Quy hoạch chung Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh đến năm 2045: Vùng kinh tế động lực của tỉnh Gia Lai
(Xây dựng) – Ngày 12/9, Vụ trưởng Vụ Quy hoạch – Kiến trúc (Bộ Xây dựng) Trần Thu Hằng chủ trì Hội nghị thẩm định Đồ án quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế (KKT) cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh, tỉnh Gia Lai đến năm 2045.
Vụ trưởng Vụ Quy hoạch – Kiến trúc Trần Thu Hằng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. |
Khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực
KKT cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh được thành lập theo Quyết định số 139/2001/QĐ-TTg ngày 21/09/2001 của Thủ tướng Chính phủ (khi đó mang tên KKT cửa khẩu Đường 19). Từ đó đến nay, tình hình kinh tế, chính trị thế giới và khu vực biên giới có nhiều thay đổi. Nhiều văn bản pháp luật mới liên quan đến quy hoạch xây dựng cũng được điều chỉnh, ban hành. Vì vậy, quy hoạch cũ chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển trong tình hình mới.
Vì vậy, việc lập quy hoạch chung KKT cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh là rất quan trọng để phát triển toàn diện và mang tính định hướng lâu dài. Theo đó, phạm vi ranh giới lập quy hoạch chung KKT cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh bao gồm toàn bộ thị trấn Chư Ty, các xã: Ia Kla, Ia Dom, Ia Nan, Ia Pnôn thuộc huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai, tổng diện tích tự nhiên khoảng 41.515ha. Thời hạn lập quy hoạch ngắn hạn đến năm 2030, dài hạn đến năm 2045.
Vào năm 2030, dự báo quy mô dân số KKT khoảng 50.000 – 55.000 người, nhu cầu đất xây dựng khoảng 2.949ha. Đến năm 2045, dự báo quy mô dân số khoảng 75.000 – 90.000 người, nhu cầu đất xây dựng khoảng 3.477ha.
Mục tiêu lập quy hoạch là xây dựng KKT cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh trở thành một vùng kinh tế động lực của tỉnh Gia Lai. Quy hoạch sẽ xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, xã hội đồng bộ, đáp ứng yêu cầu của một KKT cửa khẩu quốc tế năng động, phát triển bền vững, góp phần phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao đời sống cho người dân, củng cố quốc phòng – an ninh và bảo vệ chủ quyền quốc gia.
Quy hoạch cũng nhằm cụ thể hóa các chiến lược phát triển vùng biên giới Việt Nam – Campuchia, quy hoạch xây dựng vùng Tây Nguyên, quy hoạch tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các quy hoạch chuyên ngành khác đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Quy hoạch sẽ khai thác tiềm năng và lợi thế của vùng phía Tây tỉnh Gia Lai nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, cải thiện chất lượng cuộc sống và bảo vệ môi trường.
Đồng thời, quy hoạch cũng hướng đến phát triển đầu mối giao thương với các vùng kinh tế trong khu vực Đông Bắc Campuchia và và khu vực Tây Nguyên; phát triển cân bằng giữa khu vực kinh tế cửa khẩu – đô thị – nông nghiệp, nông thôn, gắn với phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Gia Lai Nguyễn Bá Thạch tiếp thu các ý kiến đóng góp của Hội đồng thẩm định. |
Về tính chất, KKT cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh sẽ là KKT tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực, bao gồm khu phi thuế quan (khu gia công sản xuất, xuất nhập khẩu, trưng bày triển lãm, giới thiệu sản phẩm…) và khu thuế quan (công nghiệp, đô thị, dịch vụ du lịch và các trung tâm tiếp vận…).
KKT cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh đóng vai trò là đầu mối giao thương quan trọng ở phía Tây tỉnh Gia Lai, kết nối vùng Tây Nguyên với các nước Campuchia, Myanmar và Thái Lan. Đây cũng là điểm trung chuyển hàng hóa và khách du lịch quan trọng trên tuyến hành lang Đông – Tây giữa Việt Nam và Campuchia.
Đồng thời, KKT của khẩu quốc tế Lệ Thanh cũng là động lực phát triển kinh tế của tiểu vùng phía Tây tỉnh Gia Lai, với trọng tâm phát triển tập trung các hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu hàng hoá qua biên giới, cửa vào ra của khu vực Đông Bắc Campuchia, khu vực Tây Nguyên xuống cảng biển Quy Nhơn.
Ngoài ra, đây còn là trung tâm dịch vụ du lịch lâm viên sinh thái nghỉ dưỡng dưới tán rừng; Trung tâm công nghiệp, thương mại – dịch vụ của tỉnh Gia Lai và vùng Tây Nguyên, có vị trí chiến lược về quốc phòng – an ninh.
Về định hướng phát triển không gian, KKT cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh sẽ phát triển theo hướng 2 hành lang (hành lang đô thị – dịch vụ – công nghiệp dọc Quốc lộ 19 và hành lang sinh thái – biên giới), 4 vùng phát triển động lực (Khu phi thuế quan, Khu công nghiệp cửa khẩu, thị trấn Chư Ty và các xã.
Bên cạnh đó, Quy hoạch xây dựng chung KKT cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh đến năm 2045 cũng làm rõ các nội dung về thiết kế đô thị, định hướng quy hoạch hạ tầng kỹ thuật, bảo vệ môi trường và các chương trình, dự án ưu tiên đầu tư.
Cần làm rõ động lực phát triển và kết nối vùng của khu kinh tế
Về cơ bản, các thành viên của Hội đồng thẩm định nhất trí thông qua Quy hoạch xây dựng chung KKT cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh đến năm 2045, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt. Tuy nhiên, các Bộ, ngành, Hội, Hiệp hội và các chuyên gia vẫn đóng góp một số ý kiến đề nghị UBND tỉnh Gia Lai và đơn vị tư vấn tiếp thu, hoàn thiện Đồ án trước khi trình lên Thủ tướng Chính phủ.
TS. KTS. Nguyễn Xuân Hinh, nguyên Trưởng Khoa Quy hoạch, trường Đại học Kiến trúc Hà Nội đề nghị rà soát sự phù hợp với quy hoạch cấp trên, làm rõ quy hoạch vùng cảnh quan tự nhiên và đô thị, xác định rõ các vùng kiến trúc cảnh quan cũng như phát triển cảnh quan trung tâm.
TS. Trần Anh Tuấn, nguyên Phó Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật đề nghị đánh giá điều kiện tự nhiên chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và lập bản đồ đánh giá khả năng phòng chống thiên tai; Bổ sung số liệu về xuất nhập khẩu hàng hóa và dự báo khả năng xuất nhập khẩu qua cửa khẩu; Làm rõ các vấn đề môi trường liên quan đến khu vực sông suối và nước thải công nghiệp; Ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho khu du lịch và khu công nghiệp…
Toàn cảnh Hội nghị. |
Bộ Ngoại giao cho rằng, Đồ án cần điều chỉnh thuật ngữ phù hợp hơn và bổ sung các văn bản pháp lý về công tác cắm mốc biên giới. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị thống nhất số liệu về đánh giá hiện trạng của KKT, bổ sung đánh giá mối quan hệ với các KKT cửa khẩu khác.
Bộ Tài chính đề nghị cập nhật số liệu mới nhất, xác định rõ nguồn lực để thực hiện các chương trình, dự án ưu tiên đầu tư, làm rõ phân kỳ đầu tư.
Bộ Công Thương lưu ý việc cụ thể hóa định hướng phát triển công nghiệp, thương mại biên giới, phát triển hạ tầng thương mại, làm rõ định hướng cho ngành chế biến thực phẩm. Bộ Giao thông vận tải đề nghị bổ sung các dự án giao thông thuộc thẩm quyền của địa phương, làm rõ hơn về phương án tuyến cao tốc Pleiku – Lệ Thanh.
Bộ Quốc phòng lưu ý việc đảm bảo diện tích đất quốc phòng khi phát triển các khu công nghiệp. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị rà soát quy hoạch sử dụng đất đai, thống nhất số liệu thống kê hiện trạng sử dụng đất.
Bộ Y tế đề nghị bổ sung Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Xem xét việc quy hoạch đầu tư bệnh viện đa khoa quốc tế; Đảm bảo quỹ đất dành cho y tế phù hợp với phát triển kinh tế và an sinh xã hội. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch rà soát, thống nhất số liệu về số lượng và doanh thu từ du khách quốc tế, bổ sung nội dung về không gian văn hóa.
Hội Kiến trúc sư Việt Nam lưu ý định hình cấu trúc không gian đô thị cho 2 đô thị Lệ Thanh và Chư Ty, chú trọng khai thác cảnh quan kiến trúc đô thị. Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam đề nghị làm rõ hơn về đánh giá hiện trạng quy hoạch, sử dụng đất; Phân tích vai trò, vị thế của KKT trong mối quan hệ vùng Việt Nam – Lào – Campuchia; Làm rõ chiến lược phát triển, tính cạnh tranh với các KKT cửa khẩu khác.
Thay mặt chính quyền địa phương, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Gia Lai Nguyễn Bá Thạch đã tiếp thu các ý kiến góp ý để chỉ đạo đơn vị tư vấn nhanh chóng chỉnh sửa, hoàn thiện Đồ án quy hoạch. Nhân dịp này, Giám đốc Nguyễn Bá Thạch cũng giải trình một số nội dung về quy hoạch mạng lưới đường bộ, phát triển cao tốc, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch lâm nghiệp, phát triển du lịch tâm linh, phát triển khu công nghiệp trong KKT cửa khẩu…
Kết luận Hội nghị, Vụ trưởng Vụ Quy hoạch – Kiến trúc Trần Thu Hằng đánh giá Đồ án có chất lượng cao, tuân thủ các quy định pháp luật. Tuy nhiên, UBND tỉnh Gia Lai và đơn vị tư vấn vẫn phải tiếp thu các ý kiến đóng góp để hoàn chỉnh Đồ án quy hoạch thực sự là cơ sở pháp lý quan trọng để thu hút đầu tư.
Trước hết, Đồ án phải hoàn thiện cơ sở pháp lý, rà soát, bổ sung quy hoạch ngành, quy hoạch quốc gia, đồng thời cập nhật số liệu mới nhất đến năm 2023.
Đồ án phải làm rõ động lực phát triển của KKT, làm rõ hơn việc kết nối vùng Tây Nguyên với vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, kết nối các khu vực trong tỉnh Gia Lai. Đồ án cần làm rõ tính chất của KKT, phân vùng phát triển, nêu bật các vùng chức năng và tiềm năng phát triển du lịch; Rà soát quy hoạch sử dụng đất; Đảm bảo căn cứ pháp lý về hệ thống vành đai khu vực biên giới, ranh giới cắm mốc biên giới; Hoàn thiện định hướng kiểm soát không gian khu vực cửa khẩu, thị trấn Chư Ty và các không gian phát triển mới; Bám sát 3 động lực Công nghiệp – Dịch vụ – Nông nghiệp để định vị chức năng cho KKT…
Nguồn: Báo xây dựng