Kon Tum: Mục tiêu đô thị hóa 50% vào năm 2030, dự kiến mức kinh phí thực hiện gần 68.000 tỷ đồng
(Xây dựng) – UBND tỉnh Kon Tum vừa thông qua quyết định phê duyệt chương trình phát triển đô thị toàn tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn kéo dài đến năm 2050. Đây là bước đi quan trọng trong việc định hình và phát triển hệ thống đô thị của tỉnh, với mục tiêu thúc đẩy phát triển bền vững, tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng và nâng cao đời sống xã hội.
Tỉnh Kon Tum đặt mục tiêu đô thị hóa 50% vào năm 2030. |
Theo đó, chương trình này sẽ là nền tảng để lập kế hoạch và triển khai các dự án đầu tư hạ tầng, cũng như các công trình đầu mối quan trọng trên toàn tỉnh Kon Tum. Việc thực hiện phát triển đô thị sẽ được thực hiện thông qua các chương trình, kế hoạch cụ thể, đảm bảo tính tập trung, tiết kiệm tài nguyên và sử dụng hiệu quả nguồn lực.
Mục tiêu chính của chương trình là khắc phục những hạn chế, thiếu sót trong phát triển đô thị hiện nay, đồng thời tìm kiếm giải pháp huy động nguồn lực để đầu tư vào hạ tầng khung, mở rộng và nâng cấp hệ thống đô thị trên toàn tỉnh. Bên cạnh đó, tỉnh Kon Tum đặt ra các tiêu chí đảm bảo phát triển bền vững, bảo tồn di sản văn hóa, lịch sử và bảo vệ môi trường, song song với việc đảm bảo an ninh quốc phòng.
Đến năm 2030, tỉnh Kon Tum dự kiến sẽ có 12 đô thị với tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 50-52%. Trong đó, thành phố Kon Tum sẽ được nâng cấp lên đô thị loại II, cùng với 5 đô thị loại IV gồm thị xã Ngọc Hồi, các thị trấn: Đăk Tô, Đăk Hà, Sa Thầy, Măng Đen. Và 6 đô thị loại V bao gồm các thị trấn: Đăk Rve, Đăk Glei, trung tâm huyện lỵ Kon Rẫy, Tu Mơ Rông và Ia H’Drai cũng sẽ được phát triển. Đặc biệt, tỉnh dự kiến thành lập mới một đô thị loại V tại xã Mô Rai thuộc huyện Sa Thầy.
Tầm nhìn đến 2050, Kon Tum phấn đấu đạt tỷ lệ đô thị hóa thuộc nhóm trung bình của cả nước. Hệ thống đô thị của tỉnh sẽ phát triển theo hướng bền vững, có khả năng chống chịu và thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, dịch bệnh và bảo vệ môi trường. Các đô thị sẽ mang nét kiến trúc giàu bản sắc, xanh, hiện đại và thông minh, với cơ cấu kinh tế đô thị theo hướng hiện đại, trong đó kinh tế xanh và kinh tế số sẽ chiếm tỷ trọng lớn.
Chương trình phát triển đô thị của tỉnh Kon Tum cũng đặt ra ưu tiên cho các dự án phát triển hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật khung, lập quy hoạch chung đô thị và phân loại đô thị. Tổng kinh phí dự tính để thực hiện chương trình này là hơn 67.911 tỷ đồng.
Qua đó, Kon Tum kỳ vọng sẽ trở thành một trong những địa phương có hệ thống đô thị phát triển mạnh mẽ, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, đồng thời giữ vững giá trị văn hóa, bảo vệ môi trường và an sinh xã hội.
Nguồn: Báo xây dựng