Bài 4: Thủy điện Trị An – Minh chứng lịch sử về tình hữu nghị Việt – Nga
(Xây dựng) – “Sau những tháng ngày làm việc cật lực đầy khí thế, đến khi các tổ máy Nhà máy Thủy điện Trị An hòa lưới điện quốc gia, người dân các tỉnh thành phía Nam, và tôi nhớ nhất lúc đó ở Đồng Nai, như vỡ òa”, ông Huỳnh Văn Bình, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai bồi hồi nhớ lại.
Đoàn chuyên gia, kỹ sư Liên Xô (cũ) tham gia công trình tại lòng hồ Thủy điện Trị An. (Ảnh: Tư liệu) |
Ông Huỳnh Văn Bình hoài niệm và cho biết thêm, với công trình Thủy điện Trị An, ông có cả “một trời kỷ niệm”. Thời điểm đó xây dựng công trình, ông là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai kiêm Chỉ huy công trường đã khai thác “trắng” 18.000ha rừng và 14.000ha cao su, vườn cây ăn trái để phục vụ cho việc làm thủy điện.
Chung một niềm tin
Chúng tôi gặp ông Huỳnh Văn Bình, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai tại ngôi nhà của gia đình ông ở thành phố Biên Hòa (Đồng Nai). Năm nay đã 90 tuổi, nhưng trông ông vẫn minh mẫn, khỏe khoắn. Khi nhắc lại những kỷ niệm một thời, mắt ông Huỳnh Văn Bình ánh lên niềm vui.
Là lãnh đạo chủ chốt của tỉnh Đồng Nai cùng các “tổng công trình sư” từ Trung ương trực tiếp chỉ đạo tại công trường Thủy điện Trị An, khi nhắc về giai đoạn này ông nói rằng đây là “cả một trời kỷ niệm”. Vị nguyên lãnh đạo tỉnh cho biết, ngày 31/10/1989, khi các tổ máy của Nhà máy Thủy điện Trị An hòa vào lưới điện quốc gia, chính thức đi vào hoạt động giải quyết được tình trạng thiếu điện gay gắt của các tỉnh, thành phía Nam, thì cán bộ, nhân dân, đặc biệt là tại Đồng Nai lúc ấy hết sức vui mừng, tất cả như vỡ òa. “Khi chứng kiến các nhà máy trong Khu công nghiệp Biên Hòa có điện để sản xuất suốt đêm, công nhân có việc làm, xã hội có thêm nhiều hàng hóa, Nhà nước tăng thu ngân sách, bản thân tôi càng cảm thấy rất hạnh phúc, vui hơn nữa là khi thấy người dân thành phố bớt cảnh cúp điện liên miên, bà con ở nông thôn có điện thắp sáng, bớt cảnh tối tăm”, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai thổ lộ.
Trong quá trình viết loạt bài này, chúng tôi tìm mượn được cuốn sách “Một chút gọi là…” do ông Huỳnh Văn Bình (cùng với nhà báo lão thành là ông Mai Sông Bé, nguyên Giám đốc Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh Đồng Nai) viết, nhà xuất bản Đồng Nai ấn hành. Trong cuốn sách này có nhắc lại thuở xây dựng công trình thế kỷ Thủy điện Trị An với những nội dung đầy xúc cảm. “Cho nên để có nguồn Thủy điện Trị An, đã phải hy sinh diện tích rừng, nhân dân phải rời nhà cửa, mồ mả tổ tiên, từ bỏ ruộng đồng; lao động trên công trường đâu chỉ đổ mồ hôi, nước mắt mà còn hy sinh cả xương máu. Tôi nghĩ họ chính là những liệt sĩ của thời bình”, đó là đoạn nhắc lại những hy sinh, nhắc đến những người lao động đã mất trong quá trình thi công Thủy điện Trị An vì sốt rét rừng, vì tai nạn (trang 90, sách “Một chút gọi là…”).
Nói về Thủy điện Trị An, ông Huỳnh Văn Bình nhấn mạnh rằng, ngoài việc góp phần ổn định hệ thống điện quốc gia, hồ Trị An với hơn 32km2 diện tích mặt nước, dung tích hơn 2,7 tỷ m3 trải dài trên địa bàn các huyện; Xuân Lộc, Thống Nhất, Trảng Bom, Vĩnh Cửu còn giúp điều tiết nước cho vùng hạ du, đảm bảo lượng nước sinh hoạt, tưới tiêu cho phần lớn diện tích đất canh tác của tỉnh Đồng Nai và cả một phần của tỉnh Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh…
Tìm thông tin, tư liệu về Thủy điện Trị An, chúng tôi cũng may mắn có dịp được trao đổi với ông Trần Phi Châu, nhà báo thế hệ đầu tại tỉnh Đồng Nai sau 1975 – người từng trực tiếp lăn lộn đưa tin quá trình xây dựng Thủy điện Trị An với những hình ảnh nóng hổi từ công trường.
Nhà báo Trần Phi Châu cùng với những người như ông Phạm Công Trữ, tiến sĩ Trần Văn Mùi (mà chúng tôi đã nhắc tới ở các bài trước) đều từng có quá trình lăn sả, đổ mồ hôi, công sức trên công trường thủy điện. “Thời đó, mọi người cùng chung một niềm tin. Tin rằng Thủy điện Trị An với sự liên kết lòng dân, với tầm vóc, ý nghĩa của nó xứng tầm là chứng nhân lịch sử khắc dấu một thời hào hùng bắt tay vào việc kiến thiết sau những ngày đất nước mới thống nhất…”, nhà báo Trần Phi Châu trao đổi với chúng tôi, mắt nhìn xa xăm.
Dấu ấn tình hữu nghị Việt – Nga
Tổng kết về các yếu tố làm nên thành công to lớn trong việc xây dựng Thủy điện Trị An thì chính sự giúp đỡ cao cả, chí tình của Liên Xô được ghi nhận là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu. Điều đó khiến nhiều người cũng thường nhắc đến Thủy điện Trị An như là chứng nhân lịch sử của tình bạn hai nước Việt Nam – Liên Xô (cũng như Liên bang Nga ngày nay).
Để hoàn thành công trình trong thời gian ngắn kỷ lục, so với các thủy điện được thực hiện ở Liên Xô trước đó, nước bạn đã cử khoảng 500 chuyên gia, kỹ sư, kỹ thuật viên sang Trị An, bên cạnh đó là sự hỗ trợ rất nhiều vật tư, thiết bị máy móc…Nước bạn Liên Xô cũng đã giúp Việt Nam đào tạo lao động có trình độ để tiếp quản, vận hành công trình sau khi các chuyên gia nước ngoài rút về nước. Từ đó tới nay, Nhà máy Thủy điện Trị An đã vận hành an toàn, liên tục, có hiệu quả, đảm bảo đúng phương thức vận hành, còn tiếp tục phát huy để theo kịp trình độ khoa học – kỹ thuật tiên tiến phát triển trên thế giới.
Nhiều tư liệu quý được in thành sách lưu truyền mãi cho hậu thế về công trình mang tính lịch sử, đáng tự hào. (Ảnh: Nguyễn Đức) |
Trong các nguồn tư liệu về Thủy điện Trị An hiện đang được lưu giữ, có rất nhiều hình ảnh các chuyên gia nước bạn đang sát cánh cùng đội ngũ kỹ thuật, công nhân trên công trường Trị An. Những bức ảnh hoen màu năm tháng nhưng gợi lại ký ức sống động. “Các chuyên gia Liên Xô làm việc với tinh thần trách nhiệm rất cao, thường xuyên có mặt ở nơi công việc nóng nhất. Sự đóng góp của đội ngũ chuyên gia Liên Xô góp phần quyết định đến chất lượng và tiến độ công trình. Sự giúp đỡ của Liên Xô về kỹ thuật, thiết bị, vật tư… đều là những phần cơ bản để xây dựng nên Thủy điện Trị An”, tài liệu về các yếu tố làm nên thắng lợi và bài học kinh nghiệm sau khi Thủy điện Trị An hoàn thành, đã nêu bật những nội dung như trên.
Cùng với chủ trương xây dựng công trình, các cấp lãnh đạo Đảng, Nhà nước Liên Xô và Việt Nam thường xuyên quan tâm chỉ đạo, để cho công trình đi đúng hướng, giải quyết kịp thời các khó khăn, đi đến thành công. Những dòng sau đây trong một bức điện của Bộ Chính trị đề ngày 6/1/1987 đến nay cảm thấy vẫn như còn sức nóng: “Nhân dịp các đồng chí tổ chức Lễ ngăn dòng sông Đồng Nai, Bộ Chính trị hoan nghênh toàn thể cán bộ, công nhân, nhân viên và các đồng chí chuyên gia Liên Xô anh em đã làm việc quên mình, đoàn kết hợp tác tốt, thực hiện đúng tiến độ thi công. Mong các đồng chí bảo đảm tuyệt đối an toàn và có chất lượng công trình cao, trước mắt cũng như lâu dài!”.
Nhằm có thêm tư liệu hoàn thiện loạt bài viết này, phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã liên hệ với Hội Hữu nghị Việt Nam – Liên bang Nga tỉnh Đồng Nai.
Tiến sĩ Đặng Mạnh Trung, Vụ trưởng, Trưởng cơ quan thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương tại Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam – Liên bang Nga tỉnh Đồng Nai cho biết, để phát huy mối quan hệ tốt đẹp, Hội Hữu nghị Việt Nam – Liên bang Nga tỉnh Đồng Nai thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu vào các dịp như kỷ niệm Quốc khánh Nga, Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao 2 nước… Các chương trình vun đắp mối quan hệ truyền thống, chúng tôi vẫn thường chọn địa điểm tổ chức tại Nhà máy Thủy điện Trị An như một chứng minh lịch sử về sự gắn kết, bền chặt.
Bài dự thi viết về Công trình xanh Việt Nam năm 2024 do Báo Xây dựng phát động. Ban tổ chức cuộc thi không trả nhuận bút các bài dự thi. Tác giả chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực và bản quyền bài viết. |
Nguồn: Báo xây dựng