Thừa Thiên – Huế: Lấy tên thành phố Huế khi trực thuộc Trung ương

(Xây dựng) – Ngày 9/9, tại Trụ sở Văn phòng Chính phủ, ông Nguyễn Hòa Bình, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng thẩm định đã chủ trì Hội nghị thẩm định Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương. Kết quả bỏ phiếu của Hội đồng thẩm định có 17/17 phiếu đồng ý.

Thừa Thiên – Huế: Lấy tên thành phố Huế khi trực thuộc Trung ương
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch Hội đồng thẩm định đã chủ trì Hội nghị thẩm định Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh: Nghị quyết số 54 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên – Huế đã khẳng định “Đến năm 2025, Thừa Thiên – Huế sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hoá, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh”.

Đây là Đề án có ý nghĩa chính trị quan trọng, thể hiện rõ ý chí, nguyện vọng và sự đồng thuận của tầng lớp nhân dân tỉnh Thừa Thiên – Huế, việc trở thành thành phố trực thuộc Trung ương sẽ tạo ra sự ảnh hưởng và sức bật mới không chỉ cho thành phố Huế phát triển mà còn đóng góp thiết thực cho vùng, cho đất nước.

Báo cáo thẩm định hồ sơ Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nêu rõ: Đến nay, trình tự, thủ tục xây dựng và nội dung Hồ sơ đề án đã bảo đảm đầy đủ theo quy định. Việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương là phù hợp với các chủ trương, định hướng của Đảng và các quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ.

Về tên gọi: “Thành phố Huế trực thuộc Trung ương” phù hợp với lịch sử, truyền thống văn hóa của địa phương và được đại đa số cử tri đồng thuận, đạt tỷ lệ 98,67% trên tổng số cử tri của tỉnh Thừa Thiên – Huế. Việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương và sắp xếp, thành lập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã bảo đảm đạt đủ các điều kiện cũng như tiêu chuẩn quy định.

Tỉnh Thừa Thiên – Huế đã có phương án và lộ trình sắp xếp tổ chức bộ máy của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong hệ thống chính trị của thành phố trực thuộc Trung ương sau khi được thành lập; bố trí, giải quyết số lượng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động dôi dư sau sắp xếp, thành lập các đơn vị hành chính huyện, cấp xã.

Đề án đã được lấy ý kiến cử tri theo quy định; Kết quả lấy ý kiến cử tri đạt tỷ lệ đồng thuận cao (trên 98%) và đã được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ. Hồ sơ các Đề án đã được 100% đại biểu tham dự kỳ họp HĐND các cấp biểu quyết tán thành.

Trên cơ sở hồ sơ Đề án của tỉnh Thừa Thiên – Huế, Báo cáo thẩm định của Bộ Nội vụ, ý kiến của Thành viên Hội đồng thẩm định và kết quả bỏ phiếu của Hội đồng thẩm định (17/17 phiếu đồng ý). Hội đồng thẩm định thống nhất đề nghị cấp có thẩm quyền thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương trên cơ sở địa giới hành chính tỉnh Thừa Thiên – Huế và thống nhất với phương án sắp xếp, thành lập các đơn vị hành chính trực thuộc thành phố Huế trực thuộc Trung ương như Đề án đã nêu.

Thừa Thiên – Huế: Lấy tên thành phố Huế khi trực thuộc Trung ương
Toàn cảnh Hội nghị thẩm định Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương.

Sau khi thành lập, thành phố Huế có 9 đơn vị hành chính cấp huyện (gồm 2 quận, 3 thị xã và 4 huyện), 133 đơn vị hành chính cấp xã, gồm (78 xã, 48 phường và 7 thị trấn); giảm 8 đơn vị hành chính cấp xã.

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch Hội đồng thẩm định đánh giá cao sự nỗ lực và quyết tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh Thừa Thiên – Huế và sự phối hợp chặt chẽ của Bộ Nội vụ, các Bộ, cơ quan Trung ương liên quan trong việc xây dựng, trình hồ sơ Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đề nghị UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế khẩn trương xây dựng kế hoạch để hoàn thiện các tiêu chuẩn đô thị loại I trực thuộc Trung ương. Xây dựng lộ trình về việc sắp xếp tổ chức bộ máy, chủ động giải quyết hợp lý vấn đề nhân lực, kịp thời động viên, làm tốt công tác tuyên truyền vận động, có chế độ chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong đó có số dôi dư; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu của chính quyền đô thị trực thuộc Trung ương, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Xây dựng phương án sắp xếp, xử lý, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm đối với các trụ sở, tài sản công dôi dư theo đúng quy định của pháp luật.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch Hội đồng thẩm định yêu cầu Bộ Nội vụ tiếp thu đầy đủ ý kiến Thành viên Hội đồng thẩm định, khẩn trương hoàn thiện dự thảo Tờ trình và Đề án của Chính phủ trình Quốc hội vào kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV vào tháng 10/2024.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích