Ngành Y tế Quảng Ninh chủ động công tác phòng, chống dịch bệnh sau mưa bão

(Xây dựng) – Sau bão số 3 nhiều nơi trong tỉnh Quảng Ninh bị ngập lụt cục bộ do mưa lớn kéo dài ở hầu khắp các địa phương, làm gia tăng nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và bùng phát dịch bệnh. Ứng phó tình huống này, ngành Y tế Quảng Ninh đã chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, xử lý môi trường, an toàn thực phẩm trong và sau mưa lũ.

Ngành Y tế Quảng Ninh chủ động công tác phòng, chống dịch bệnh sau mưa bão
Giảng viên Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh trình bày nội dung phòng chống dịch bệnh sau mưa bão, ngày 10/9. (Ảnh: CDC Quảng Ninh)

Ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Y tế Quảng Ninh cho biết, ảnh hưởng của cơn bão số 3 (Yagi) với Quảng Ninh là rất lớn, trong đó ngành Y tế cũng chịu nhiều thiệt hại nghiêm trọng. Nhưng với sự vào cuộc tích cực và công tác chuẩn bị sẵn sàng các phương án ứng phó từ trước, ngành Y tế Quảng Ninh vẫn đảm bảo hoạt động cấp cứu, khám chữa bệnh cho người dân ở tất cả các tuyến trong và sau bão. Tuy nhiên sau mưa bão, ô nhiễm môi trường cùng điều kiện vệ sinh không đảm bảo là điều kiện thuận lợi lây lan và bùng phát các loại dịch bệnh. Do đó cần chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, xử lý môi trường sau mưa lũ cũng như hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp bảo vệ sức khoẻ, phòng chống ngộ độc thực phẩm.

Để chủ động các biện pháp phòng chống và sẵn sàng nguồn lực đáp ứng với các tình huống dịch bệnh xảy ra, đảm bảo nguồn nước và môi trường an toàn sau bão nhằm ngăn ngừa, hạn chế các hậu quả đối với sức khỏe người dân trên địa bàn. Ngày 9/9, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh (CDC Quảng Ninh) đã ban hành Công văn số 1808/KH-TTKSBT về việc thành lập đoàn giám sát đánh giá công tác ứng phó sau bão số 3 và mưa lũ kéo dài trên địa bàn tỉnh. Theo đó, đơn vị đã chia thành 2 đoàn giám sát tại các khu vực miền Đông và miền Tây của tỉnh Quảng Ninh để giám sát về các nội dung như: Giám sát thực tế các hoạt động phòng chống dịch bệnh và vệ sinh môi trường sau bão số 3; Các biện pháp ứng phó với tình trạng mưa lũ kéo dài; Công tác xây dựng kế hoạch và triển khai các văn bản chỉ đạo phòng chống lụt bão của tuyến trên; Công tác kiện toàn và hoạt động của đội cơ động phòng chống dịch/đội đáp ứng nhanh hay đội phòng chống thiên tai thảm họa tại đơn vị; Giám sát một số điểm ngập lụt và công tác đáp ứng của Trạm Y tế…

Ngành Y tế Quảng Ninh chủ động công tác phòng, chống dịch bệnh sau mưa bão
CDC Quảng Ninh tổ chức Tập huấn xử trí dịch bệnh sau mưa lũ cho các cán bộ y tế theo dõi công tác phòng, chống dịch bệnh của 13 địa phương trong tỉnh Quảng Ninh, ngày 10/9.

Trước đó, CDC Quảng Ninh cũng đã khẩn trương tổ chức tập huấn để trang bị kiến thức cho cán bộ tham gia đội hỗ trợ các địa phương. Tại buổi tập huấn, các cán bộ tham gia đã được trang bị lại một số kiến thức về hướng dẫn xử lý nước và vệ sinh; Giám sát, phòng chống dịch bệnh sau mưa lũ như bệnh tả, lỵ, thương hàn, đau mắt đỏ…; Kỹ thuật sử dụng máy phun và công tác phun khử khuẩn trong phòng chống dịch.

Ngày 10/9, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức lớp tập huấn trực tuyến về công tác y tế, hướng dẫn xử lý môi trường và phòng chống dịch bệnh sau mưa lũ cho các cán bộ y tế theo dõi công tác phòng, chống dịch bệnh của các bệnh viện, phòng y tế, trung tâm y tế của 13 địa phương trong tỉnh Quảng Ninh.

Nội dung tập huấn chú trọng vào các hoạt động chuyên môn cần thiết trong giám sát, phòng chống dịch bệnh sau mưa lũ như: Đau mắt đỏ, nấm kẽ chân, viêm đường hô hấp, cúm, sốt xuất huyết, đặc biệt là các bệnh đường tiêu hóa (tiêu chảy, tả, lỵ, thương hàn)…; công tác bảo đảm an toàn, phòng chống ngộ độc thực phẩm cho người dân; hướng dẫn xử lý nguồn nước và vệ sinh môi trường ứng phó với bão, lũ lụt; kỹ thuật sử dụng máy phun và công tác phun khử khuẩn trong phòng, chống dịch; xử trí sơ cứu, cấp cứu ban đầu và vận chuyển người bệnh an toàn đối với một số dạng chấn thương, tai nạn thường gặp.

Ngành Y tế Quảng Ninh chủ động công tác phòng, chống dịch bệnh sau mưa bão
Hướng dẫn sử dụng máy phun hóa chất tại Hội nghị quán triệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh sau bão lụt do CDC Quảng Ninh tổ chức, ngày 10/9.

Các bệnh viện, trung tâm y tế từ tuyến tỉnh đến tuyến huyện sẵn sàng và chủ động triển khai các phương án phòng, chống dịch bệnh, ngộ độc thực phẩm; tổ chức giám sát, kịp thời phát hiện và xử lý triệt để các ổ dịch bệnh, thực hiện các biện pháp khống chế hiệu quả không để dịch bệnh bùng phát tại các vùng có mưa lớn và ngập lụt; nhanh chóng cử đội cơ động chống dịch hỗ trợ điều tra các điểm được báo cáo về sự bùng phát dịch bệnh, đặc biệt là dịch bệnh qua đường tiêu hóa.

Các đơn vị y tế tăng cường phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, địa phương triển khai các hoạt động vệ sinh môi trường sau mưa bão và lũ lụt; tổ chức thu gom rác thải và các xác động vật; sử dụng vôi bột hoặc các hóa chất khử trùng để xử lý khi chôn xác động vật tránh phát sinh các dịch, bệnh truyền nhiễm; phun hóa chất diệt côn trùng truyền bệnh tại các vùng có nguy cơ.

Ngành Y tế Quảng Ninh chủ động công tác phòng, chống dịch bệnh sau mưa bão
Các cán bộ CDC Quảng Ninh thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.

Ngành Y tế tiếp tục tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân trong vùng nguy cơ bị ảnh hưởng mưa lớn, ngập lụt về triển khai các biện pháp đảm bảo vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, xử lý xác súc vật chết và các biện pháp vệ sinh khác theo các khuyến cáo về các biện pháp phòng chống dịch bệnh sau bão lụt của Bộ Y tế.

Các đơn vị y tế trong toàn tỉnh bảo đảm nhân lực, thuốc, hóa chất, vật tư, trang thiết bị và phương tiện để sẵn sàng phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm tại vùng bị ảnh hưởng và tổ chức cấp cứu lưu động, hỗ trợ y tế cho nhân dân tại các khu vực chịu ảnh hưởng của thiên tai trên địa bàn khi có tình huống xảy ra.

Song song với đó, các bệnh viện, trung tâm y tế từ tuyến tỉnh đến tuyến huyện, tuyến xã tại các địa phương trong tỉnh Quảng Ninh tăng cường phối hợp truyền thông giáo dục sức khoẻ nâng cao nhận thức cho người dân, thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch bệnh sau mưa bão.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích