Phú Thọ: Lên phương án cụ thể khắc phục hậu quả do bão lũ gây ra
(Xây dựng) – Ngày 12/9, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ đã ban hành Văn bản số 3764/UBND-CNXD về việc khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai, tập trung hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3.
Các lực lượng chức năng giúp dân trong hoàn cảnh bão lũ. |
Theo đó, khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai, tập trung hỗ trợ người dân sớm ổn định đời sống, khôi phục sản xuất. Theo dõi chặt chẽ, sát sao diễn biến thời tiết, thiên tai; không được chủ quan, mất cảnh giác khi mực nước sông đang có chiều hướng giảm, đảm bảo an toàn, sức khỏe, tính mạng cho nhân dân là trên hết.
Tiếp tục di dời, sơ tán các hộ dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, khu vực còn nguy cơ xảy ra sự cố thiên tai để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân (đặc biệt là những khu vực có mưa nhiều, nguy cơ sạt lở rất cao); bố trí lực lượng, phương tiện tìm kiếm, cứu nạn đối với những người còn mất tích (trong đó phải bảo đảm an toàn tuyệt đối cho lực lượng tìm kiếm cứu nạn). Cứu chữa miễn phí cho người bị thương; tổ chức thăm hỏi, động viên kịp thời thân nhân và hỗ trợ lo hậu sự chu đáo cho người bị thiệt mạng do thiên tai.
Tổ chức cứu trợ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho các hộ dân có nguy cơ thiếu đói, nhất là các hộ tại các khu vực còn bị cô lập, đảm bảo đúng đối tượng, hiệu quả, tránh thất thoát, lãng phí. Bố trí chỗ ở tạm cho các hộ bị mất nhà ở. Tuyệt đối không để người dân bị đói, bị rét, không có nơi ở.
Huy động lực lượng (quân đội, công an, thanh niên tình nguyện…), phương tiện hỗ trợ nhân dân sửa chữa nhà cửa, dọn dẹp vệ sinh môi trường ngay sau mưa, lũ. Tập trung chỉ đạo khôi phục cơ sở hạ tầng bị hư hỏng; đặc biệt ưu tiên các cơ sở y tế, giáo dục, công trình giao thông, thủy lợi, điện để bảo đảm điều kiện sinh hoạt cho người dân, tạo điều kiện tốt nhất để các cháu học sinh sớm được đến trường. Duy trì lực lượng kiểm soát, hỗ trợ, hướng dẫn giao thông tại các khu vực bị sạt lở, ngầm tràn, khu vực vẫn còn ngập sâu để đảm bảo an toàn, không để tiếp tục xảy ra thiệt hại đáng tiếc về người.
Chỉ đạo khôi phục sản xuất của doanh nghiệp, người dân sau mưa lũ, nhất là sản xuất nông nghiệp; tổ chức nạo vét, khơi thông hệ thống kênh, mương tiêu thoát nước; khẩn trương vận hành các trạm bơm tiêu để tiêu úng.
Đối với UBND các huyện Đoan Hùng, Phù Ninh, thành phố Việt Trì, sẵn sàng phương án di dời khẩn cấp các hộ dân sinh sống ngoài đê và các hộ dân ở vùng trũng thấp phía trong đê đến nơi tránh, trú an toàn trong trường hợp mực nước sông tiếp tục lên cao, có nguy cơ tràn đê hoặc vỡ đê theo phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp đập, hồ chứa thủy điện Thác Bà.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát hiện trạng sau bão lũ và triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn công trình thủy lợi, đê điều; chỉ đạo, hướng dẫn Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi và các địa phương khẩn trương kiểm tra, sửa chữa, vận hành các trạm bơm tiêu để khắc phục tình trạng ngập úng.
Đồng thời, hướng dẫn các địa phương khôi phục sản xuất nông nghiệp, sớm ổn định sản xuất, đời sống nhân dân sau khi lũ rút; áp dụng các biện pháp kỹ thuật chăm sóc cây trồng sau ngập úng; chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi cho phù hợp khung thời vụ và điều kiện thời tiết. Hướng dẫn người dân thu gom, tiêu hủy động vật chết do mưa lũ theo đúng quy định; xuất dự trữ hóa chất để tiêu độc, khử trùng cho các khu vực chăn nuôi bị ảnh hưởng do mưa lũ, không để dịch bệnh lây lan.
Kiểm tra, rà soát, thống kê đầy đủ, chính xác toàn bộ thiệt hại do ảnh hưởng của cơn bão số 3 gây ra trên địa bàn tỉnh. Phối hợp với Sở Tài chính nghiên cứu, đề xuất hỗ trợ từ nguồn ngân sách tỉnh và đề xuất UBND tỉnh báo cáo Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương hỗ trợ giống cây trồng, lương thực và kinh phí khắc phục hậu quả thiên tai theo các quy định hiện hành.
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh huy động, bố trí cán bộ, chiến sỹ tăng cường hỗ trợ các địa phương để tập trung khắc phục hậu quả sau mưa, lũ (sửa chữa nhà cửa, dọn dẹp vệ sinh môi trường, sửa chữa các công trình bị hư hỏng…). Đồng thời, tiếp tục nắm bắt tình hình tại các địa phương; tăng cường tuần tra, canh gác đảm bảo an ninh trật tự, không để xảy ra mất an ninh trật tự trên địa bàn.
Sở Giao thông vận tải kiểm tra, rà soát các tuyến đường tỉnh, quốc lộ bị hư hỏng, chia cắt trên toàn tỉnh; chỉ đạo khắc phục nhanh các sự cố sạt lở, đảm bảo thông tuyến nhanh nhất; nhất là các tuyến giao thông trọng yếu phục vụ công tác vận chuyển hàng cứu trợ và tìm kiếm cứu nạn. Đồng thời, có phương án phân luồng giao thông hợp lý để đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông.
Sở Y tế chỉ đạo cứu chữa người bị thương; kịp thời cung cấp đủ cơ số thuốc, bảo đảm công tác khám chữa bệnh cho người dân tại những địa bàn bị ảnh hưởng thiên tai. Hướng dẫn người dân xử lý nước sinh hoạt, xử lý môi trường, phòng, chống dịch bệnh, không để bùng phát dịch bệnh sau bão, lũ. Chỉ đạo củng cố lại những cơ sở y tế bị ảnh hưởng do mưa lũ, khôi phục cơ sở vật chất để nhanh chóng phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân trong vùng ảnh hưởng.
Sở Công Thương chỉ đạo, phối hợp với Cục Quản lý thị trường, Công ty Điện lực Phú Thọ tập trung sửa chữa, khôi phục nhanh nhất hệ thống điện, bảo đảm cấp điện cho sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân. Trong đó ưu tiên bảo đảm cấp điện cho cơ sở y tế, giáo dục, các công trình phòng chống thiên tai (trạm bơm tiêu) và các hoạt động sản xuất quan trọng. Có phương án bảo đảm cung ứng đủ hàng hóa, tăng cường kiểm soát thị trường, không để xảy ra thiếu hàng, tăng giá bất hợp lý, tiêu thụ hàng giả, kém chất lượng.
Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo khẩn trương vệ sinh trường lớp, khắc phục cơ sở vật chất bị hư hại do bão, lũ; bảo đảm điều kiện để các cháu học sinh sớm được đến trường.
Các cơ quan truyền thông tăng thời lượng phát sóng; đưa tin kịp thời, đầy đủ chính xác về công tác chỉ đạo khắc phục hậu quả mưa lũ; phổ biến, hướng dẫn người dân kiến thức, kỹ năng xử lý nước sinh hoạt, xử lý môi trường, phòng, chống dịch bệnh, biện pháp khôi phục sản xuất sau mưa lũ…
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh phát huy cao nhất tinh thần tương thân, tương ái, tăng cường công tác cứu trợ, hỗ trợ nhân dân vùng lũ; phân bổ tiền, hàng cứu trợ đảm bảo thiết thực, hiệu quả, đúng quy định, vận động các tổ chức, cá nhân động viên giúp đỡ các gia đình bị thiệt hại.
Nguồn: Báo xây dựng