Những cuộc rượt đuổi của “hà bá”

(Xây dựng) – Những năm qua, vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã và đang phải đối mặt với tác động ngày càng mạnh mẽ của biến đổi khí hậu. Biểu hiện rõ nét là nhiệt độ tăng cao, hạn hán khốc liệt, xâm nhập mặn diễn ra thường xuyên, triều cường và sạt lở bờ sông, bờ biển diễn biến phức tạp.

Những cuộc rượt đuổi của “hà bá”
Tình trạng sạt lở tại Đồng bằng sông Cửu Long đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng.

Sống trong sợ hãi

Đến giờ, ông Võ Khánh Linh (khóm 8, thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại vụ sạt lở kinh hoàng xảy ra đêm 8/7 vừa qua. “Chúng tôi đang ngon giấc thì bất chợt nghe tiếng động. Mọi người vừa chạy ra ngoài, liền sau đó toàn bộ nhà cửa đã trôi xuống sông. Đau xót và bàng hoàng lắm, nhưng không làm gì khác được”, ông Võ Khánh Linh kể.

Trong vụ sạt lở trên, có 4 căn nhà bị dìm xuống sông, thiệt hại hoàn toàn; 5 căn nhà khác bị thiệt hại từ 20-50%.

Mới đây, tình trạng sạt lở tại huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang cũng liên tiếp xảy ra. Theo báo cáo của UBND huyện này, đến địa phương ghi nhận có khoảng 454 điểm sạt lở, sụt lún đường giao thông, với tổng chiều dài gần 11,5km. Đặc biệt, Tỉnh lộ 965 có đoạn sạt lở theo phương thẳng đứng, sâu; có đoạn đứt gần hết mặt đường, lấn sát vào mép nhà dân; 42 căn nhà dân bị ảnh hưởng, sụt lún xuống kênh, ước tính tổng thiệt hại hơn 220 tỷ đồng.

Gần đây nhất, vào ngày 18/8, trên địa bàn xã An Bình (huyện Long Hồ, Vĩnh Long) đã xảy ra điểm sạt lở tuyến bờ bao cặp sông Cổ Chiên thuộc ấp An Hòa. Điểm sạt lở có chiều dài 100m, vô sâu khoảng 3,5m, tại đầu đất của bà Nguyễn Ngọc Yến, đất ông Nguyễn Đình Lũy, gây ảnh hưởng khoảng 100 hộ dân sinh sống và khoảng 70ha vườn cây ăn trái.

Sạt lở không gây thiệt hại về người, ước thiệt hại do sụp lún đất là 30 triệu đồng. Nguyên nhân sạt lở là do đang bước vào mưa lũ, mực nước sông xuống thấp dễ gây ra tình trạng sụp lún, sạt lở. Dự báo, khả năng sụp lún, sạt lở còn tiếp tục xảy ra.

Khẩn trương ứng phó

Những năm qua, vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã và đang phải đối mặt với tác động ngày càng mạnh mẽ của biến đổi khí hậu. Biểu hiện rõ nét là nhiệt độ tăng cao, hạn hán khốc liệt, xâm nhập mặn diễn ra thường xuyên, triều cường và sạt lở bờ sông, bờ biển diễn biến phức tạp.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long có tới 558 vị trí sạt lở bờ sông với chiều dài hơn 740 km. Trong đó, 81 vị trí sạt lở đặc biệt nguy hiểm, 137 vị trí sạt lở nguy hiểm. An Giang, Cà Mau, Bạc Liêu là những điểm nóng về sạt lở với phạm vi, tốc độ sạt lở mạnh.

Nằm ở cực Nam Tổ quốc, tỉnh Cà Mau có đến 10.000km kênh, rạch. Với đặc thù địa chất yếu, lực kết dính kém, kết hợp với tốc độ dòng chảy mạnh… từ lâu Cà Mau là địa phương rất dễ “tổn thương” vì sạt lở.

Những cuộc rượt đuổi của “hà bá”
Một đoạn đường bị sụt lún nghiêm trọng ở Cà Mau

Toàn tỉnh có tới hơn 360km bị sạt lở, làm hư hỏng hàng trăm nhà dân, hư hại nhiều công trình hạ tầng do Nhà nước đầu tư; ước tổng thiệt hại về tài sản gần 1.100 tỷ đồng.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, cho biết, các tỉnh vùng ven biển Đồng bằng sông Cửu Long thực sự đang là những địa phương bị tổn thương nhiều nhất do biến đổi khí hậu gây ra. Trong đó, Cà Mau là tỉnh duy nhất trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước có 3 mặt giáp biển nên đang chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu so với các tỉnh trong khu vực.

Hiện nay, cơ cấu kinh tế của Đồng bằng sông Cửu Long phụ thuộc phần lớn vào nông nghiệp, khi bình quân tỷ trọng khu vực I của vùng chiếm đến 30%, thậm chí có địa phương nông nghiệp chiếm trên 43% cơ cấu kinh tế. Nông nghiệp gắn liền với thời tiết, gắn liền với khí hậu cho nên khi thời tiết khí hậu thay đổi, chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất lớn đối với Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp. Ngoài ra, biến đổi khí hậu còn ảnh hưởng tới hàng triệu người dân ở vùng ven biển, thiếu nước ngọt sinh hoạt… đặt ra gánh nặng cho nền kinh tế rất lớn. Một vài dự báo về lúa trong tương lai với tác động của biến đổi khí hậu, đặc biệt là các năm có hiện tượng La Nina, El Nino thì năng suất lúa giảm rất nhiều.

Theo kịch bản của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã công bố, đối với tác động của biến đổi khí hậu nếu mực nước biển dâng 100cm thì nguy cơ ngập cho Đồng bằng sông Cửu Long sẽ lên tới 47,29% và khoảng 570.000ha lúa sẽ bị ngập và các khu vực chịu ảnh hưởng lớn của biến đổi khí hậu là Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng và Kiên Giang. Các ảnh hưởng của biến đổi khí hậu cũng tác động rất nặng nề như xâm nhập mặn cùng tác động của hạn hán sẽ ảnh hưởng đến khả năng cung cấp nước ngọt, giảm chất lượng nước mặt, nước ngầm.

Những cuộc rượt đuổi của “hà bá”
Các vụ sạt lở khiến người dân sống trong nơm nớp lo sợ

Chuyên gia nghiên cứu độc lập về môi trường sinh thái Đồng bằng sông Cửu Long Nguyễn Hữu Thiện cho biết, từ khoảng đầu thập niên 1990, khi các đập thủy điện dần xuất hiện trong lưu vực Mekong, bùn cát về Đồng bằng sông Cửu Long bắt đầu giảm, sạt lở bắt đầu gia tăng. Đến năm 2005 có thể xem là thời điểm ngưỡng khi tốc độ sạt lở đuổi kịp tốc độ bồi đắp. Sau năm 2005 đến nay, sạt lở gia tăng dữ dội, bồi đắp sụt giảm mạnh nên đồng bằng bị teo tóp lại.

Vừa qua, tỉnh Cà Mau đã hoàn thành dự thảo Đề án phòng, chống sạt lở bờ biển, bờ sông giai đoạn 2021-2030 và định hướng đến 2050. Theo đó, phấn đấu đến năm 2025 sẽ hoàn thành xử lý sạt lở tại các khu vực trọng điểm xung yếu, ảnh hưởng trực tiếp đến khu dân cư tập trung, kết cấu hạ tầng thiết yếu vùng ven sông, ven biển. Tầm nhìn đến năm 2030, hoàn thành khoảng 90% việc sắp xếp lại dân cư, di dời dân cư ra khỏi khu vực bờ biển, bờ sông có nguy cơ xảy ra sạt lở cao; các khu vực sạt lở nguy hiểm tại bờ sông cơ bản được xử lý bằng giải pháp công trình.

Để chủ động nguồn lực thực hiện hiệu quả đề án nêu trên, giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030, Cà Mau cần khoảng hơn 31.200 tỷ đồng để đầu tư 177 công trình phòng chống sạt lở bờ biển, bờ sông, đê sông, đê biển và công trình chỉnh trị lòng sông. Trong số này, có 10 công trình chống sạt lở bờ biển; 30 công trình phòng chống sạt lở bờ sông; 36 công trình chỉnh trị giảm thiểu xói lở; 5 công trình đê biển; 96 công trình đê sông.

Tại Bạc Liêu, một trong 3 đột phá chiến lược được Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI xác định chính là đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng. Trong đó, tăng cường đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông là ưu tiên hàng đầu, nhất là hệ thống giao thông kết nối với các vùng kinh tế trọng điểm của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó, tỉnh tập trung tăng cường đầu tư nâng cấp, cải tạo các công trình giao thông tại các khu vực có rủi ro thiên tai cao và dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu. Phối hợp chặt chẽ với đơn vị các Bộ, ngành Trung ương hoàn thành đường bộ cao tốc qua địa phận của tỉnh, hệ thống giao thông kết nối liên huyện, liên vùng. Hoàn thành các công trình hạ tầng trọng yếu ứng phó với biến đổi khí hậu, nhất là các công trình phòng chống thiên tai, ngăn triều cường, xâm nhập mặn, công trình trữ nước ngọt phục vụ sinh hoạt và sản xuất, chống ngập ở các đô thị, thị trấn…

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích