất cây trồng tương đối thấp, khoảng 55-65 tấn/ha/năm, thấp hơn mức trung bình toàn cầu. Sản xuất mía ở các quốc gia ASEAN đã bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu như hiện tượng El Nino trong những năm qua. Chính phủ của các quốc gia ASEAN đang thực hiện các sáng kiến để vượt qua những thách thức này.
“Việc tổ chức Hội nghị ngành Đường quốc tế là một nỗ lực nhỏ nhằm thiết lập sự hợp tác công nghệ sâu rộng với ngành Đường. Các sáng kiến này sẽ thúc đẩy phát triển các giống cây trồng phù hợp với từng địa phương, hệ thống canh tác chịu khí hậu, cơ giới hóa phù hợp và tăng cường năng suất cây mía trong điều kiện khí hậu thay đổi”, Tiến sĩ Solomon cho hay.
Hội nghị quy tụ các nhà quản lý cấp cao, các nhà nghiên cứu, nhà cung cấp công nghệ, các chuyên gia phát triển mía, các hiệp hội nông dân trồng mía, và các nhà hoạch định chính sách từ hơn 10 quốc gia. |
Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận các giải pháp khai thác tiềm năng đổi mới công nghệ trong các lĩnh vực như năng lượng sinh học, thu hoạch xanh, lưu trữ carbon, giống cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu, và công nghệ nông nghiệp 4.0. Bên cạnh đó, các giải pháp công nghệ về quản lý nước, tái chế hơi nước, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, và nâng cao giá trị từ sinh khối như cellulose, lignin, mật rỉ, CO2; Sản xuất nhiên liệu sinh học từ cellulose, công nghệ pin nhiên liệu hydro, và nhiên liệu hàng không… cũng đã được các đại biểu đưa ra bàn luận, xem xét nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế ít carbon.
Cũng tại Hội nghị, các đại biểu đã đề xuất mô hình nhà máy lọc sinh học (bio-refinery), đây là một hướng đi bền vững cho ngành Công nghiệp đường. Mô hình này sẽ tạo ra các sản phẩm có giá trị cao hơn từ mía và phụ phẩm, đồng thời thúc đẩy sự chuyển đổi sang nền kinh tế sinh học toàn cầu, mở ra cơ hội thị trường mới cho ngành Đường. Sự phát triển của các công nghệ và kiến thức mới sẽ giúp tăng cường năng suất, lợi nhuận, khả năng cạnh tranh và bền vững cho ngành.
Được biết, ngành Công nghiệp đường bao gồm sản xuất, chế biến và tiếp thị các sản phẩm đường, chủ yếu từ cây mía và củ cải đường, trong đó cây mía chiếm gần 80% sản lượng toàn cầu. Mía cũng được coi là một trong những nguồn sinh khối hiệu quả nhất để sản xuất nhiên liệu sinh học. Tuy nhiên, quá trình sản xuất và chế biến đường đang đối mặt với nhiều thách thức về môi trường và xã hội.
Các đại biểu chụp hình lưu niệm. |
Đặc biệt, ngành Công nghiệp đường toàn cầu đang phải đối mặt với những thách thức lớn về chi phí sản xuất, biến đổi khí hậu, và các vấn đề sinh học cũng như phi sinh học. Các thay đổi về mô hình sản xuất và tiêu thụ đường càng làm gia tăng áp lực cạnh tranh. Đại dịch Covid-19 và các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu đã tác động đến sản xuất, tiêu thụ và thương mại đường trên toàn thế giới. Tuy nhiên, ngành Công nghiệp này vẫn có tiềm năng đóng góp đáng kể vào việc phát triển bền vững và toàn diện. Hiện các bên liên quan, từ nông dân, nhà sản xuất đến Công ty năng lượng và thực phẩm, đang tìm kiếm các giải pháp để giải quyết những vấn đề liên quan đến sản xuất đường, nhiên liệu sinh học và phát triển bền vững.
Hội nghị ngành Đường quốc tế IAPSIT lần thứ 8 và Sugarcon 2024 được tổ chức lần này là cơ hội để các nhà nghiên cứu, chuyên gia công nghệ, nhà quản lý, nhà sản xuất và nông dân tiên tiến từ khắp nơi trên thế giới được chia sẻ các quan điểm và kinh nghiệm về các vấn đề toàn cầu. Bên cạnh đó, còn tạo ra những sáng kiến phát triển bền vững và lợi nhuận cho ngành mía đường, củ cải đường và các ngành công nghiệp tích hợp, đặc biệt là trong khu vực ASEAN.
Tại Việt Nam, theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), vụ ép mía 2023-2024 dự kiến còn 25 nhà máy đường hoạt động với công suất thiết kế là 122.200 tấn mía/ngày.
Theo báo cáo từ các nhà máy này, sản lượng mục tiêu niên vụ 2023-2024 dự kiến sẽ tăng trưởng so với niên vụ trước. Cụ thể, diện tích mía thu hoạch ước đạt 159,159 ha (tăng 12% so với cùng kỳ), sản lượng mía chế biến đạt hơn 10.9 triệu tấn (tăng 13%), sản xuất hơn 1 triệu tấn đường các loại (tăng 10%). Sản lượng và diện tích mía gia tăng nhờ giá thu mua mía ổn định với mức 1,1 – 1,3 triệu đồng/ tấn. Mức giá này tương đương so với các nước trong khu vực, giúp nông dân yên tâm mở rộng vùng nguyên liệu và ngăn chặn tình trạng mất giá sau vụ thu hoạch. Đầu năm 2024, gian lận thương mại đường đã nhập khẩu diễn ra liên tục tại Việt Nam với con số ghi nhận lên đến hàng trăm tấn đường lậu, chủ yếu từ Thái Lan. Mặc dù đã có sự tăng cường kiểm soát, song các đối tượng hoạt động phức tạp và tinh vi, gây khó khăn trong việc ngăn chặn đường nhập lậu. Điều này gây khó khăn cho nguồn đầu ra làm tăng lượng tồn kho, thiệt hại chuỗi liên kết sản xuất của doanh nghiệp và nông dân trồng mía. Ngoài ra, đường lậu còn gây thất thu thuế, tạo lực cản kìm hãm tốc độ phát triển của sản xuất mía đường trong nước. |
Nguồn: Báo xây dựng