Hà Nam: Đảm bảo cung ứng kịp thời nhu yếu phẩm cho người dân vùng ngập lụt

(Xây dựng) – Ngày 11/9, UBND tỉnh Hà Nam đã ban hành Công văn số 1808/UBND-NNTNMT chỉ đạo về việc tập trung khắc phục hậu quả do cơn bão số 3 và mưa lũ sau bão.

Hà Nam: Đảm bảo cung ứng kịp thời nhu yếu phẩm cho người dân vùng ngập lụt
Công tác khắc phục bão lụt đang được tỉnh Hà Nam triển khai.

Theo công văn, mực nước các sông tại Hà Nam tiếp tục gia tăng do mưa lũ và việc xả lũ từ các hồ thủy điện. Đến 1 giờ ngày 11/9, mực nước sông Đáy tại trạm thủy văn Phủ Lý đạt 4,81m (vượt mức báo động III là 0,81m), trong khi mực nước sông Hồng tại trạm thủy văn Hưng Yên là 6,76m (dưới mức báo động III là 0,24m).

UBND tỉnh Hà Nam yêu cầu các ngành, địa phương nhanh chóng tổ chức cứu trợ lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm cho các hộ dân có nguy cơ thiếu đói, đặc biệt là những hộ ở khu vực bị cô lập. Đồng thời, cần bố trí chỗ ở tạm cho các hộ mất nhà ở và tuyệt đối không để bất kỳ ai bị đói, bị rét hay không có nơi ở. Các cơ quan chức năng phải tăng cường kiểm tra, giám sát giá cả các mặt hàng thiết yếu, vật liệu xây dựng… tuyệt đối không để xảy ra tình trạng lợi dụng tình hình thiên tai để “găm hàng, tăng giá” trên địa bàn.

Công tác khắc phục hậu quả cần tập trung vào việc sửa chữa các nhà ở, lớp học bị hư hỏng do bão; giải tỏa cây xanh gãy đổ trên các tuyến đường; khắc phục sự cố về điện, nước sạch và viễn thông để đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân; hướng dẫn triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh sau bão, lũ, ngập lụt.

Các Sở, ngành và địa phương cần vận hành hiệu quả hệ thống công trình thủy lợi hiện có, lắp đặt trạm bơm dã chiến tại các khu vực bị ngập úng. Tiếp tục huy động nhân lực và vật tư để đắp bao tải đất, cát chống nước tràn từ các hệ thống sông và công trình thủy lợi vào khu dân cư và các khu công nghiệp.

Cần kiểm tra, rà soát và triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn, gia cố hệ thống công trình thủy lợi và đê điều, đồng thời chỉ đạo lực lượng trực 24/24 giờ tại các vị trí xung yếu và có nguy cơ sạt lở. Bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện sẵn sàng ứng phó kịp thời khi có sự cố xảy ra và kiểm soát chặt chẽ giao thông, đặc biệt là giao thông đường thủy nội địa tại các khu vực ngập lụt và có nguy cơ sạt lở. Hướng dẫn và hỗ trợ các địa phương trong việc thu gom, xử lý chất thải, rác thải để đảm bảo vệ sinh môi trường và phòng chống dịch bệnh sau bão lũ.

Hà Nam: Đảm bảo cung ứng kịp thời nhu yếu phẩm cho người dân vùng ngập lụt
Mực nước trên sông Đáy đang dâng nhanh.

Kiểm tra, rà soát và thống kê thiệt hại đối với sản xuất, tài sản của người dân, doanh nghiệp và công trình cơ sở hạ tầng của Nhà nước. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì hướng dẫn và đôn đốc thực hiện. Các Sở, ngành và địa phương phải gửi báo cáo về UBND tỉnh và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (qua Chi cục Thủy lợi) trước 10h00 ngày 11/9/2024 để tổng hợp và báo cáo UBND tỉnh trước 15h00 cùng ngày.

UBND các huyện, thành phố, thị xã cần chủ động huy động nguồn lực địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để khẩn trương khắc phục hậu quả bão lũ, ổn định đời sống cho người dân và khôi phục sản xuất kinh doanh. Các đồng chí lãnh đạo UBND huyện, thị xã, thành phố sẽ trực tiếp xuống các địa bàn trọng điểm để chỉ đạo, đôn đốc và kiểm tra công tác khắc phục hậu quả và ứng phó với tình hình mưa lũ.

Thủ trưởng các Sở, ngành và thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh cần phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan để triển khai công tác ứng phó với bão số 3 và mưa lũ theo quy định.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích