Nhà ở cho công nhân
Ảnh minh họa. |
Ngay sau khi nhậm chức Thủ tướng Chính phủ, tại cuộc làm việc với Bộ Xây dựng, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề nghị Bộ này sớm bổ sung vấn đề nhà ở của công nhân vào dự thảo Luật Nhà ở để sớm trình Quốc hội xem xét. Và tại buổi làm việc giữa Thủ tướng với Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, một lần nữa người đứng đầu Chính phủ đề nghị các bộ, ngành, tỉnh, thành phố nghiên cứu phát triển quỹ đất để xây dựng nhà ở công nhân.
Điều này thể hiện sự quan tâm của Chính phủ đến giai cấp công nhân, giai cấp trực tiếp làm ra của cải cho xã hội, giai cấp tiên phong trên con đường đẩy mạnh công nghiệp hóa- hiện đại hóa đất nước.
Về vấn đề nhà ở, khoảng 10 năm qua, một số địa phương đã triển khai xây dựng nhà ở công nhân theo các hình thức vốn đầu tư từ ngân sách, vốn do doanh nghiệp tự bỏ ra. Trong đó, Hà Nội là một trong những địa phương tiên phong. Những khu nhà ở cho công nhân ở xã Kim Chung, huyện Đông Anh (Khu công nghiệp Thăng Long), khu nhà ở công nhân tại Khu Công nghiệp Phú Nghĩa (Chương Mỹ); khu nhà ở công nhân tại Khu Công nghiệp Thạch Thất- Quốc Oai là ví dụ.
Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể do cả yếu tố khách quan lẫn chủ quan mà việc triển khai xây dựng nhà ở cho công nhân vẫn chưa đạt kết quả như mong muốn. Đa số công nhân lao động, đặc biệt công nhân tại các khu công nghiệp vẫn phải đi thuê trọ. Việc phải đi thuê nhà trọ không chỉ làm giảm thu nhập thực tế của công nhân mà yếu tố sức khỏe không được đảm bảo. Thực tế, công nhân vì thu nhập không cao, nên phải thuê những căn nhà trọ thiếu tiện nghi dẫn đến sức khỏe không đảm bảo. Một khi sức khỏe không đảm bảo thì năng suất lao động cũng không cao.
Xét trên góc độ thể chế, như đã đề cập giai cấp công nhân là giai cấp trực tiếp làm ra của cải vật chất, có tỉ suất đóng góp rất cao vào tăng trưởng GDP thì họ phải được hưởng thành quả xứng đáng. Nhìn lại “bức tranh” lao động một số địa phương phía Nam “hồi hương” do hệ lụy của đại dịch Covid-19, chúng ta càng thấy những bất cập về chính sách nhà ở công nhân và càng phải đẩy nhanh việc tháo gỡ cơ chế, chính sách giúp công nhân tiếp cận được với nhà ở. “Có an cư mới lạc nghiệp”.
Để công nhân có cơ hội tiếp cận với nhà ở bằng các hình thức thuê lâu dài, mua trả góp, bên cạnh việc các bộ, ngành, địa phương phải dành quỹ đất xây nhà ở cho công nhân, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công theo hướng tách đối tượng công nhân lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp ra khỏi nhóm đối tượng hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội; bổ sung chính sách về nhà ở riêng cho người lao động làm việc tại các doanh nghiệp.
Còn tại buổi làm việc của Thủ tướng với Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam mới đây, Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Nguyễn Phi Thường cũng đề nghị Chính phủ tổ chức Hội nghị toàn quốc để đánh giá việc thực hiện Quyết định số 655/QĐ-TTg ngày 12/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ “Về xây dựng các thiết chế công đoàn tại các khu công nghiệp và chế xuất” kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai, thực hiện. Khi phê duyệt xây dựng các khu công nghiệp, khu chế xuất, cần đồng bộ với việc đầu tư xây dựng nhà ở, trường học, các thiết chế cho công nhân lao động.
Nguồn: Báo lao động thủ đô