Bài 3: “Mốc son” trong công cuộc phát triển đất nước

(Xây dựng) – Thủy điện Trị An chính thức khởi công vào ngày 30/4/1984 đã khẳng định vai trò, ý nghĩa lớn lao, là một trong những công trình đột phá đầu tiên trong giai đoạn đất nước sau thống nhất.

Bài 3: “Mốc son” trong công cuộc phát triển đất nước
Nhân viên tổ máy Nhà máy Thủy điện Trị An đang vận hành tại tổ máy. (Ảnh: Nguyễn Đức)

Ngoài đóng góp to lớn cho phát triển kinh tế – xã hội, Thủy điện Trị An còn đánh dấu chặng đường đầu phát triển về khoa học kỹ thuật. Từ đó, đưa đến niềm tin đất nước Việt Nam phát triển về mọi mặt. Ghi nhận ý nghĩa, vai trò của công trình lịch sử Thủy điện Trị An, hình ảnh nhà máy thủy điện sau thời điểm đi vào vận hành đã được Nhà nước cho in trên mặt sau tờ tiền 5.000 đồng, được lưu hành đến cho đến ngày nay.

Sứ mệnh lớn lao

Thủy điện Trị An hôm nay nằm tĩnh lặng trên một khúc sông trong khung cảnh bao la, hùng vĩ cùng với mặt hồ bát ngát rộng hơn 332km2 với hệ sinh thái hết sức đa dạng…những ngày gian khổ kéo dài cả một thập kỷ dần lùi xa.

Ông Phạm Công Trữ, nguyên Chánh Văn phòng Đảng uỷ “Công trình Thuỷ điện Trị An ngày ấy” cho biết, khi lần giở từng trang sách, từng bức hình, ngắm nhìn từng kỷ vật, gặp lại những con người cũ thì những kỷ niệm xưa, những ngày hào hùng thuở nào như được tái hiện.

Ông Phạm Công Trữ thông tin thêm, qua tư liệu, các ý kiến, ghi nhận từ Chính phủ, các tổ chức và người dân cả nước khẳng định, công trình Thủy điện Trị An ra đời mang một sứ mệnh, chức năng nhiệm vụ vô cùng to lớn: Cung cấp nguồn điện năng lớn cho đất nước, góp phần tạo động lực cho sự phát triển kinh tế – xã hội của cả nước, đặc biệt là Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam; cải thiện hệ sinh thái, môi trường; điều tiết nước, điều tiết lũ đưa lại lợi ích trực tiếp cho hàng triệu người dân vùng hạ du…

Trong cuốn sách tập hợp các báo cáo, “Tổng kết chung công trình xây dựng Thủy điện Trị An trên sông Đồng Nai”, ghi: Công trình Thủy điện Trị An ra đời cứu nguy cho sự thiếu hụt trầm trọng của hệ thống điện năng miền Nam Việt Nam ở thời kỳ căng thẳng nhất, mở ra một thời kỳ mới cho sự phát triển kinh tế – xã hội miền Nam sau khi đất nước thống nhất, cung cấp điện liên tục và trải ra hầu khắp miền Nam kể cả những khu vực từ bao đời mơ tưởng lưới điện quốc gia. Tác động của nguồn điện Trị An ra đời đúng lúc không những dành cho sản xuất mà còn tạo một niềm tin, tâm lý xã hội, giải phóng sự ức chế về sinh hoạt và an ninh chính trị xã hội. Sự quý giá của nguồn điện Trị An ra đời đúng lúc tạo nên sự tự tin về sự học hỏi, tiếp thu khoa học kỹ thuật. Nếu như trước đây các công trình điện lực đều nhờ nước ngoài (chủ yếu là Liên Xô) tạo nên thì từ Thủy điện Trị An chúng ta đã có đội ngũ tự mình có thể đảm nhận phần lớn công việc. “Đứng lên” từ đây, sau Trị An chúng ta có những công trình thủy điện Hàm Thuận, Thác Mơ…

Có thể gói gọn “tầm vóc”, sứ mệnh lịch sử của công trình Thủy điện Trị An trong những lời đánh giá, ghi nhận của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười trong thời điểm đó (ngày 19/10/1989) như sau: “Công trình Thủy điện Trị An là công trình lớn, sau thời gian ngắn xây dựng, công trình đã hoàn thành. Các tổ máy của Nhà máy Thủy điện Trị An đi vào hoạt động đã, đang phát huy tác dụng to lớn trong việc phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa và phục vụ đời sống nhân dân nhiều địa phương thuộc các tỉnh, thành phía Nam…”. Suốt chiều dài xây dựng công trình thế kỷ “chưa có tiền lệ” Thủy điện Trị An cũng ghi dấu công lao, với những cống hiến, chỉ đạo, động viên đến từ các lãnh đạo Đảng và Nhà nước qua từng thời điểm lúc đó như: Tổng Bí thư Lê Duẩn, Tổng Bí thư Trường Chinh, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười, các Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt, Đồng Sỹ Nguyên…

Ngồi nhìn con đập chính của Thủy điện Trị An dài 420m, cao 40m, trong mênh mang trời nước bao la, chúng tôi đọc lại những bức thư, điện, công văn, chỉ thị về công tác xây dựng thủy điện ngày nào, cảm thấy mọi thứ như vừa mới diễn ra, thấy hàng trăm ngàn lượt những giọt mồ hôi và cả máu của cả một thế hệ hào hùng thuở ấy đang rỏ xuống giữa hoang vu đại ngàn lòng hồ.

Công ty Thủy điện Trị An – “cầm trịch” cho chặng đường dài

Trong quá trình phát triển của Thủy điện Trị An thì Công ty Thủy điện Trị An có vai trò xuyên suốt chiều dài xây dựng, hoạt động. Công ty được thành lập ngày 2/12/1987 (3 năm sau khi công trình thủy điện khởi công) theo Quyết định số 998/NL/TCCB của Bộ Năng lượng với tên gọi là Nhà máy Thủy điện Trị An, sau đó đổi tên là Công ty Thủy điện Trị An trực thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, theo Quyết định số 148/2006/QĐ-TTg ngày 22/06/2006 của Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ý nghĩa phát triển kinh tế, công trình Thuỷ điện Trị An đã tác động rất lớn đến tinh thần, an ninh chính trị xã hội thời kỳ mới thống nhất đất nước. Công ty Thủy điện Trị An được thành lập, đã “cầm trịch” chèo lái để các hoạt động của công trình được “trơn tru”. Công ty được đánh giá, ghi nhận là đã có những đóng góp hữu hiệu, phát huy những vai trò, truyền thống tốt đẹp từ cha anh để lại, được đánh giá là doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực thủy điện khu vực phía Nam. Với khẩu hiệu hành động “Thủy điện Trị An – Thắp sáng niềm tin”, cán bộ, công nhân viên Công ty luôn quán triệt tinh thần với mục tiêu chung luôn sẵn sàng và đảm bảo cung cấp đầy đủ sản lượng và chất lượng điện theo yêu cầu của Hệ thống điện Quốc gia, cùng với đó là thực hiện tốt chức năng của một “thủy điện đa mục tiêu” theo đúng vai trò, sứ mệnh của công trình.

Lãnh đạo Công ty Thủy điện Trị An cho biết, ngoài đáp ứng chuyên môn, các cán bộ, công nhân viên Công ty luôn được khuyến khích và tạo điều kiện thực hiện các hoạt động xã hội như làm các công tác thiện nguyện, đền ơn đáp nghĩa, hiến máu nhân đạo, bảo vệ môi trường. Các cán bộ, công nhân viên Công ty, do đặc trưng công trình gắn bó với địa bàn, nên luôn nắm bắt tinh thần tôn trọng phong tục, tập quán, các giá trị văn hóa tại địa phương, xây dựng mối quan hệ bền vững, gắn bó, chia sẻ với người dân địa phương.

Bài 3: “Mốc son” trong công cuộc phát triển đất nước
Máy móc được hiện đại hóa, áp dụng vào việc hoạt động tại nhà máy để theo kịp tốc độ phát triển như vũ bão của khoa học kỹ thuật hiện nay. (Ảnh: Nguyễn Đức)

Theo Ban lãnh đạo Công ty Thủy điện Trị An, một trong những vấn đề mà đơn vị đặt lên hàng đầu là phải luôn tôn trọng các giá trị bảo vệ môi trường cũng như tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về môi trường. Công ty thường xuyên thực hiện tốt các công tác bảo vệ môi trường nước, rừng và các luôn cố gắng đóng góp phần mình trong việc bảo vệ tài nguyên – môi trường nói chung. Công ty còn cam kết đầu tư thích đáng cho các hoạt động kiểm soát ô nhiễm môi trường đồng thời đã hoàn thiện cơ chế quản lý, kiểm soát chặt chẽ chất thải, để đảm bảo môi trường trong khu vực luôn được trong lành, xanh, sạch, không ô nhiễm. “Sự phát triển của Công ty Thủy điện Trị An sẽ đảm bảo không có yếu tố phương hại đến việc sử dụng các nguồn tài nguyên hôm nay và các thế hệ mai sau”, Ban lãnh đạo Công ty Thủy điện Trị An khẳng định.

Trong quá trình tác nghiệp để viết loạt bài này, phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã theo chân một số cán bộ, nhân viên Phòng Kỹ thuật của Công ty Thủy điện Trị An đi một vòng thăm các hầm máy, phòng vận hành của thủy điện và thực sự “choáng ngợp” với hệ thống máy móc kỹ thuật tại đây.

Theo lời một cán bộ phụ trách Phòng Kỹ thuật của thủy điện thì, nhằm đáp ứng yêu cầu công việc và bắt kịp trình độ khoa học kỹ thuật tiên tiến, đội ngũ cán bộ, công nhân nhà máy nhiều năm qua phải luôn luôn học hỏi, không ngừng nâng cao kiến thức, trình độ và đạo đức trong công việc.

Ông Võ Tấn Nhẫn, Giám đốc Công ty Thủy điện Trị An bày tỏ, lãnh đạo, công nhân viên Công ty hiện nay là thế hệ kế thừa đáng tự hào của thế hệ đi trước. Tập thể lãnh đạo, cán bộ, công nhân viên nhà máy thủy điện Trị An luôn cố gắng dốc tâm, toàn lực để vận hành nhà máy hoạt động “trơn tru” như suốt 40 năm qua. “Kế thừa truyền thống cha anh, các thế hệ nối tiếp của công ty luôn phấn đấu để Thủy điện Trị An mãi là niềm tự hào, xứng đáng được ghi nhận là một dấu son trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước”, ông Võ Tấn Nhẫn bày tỏ.

Bài dự thi viết về Công trình xanh Việt Nam năm 2024 do Báo Xây dựng phát động. Ban tổ chức cuộc thi không trả nhuận bút các bài dự thi. Tác giả chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực và bản quyền bài viết.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích