Chung sức, đồng lòng vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống

Mưa lũ đi qua, hậu quả để lại hết sức nặng nề. Công tác khắc phục đang được các địa phương ở miền bắc khẩn trương triển khai với quyết tâm cao.

Chung sức, đồng lòng vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống
Các lực lượng tỉnh Cao Bằng tìm kiếm nạn nhân mất tích do sạt lở đất ở xóm Lũng Lỳ, xã Ca Thành, huyện Nguyên Bình.

Trong khó khăn, đã xuất hiện nhiều tấm gương, việc làm, hành động và các đoàn cứu trợ, những tấm lòng nhân ái đang ngày đêm chung tay, đồng lòng giúp người dân vùng bão lũ vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.

Hỗ trợ, tìm kiếm nạn nhân sạt lở đất với quyết tâm và hy vọng

Trong đợt mưa lũ, sạt lở vừa qua, tính đến 17 giờ ngày 12/9, tỉnh Cao Bằng có 45 người chết, 15 người bị thương, còn tám người mất tích. Cả hệ thống chính trị của địa phương với tinh thần khẩn trương, quyết liệt, đang khắc phục hậu quả thiên tai. Cùng với đó, tỉnh Cao Bằng đã huy động lực lượng hơn 8.800 lượt người tìm kiếm, cứu nạn, hỗ trợ người bị ảnh hưởng với quyết tâm cao.

Tại huyện Nguyên Bình, vào hồi 5 giờ 45 phút ngày 9/9, tại Km180+680 Quốc lộ 34, đoạn qua xóm Khuổi Ngọa, xã Ca Thành, ba xe ô-tô, chín xe máy bị đất đá sạt lở vùi lấp, đẩy xuống suối, bị cuốn trôi, nhiều người mất tích… Hiện nay, các lực lượng vẫn đang khẩn trương, quyết liệt tìm kiếm, cứu nạn, nhất là tại ba điểm: xóm Khuổi Ngọa, xóm Lũng Lỳ (xã Ca Thành), xóm Lũng Súng (xã Yên Lạc).

Tại ba điểm này, có 39 người chết, 14 người bị thương, còn 14 người mất tích. Lực lượng công an, quân đội, lực lượng tại chỗ khắc phục khó khăn như đường trơn trượt, sạt lở, nước suối chảy xiết nỗ lực tìm kiếm, cứu nạn.

Hàng trăm cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an, lực lượng dân sự, với đôi tay chai sạn, quần áo, khuôn mặt lấm lem bùn đất; những bữa ăn vội, chỗ nghỉ tạm bợ, nhưng với tinh thần khẩn trương, bằng mọi giá sớm tìm kiếm những người còn đang mất tích.

Thượng tá Lương Ðình Lêu, Chính trị viên Ban Chỉ huy quân sự huyện Nguyên Bình chia sẻ: “Từ ngày 9/9 đến nay, 64 cán bộ, chiến sĩ, dân quân thuộc Ban Chỉ huy quân sự huyện thường trực tại hiện trường triển khai các công việc cứu hộ, cứu nạn, tìm kiếm người mất tích. Quán triệt tinh thần chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Quốc phòng, chúng tôi luôn xác định “tính mạng con người là trên hết, trước hết”. Với tinh thần “ở đâu có khó khăn, hiểm nguy, ở đó có bộ đội”, lực lượng đơn vị đã tìm kiếm, cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai bằng tình cảm và trách nhiệm với người dân. Lực lượng đơn vị gồm ba đồng chí Chỉ huy trưởng, Chỉ huy phó, Chính trị viên phó Ban Chỉ huy quân sự huyện Nguyên Bình cùng cán bộ, chiến sĩ, lực lượng dân quân đã tham gia công tác tìm kiếm, cứu nạn với quyết tâm và trách nhiệm cao”.

Theo Thượng tá Lương Ðình Lêu, tại Ban Chỉ huy quân sự huyện Nguyên Bình, ngày 11 và 12/9, các đồng chí trực chiến tại đơn vị đã tiếp nhận, vận chuyển ba chuyến với hơn ba tấn hàng do quân đội chuyển bằng trực thăng đến huyện Nguyên Bình, sáng 12/9, hơn ba tấn hàng đã được lực lượng vận chuyển đến với người dân vùng bị sạt lở đất, mưa lũ.

Theo báo cáo của Tỉnh ủy Cao Bằng, địa phương đã huy động hơn 8.800 lượt cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và các lực lượng tại chỗ, cùng 5.308 phương tiện, trang bị, vật tư các loại để tìm kiếm, cứu nạn, tìm kiếm người mất tích.

Cùng đồng hành với địa phương, lực lượng Quân khu 1 cũng đã có mặt từ sớm để tham gia tìm kiếm, cứu nạn, khắc phục hậu quả. Một máy bay trực thăng của Binh đoàn 18, Bộ Quốc phòng đã bay, vận chuyển hàng cứu trợ đồng bào ở huyện Nguyên Bình. Các địa phương hỗ trợ nhu yếu phẩm, sơ tán người, tài sản đối với 2.374 gia đình bị ảnh hưởng thiên tai. Các cơ sở y tế huy động nhân lực, thuốc, vật tư y tế tốt nhất để tập trung cứu chữa cho người bị thương trong các vụ sạt lở đất ở huyện Nguyên Bình.

Chia sẻ nỗ lực ứng phó hậu quả thiên tai, tìm kiếm, cứu nạn của địa phương, đồng chí Trần Hồng Minh, Ủy viên Trung ương Ðảng, Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng cho biết: Ðịa phương xác định các nhiệm vụ đã làm, đang làm, phải làm sớm, hoàn thành sớm gồm, tìm kiếm cứu nạn; hỗ trợ người dân, bảo đảm an sinh xã hội; khắc phục sạt lở, thông đường giao thông, khôi phục cấp điện tại vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai… nhằm ổn định đời sống người dân.

Chung sức, đồng lòng vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống
Lực lượng quân đội giúp người dân ở Bắc Giang khắc phục hậu quả sau bão số 3.

Những tấm gương sáng ngời trong bão lũ

Tính đến chiều 12/9, toàn tỉnh Bắc Giang đã di dời khẩn cấp 3.354 hộ dân bị mưa lũ gây ngập lụt, đồng thời vẫn còn 36 khu dân cư, thôn xóm với khoảng 33.800 người bị nước lũ gây ngập nhà ở và chia cắt. Trong lũ dữ, cả hệ thống chính trị cùng đoàn cứu trợ và nhiều nhà hảo tâm đã chung tay, đồng lòng giúp người dân Bắc Giang vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.

Bà Hoàng Thị Thúy, 64 tuổi, ở xã Lệ Viễn, huyện Sơn Ðộng, bị bão lốc thổi bay mái nhà. Bà rưng rưng xúc động: “Thấy nhà tôi bị thổi bay mất mái nhà, bà con hàng xóm liền đến đón tôi sang ở, mấy ngày hôm nay tôi được sống trong sự cưu mang đùm bọc của những người láng giềng tốt bụng, được chính quyền chăm lo. Tôi cảm ơn nhiều lắm những tấm lòng nhân ái đã dành cho tôi, nếu không có sự giúp đỡ đó, một mình tôi thì không thể sống qua được trận bão vừa rồi!”.

Anh Ðặng Nam, phóng viên thường trú tạp chí Bạn Ðường, kịp thời thành lập một nhóm thiện nguyện cùng nhiều anh em báo chí trên địa bàn tỉnh Bắc Giang huy động nhu yếu phẩm, có mặt tại những vùng sâu bị bão lũ chia cắt, mang từng phần quà đến cho người dân. Nhóm đã trao cho bà Thúy một số hàng hóa thiết yếu và biếu bà thêm hai triệu đồng để bà có thêm tiền lợp lại mái nhà đã bị bão thổi đi.

Anh Nam chia sẻ: “Chúng tôi đã kịp thời có mặt tại những địa bàn trọng điểm bị lũ lụt của các huyện Sơn Ðộng, Lục Ngạn, Lục Nam. Những phần quà tuy không nhiều giá trị kinh tế nhưng đã thực sự là nguồn động viên người dân vượt qua bão lũ. Ở đó chúng tôi càng thêm thấm thía về tinh thần thương yêu đùm bọc, chia sẻ khó khăn giúp nhau trong hoạn nạn của những người dân vùng lũ”.

Sau nhiều giờ cùng người dân xã Hợp Thịnh, huyện Hiệp Hòa đắp đê bối chống lũ, anh Nguyễn Công Ðiệp (SN 1988), Thôn đội trưởng thôn Hiệp Ðồng, xã Thường Thắng cùng 30 đồng chí thuộc Trung đội dân quân cơ động xã Thường Thắng tăng cường hỗ trợ xã Hợp Thịnh đắp đê bối ngăn lũ.

“Chưa kịp nghỉ ngơi thì chúng tôi nghe thấy tiếng người dân thất thanh gọi báo có người bị lũ cuốn cần hỗ trợ. Nhanh chóng mặc áo phao, chúng tôi chạy về hướng khu vực nước lũ dâng cao để cứu người”, anh Ðiệp kể.

Trong đêm tối giữa dòng nước xiết, anh Ðiệp vừa bơi vừa soi đèn pin, miệng không ngừng gọi để xác định vị trí người gặp nạn. Một lát sau, anh phát hiện một cháu bé đang chới với, sợ hãi giữa vùng nước xoáy. Vớt được cháu bé, anh mệt lả nhưng cũng rất may những người đồng đội của anh đã ứng cứu kịp thời, đưa cháu bé đến nơi an toàn để chăm sóc.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Thường Thắng Nguyễn Tiến Dịu, cho biết: Quá trình công tác anh Ðiệp luôn là người có trách nhiệm, hoàn thành tốt công việc, được lãnh đạo ghi nhận, biểu dương. Người dân vùng lũ rất cảm kích tinh thần dũng cảm cứu người trong mưa lũ của anh. Anh là tấm gương sáng truyền cảm hứng và nhiệt huyết cho đội ngũ cán bộ và người dân trong xã đang nỗ lực hết mình chiến thắng bão lũ.

Trước đó không lâu vào đêm 8/9, tại xã Ðại Sơn, huyện Sơn Ðộng, lực lượng công an xã xuyên đêm giúp người dân di dời người và tài sản khỏi vùng ngập lũ. Thượng úy Ðinh Văn Cường, Phó Trưởng Công an xã đã bị nước lũ chảy xiết, xô ngã gãy xương quai xanh…

Ðại tá Nguyễn Quốc Toản, Giám đốc Công an tỉnh Bắc Giang đã biểu dương và trao tặng giấy khen cho anh Cường vì những đóng góp xuất sắc trong công tác phòng, chống bão.

Cả đêm ngâm mình trong nước lũ cứu dân thì cũng là thời điểm chính ngôi nhà của gia đình anh Cường bị nước lũ nhấn chìm làm hư hại nhiều tài sản. Ðêm 8/9, 70 cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 164 và Ban Chỉ huy quân sự huyện Lục Nam phối hợp các lực lượng khác và nhân dân đắp đê xuyên đêm để ứng cứu hơn 400 ha lúa của hai xã Vũ Xá (Lục Nam) và Nghĩa Hưng (Lạng Giang) không bị ngập lũ.

Ðồng hành với người dân chống lũ, Tỉnh đoàn Bắc Giang đã kịp thời thành lập 210 đội thanh niên tình nguyện với 4.500 đoàn viên thanh niên tham gia chống lũ. Các đội thanh niên tình nguyện cùng lực lượng chức năng, người dân xử lý bùn đất, vệ sinh môi trường tại khu vực bị ngập lụt, khôi phục công trình công cộng, sửa chữa nhà ở.

Ngoài hỗ trợ vật chất, các đoàn viên thanh niên còn động viên tinh thần những gia đình có người thân tử vong do mưa, bão, thiệt hại lớn về tài sản, giúp họ vượt qua giai đoạn khó khăn.

Ðể người dân yên tâm chống lũ, bảo đảm cuộc sống, các tổ thanh niên tình nguyện bố trí nhân lực, huy động phương tiện tiếp tế lương thực, nước uống và các đồ dùng thiết yếu khác; đồng thời, phân công lực lượng phối hợp canh gác, đắp đê, hướng dẫn, hỗ trợ người và phương tiện di chuyển qua khu vực bị ngập sâu, khu vực có nguy cơ sạt lở…

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích