Vĩnh Phúc cần làm gì để lấy lại “vị thế” là tỉnh phát triển mạnh các khu công nghiệp?

(Xây dựng) – Vĩnh Phúc từng được biết đến là “điểm sáng” của cả nước về thu hút đầu tư. Tuy nhiên, nhiều lợi thế trong giai đoạn trước đây của Vĩnh Phúc hiện bị thu hẹp trong bối cảnh các địa phương trong vùng và lân cận có điều kiện phát triển tương đồng vươn lên mạnh mẽ, từ đó đặt ra những thách thức mới cho tỉnh. Vì vậy, Vĩnh Phúc cần có chính sách, giải pháp cụ thể để phát triển bền vững các khu công nghiệp (KCN) trong giai đoạn mới.

Vĩnh Phúc cần làm gì để lấy lại “vị thế” là tỉnh phát triển mạnh các khu công nghiệp?
Một góc KCN Kim Hoa (Phúc Yên).

Thực trạng phát triển các KCN trên địa bàn tỉnh

Vĩnh Phúc được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển 19 KCN với tổng diện tích 5.487,31ha. Tính hết tháng 8/2024, trên địa bàn tỉnh có 17 KCN được thành lập, tổng diện tích 3.162,6ha, tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 23.300 tỷ đồng; vốn đầu tư đã thực hiện khoảng 8.800 tỷ đồng.

Trong đó, có 9 KCN đã đi vào hoạt động; 3 KCN đã được giao đất đang triển khai xây dựng; 5 KCN chưa được giao đất. Tỷ lệ lấp đầy các KCN đã đi vào hoạt động ở mức cao (Khai Quang, Kim Hoa tỷ lệ lấp đầy đạt 100%, Thăng Long Vĩnh Phúc đạt 92%).

Những năm qua, cùng với các chính sách ưu đãi riêng của tỉnh, sự đầu tư bài bản, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật của các nhà đầu hạ tầng, cách thức quản lý chuyên nghiệp của Ban Quản lý các KCN tỉnh đã tạo nên sức hấp dẫn riêng, góp phần nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư vào các KCN.

Những lợi thế và dư địa về thu hút đầu tư của tỉnh như đất đai, tài nguyên, giá thuê đất hạ tầng KCN, cơ chế hỗ trợ, cải cách hành chính… bị thu hẹp bởi sự cạnh tranh và vươn lên mạnh mẽ của các địa phương trong nước, đặc biệt là các địa phương lân cận, ảnh hưởng trực tiếp đến năng lực cạnh tranh thu hút đầu tư của tỉnh.

Một trong những nguyên nhân được chỉ ra là tiến độ thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng cơ bản chậm so với yêu cầu, ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư. Nguồn vật liệu phục vụ san lấp mặt bằng trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn, trong khi hầu hết các KCN đều có nhu cầu lớn về đất san nền.

Cụ thể, KCN Sông Lô II cần khoảng 4 triệu m3 đất san nền, KCN Bình Xuyên II – giai đoạn 2 cần 1,5 triệu m3; KCN Bình Xuyên cần 0,7 triệu m3; KCN Sơn Lôi cần 4,6 triệu m3; KCN Nam Bình Xuyên cần 6 triệu m3.

Thực tế hiện nay, một số KCN đã được UBND tỉnh giao đất, nhưng chưa xác định được giá đất thuê như KCN Tam Dương I – khu vực 2; KCN Sông Lô II; KCN Thái Hòa – Liễn Sơn – Liên Hòa (khu vực 2, giai đoạn 1) dẫn đến chủ đầu tư hạ tầng khó khăn trong việc thu hút nhà đầu tư thứ cấp vào KCN và phương án huy động vốn từ các tổ chức tín dụng để đầu tư KCN.

Theo quy định của pháp luật hiện hành, giá thuê đất trong KCN do nhà đầu tư hạ tầng quyết định. Hiện nay, giá thuê đất bình quân trên địa bàn tỉnh từ 130-150 USD/m2, có dự án hơn 170 USD/m2, cao hơn mặt bằng chung một số tỉnh dẫn đến giảm sự cạnh tranh trong thu hút đầu tư so với các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương. Cùng với đó, công tác xúc tiến đầu tư hiệu quả chưa cao; tính cạnh tranh, hấp dẫn đầu tư vào các KCN bị giảm dần.

Vĩnh Phúc cần làm gì để lấy lại “vị thế” là tỉnh phát triển mạnh các khu công nghiệp?
KCN Đồng Sóc đang dần thu hút các nhà đầu tư đến kinh doanh, sản xuất.

Cần chính sách dài hạn để phát triển các KCN

Những năm mới tái lập, Vĩnh Phúc đã có dự án lớn, nhà đầu tư chiến lược cũng như có sự đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia như các dự án của Honda, Toyota, Piaggio… Nhưng 10 năm gần đây, số lượng các nhà đầu tư chiến lược hiện diện tại Vĩnh Phúc không nhiều, chủ yếu là các dự án tại chỗ tăng quy mô, chưa có dự án lớn mang tính dẫn dắt so với một số tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Hồng như Bắc Giang, Thái Nguyên, Hải Phòng, Bắc Ninh và chưa tương xứng với tiềm năng hiện có của tỉnh. Thêm vào đó, các ngành mũi nhọn hiện có xu hướng giảm sút và mất dần lợi thế cạnh tranh.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, đặc biệt là sự dịch chuyển chuỗi cung ứng và đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, Vĩnh Phúc được đánh giá là một trong những địa phương có nhiều tiềm năng hấp dẫn để đón nhận dòng vốn dịch chuyển đó, đòi hỏi các cấp, ngành, địa phương cần xây dựng chiến lược phát triển bền vững các KCN trong giai đoạn mới.

Căn cứ vào Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, phấn đấu đến năm 2030, Vĩnh Phúc có 28 KCN với diện tích 4.815ha. Đây chính là những cơ hội và điều kiện thuận lợi quan trọng cho thu hút đầu tư của tỉnh trong thời gian tới.

Để tạo lợi thế cạnh tranh, phát huy thế mạnh, tiềm năng sẵn có, tỉnh tiếp tục tập trung nguồn lực vào công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và hoàn thiện đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật; giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc về xác định giá đất, nguồn đất san nền cho các dự án, đảm bảo kịp thời nhưng chặt chẽ, không để xảy ra sai sót.

Tiếp tục nghiên cứu có chính sách mang tính dài hạn, ổn định hỗ trợ phát triển KCN thuộc trách nhiệm, thầm quyền của tỉnh, trong đó xây dựng một số gói ưu đãi với từng nhà đầu tư, từng lĩnh vực cần thu hút; hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực, bảo vệ môi trường, nhà ở cho công nhân, người lao động trong các KCN.

Xây dựng danh mục dự án thu hút các nhà đầu tư chiến lược, lĩnh vực ngành nghề chiến lược; bộ tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng KCN.

Tăng cường vai trò, trách nhiệm quản lý Nhà nước của các Sở, ngành, chính quyền các cấp đối với KCN, trong đó phân cấp, ủy quyền phù hợp theo hướng nâng cao hiệu quả quản lý gắn với tạo điều kiện thuận lợi, giải quyết kịp thời các khó khăn, hỗ trợ tốt nhất các chủ đầu tư hạ tầng, các doanh nghiệp trong KCN.

Tính đến hết tháng 8/2024, các KCN trên địa bàn tỉnh thu hút được 493 dự án còn hiệu lực gồm 117 dự án DDI với tổng vốn đầu tư gần 38 nghìn tỷ đồng; 376 dự án FDI với tổng vốn đầu tư hơn 6,7 tỷ USD; giải quyết việc làm cho hơn 142.000 lao động.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích