Cà Mau: Xử phạt Công ty Thuận Đức do xả chất thải chưa qua xử lý

Theo UBND tỉnh Cà Mau, Công ty Thuận Đức đã có các hành vi vi phạm sau: không vận hành hệ thống xử lý chất thải; lắp đặt đường ống để xả chất thải không qua xử lý ra môi trường; xả nước thải có chứa các thông số môi trường thông thường vào môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải.

Căn cứ các vi phạm trên, UBND tỉnh Cà Mau quyết định xử phạt Công ty Thuận Đức số tiền 370 triệu đồng do vi phạm không vận hành đối với công trình xử lý chất thải, quy định tại điểm g khoản 2 Điều 11 Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 07/7/2022 của Chính phủ; xử phạt 900 triệu đồng do vi phạm việc lắp đặt đường thải khác để xả chất thải không qua xử lý ra môi trường, quy định tại điểm h khoản 2 Điều 11 Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 07/7/2022 của Chính phủ; xử phạt trên 925 triệu đồng do vi phạm việc xả nước thải có chứa các thông số môi trường thông thường vào môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 10 lần trở lên trong trường hợp thải lượng nước thải từ 40 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 60 m3/ngày (24 giờ) (54,6 m3/ngày) và xả nước thải có thêm 7 thông số môi trường thông thường vượt quy chuẩn kỹ thuật, quy định tại khoản 3 Điều 7, điểm đ khoản 6 và khoản 7 Điều 18 Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 07/7/2022 của Chính phủ.

Trụ sở Công ty TNHH Thương mại xuất nhập khẩu Thuận Đức.

Ngoài ra, Công ty Thuận Đức còn bị áp dụng hình thức phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép môi trường số 36/GPMT-UBND ngày 20/11/2023 do UBND tỉnh Cà Mau cấp phép với thời hạn 4,5 tháng để khắc phục vi phạm; buộc Công ty Thuận Đức phá dỡ đường ống xây lắp trái quy định về bảo vệ môi trường để xả chất thải không qua xử lý ra môi trường. Buộc Công ty Thuận Đức phải thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường và báo cáo kết quả đã khắc phục xong hậu quả vi phạm trong thời hạn 30 ngày khi nhận quyết định xử phạt.

Hiện, UBND tỉnh Cà Mau đang xem xét hình thức nộp phạt dần từ yêu cầu của phía Công ty Thuận Đức.

Được biết, Công ty TNHH Thương mại xuất nhập khẩu Thuận Đức (Công ty Thuận Đức) có ngành nghề chế biến, sản xuất và xuất khẩu thuỷ sản, do do ông Miao Sheng Zhuang, quốc tịch Trung Quốc làm giám đốc. Công ty có trụ sở tại ấp Năm Đảm (xã Lương Thế Trân, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau).

Với tính chất và thành phần phức tạp, nước thải công nghiệp chứa nhiều thành phần nguy hại như các hợp chất hữu cơ, kim loại nặng… Nếu không được xử lý triệt để trước khi thải ra ngoài môi trường, nước thải công nghiệp có thể tác động xấu đến sức khỏe con người, ô nhiễm môi trường. Do đó, Bộ Tài nguyên & Môi trường đã ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước thải công nghiệp.

QCVN 40:2011/BTNMT quy định giá trị tối đa cho phép của các thông số ô nhiễm trong nước thải công nghiệp khi xả ra nguồn tiếp nhận nước thải, áp dụng đối với tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động xả nước thải công nghiệp ra nguồn tiếp nhận nước thải. Nước thải công nghiệp của một số ngành đặc thù được áp dụng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia riêng. Nước thải công nghiệp xả vào hệ thống thoát nước đô thị, khu dân cư chưa có nhà máy xử lý nước thải tập trung có quy định cụ thể trong QCVN. Đáng chú ý có Asen là 0,05 mg/l; Thuỷ ngân không quá 0,005 mg/l; Tổng xianua không được phép vượt 0,07 mg/l; Chì 0,1 mg/l…

Quy chuẩn này áp dụng thay thế QCVN 24:2009/BTNMT – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp ban hành kèm theo Thông tư số 25/2009/TT-BTNMT ngày 16 tháng 11 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường. Cơ quan quản lý nhà nước về môi trường căn cứ vào đặc điểm, tính chất của nước thải công nghiệp và mục đích sử dụng của nguồn tiếp nhận để lựa chọn các thông số ô nhiễm đặc trưng và giá trị cơ bản trong việc kiểm soát ô nhiễm môi trường.

 Bảo Linh (t/h)

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích