Vĩnh Phúc: Không chủ quan, lơ là trong việc ứng phó với bão số 3

(Xây dựng) – Đây là chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Trần Duy Đông khi đi kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai tại hồ Thanh Lanh, xã Trung Mỹ, huyện Bình Xuyên; hồ Đại Lải, xã Ngọc Thanh, thành phố Phúc Yên và Trạm bơm tiêu Kim Xá, xã Hoàng Đan, huyện Tam Dương vào trưa 7/9.

Vĩnh Phúc: Không chủ quan, lơ là trong việc ứng phó với bão số 3
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông yêu cầu Công ty TNHH MTV Thủy lợi Tam Đảo chủ động xây dựng các kịch bản xả lũ trong mọi tình huống.

Để chủ động trong công tác ứng phó với bão số 3, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Phúc Yên và huyện Bình Xuyên chỉ đạo Công ty TNHH MTV Thủy lợi Phúc Yên và Tam Đảo xả tràn nước hồ Đại Lải xuống cote+20,00m để đón lũ; hồ Thanh Lanh xuống cote+75,00m để chủ động ứng phó với cơn bão số 3 với lưu lượng xả từ 20m3/s đến 100m3/s tùy theo diễn biến tình hình mưa, lũ.

Tại thời điểm kiểm tra, khoảng 11h, mực nước hồ Đại Lải ở cao trình cote+20,60m; mực nước hồ Thanh Lanh ở cao trình cote+75,1m và đang tiếp tục dâng lên do nước lũ dồn về.

Trạm bơm tiêu Kim Xá có công suất 30m3/s là 1 trong 3 công trình trọng điểm của dự án quản lý nguồn nước ngập lụt Vĩnh Phúc có nhiệm vụ bơm tiêu nước úng khu vực Tam Dương, Vĩnh Tường, Yên Lạc và Vĩnh Yên. Tại thời điểm kiểm tra, khoảng 12h, mực nước bể hút của trạm bơm ở cao trình cote +10,7m.

Vĩnh Phúc: Không chủ quan, lơ là trong việc ứng phó với bão số 3
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai tại hồ Đại Lải.

Ghi nhận, đánh giá cao sự chủ động, tích cực, quyết liệt các biện pháp ứng phó bão số 3 của các cấp, ngành, địa phương liên quan, song Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông cũng nhấn mạnh, bão số 3 là siêu bão có cường độ mạnh nhất trong 30 năm trở lại đây, sẽ gây ra đợt mưa rất lớn phổ biến từ 100 – 350mm, có nơi trên 500mm, tập trung vào ngày và đêm nay.

Trước diễn biến bất thường, khó lường của cơn bão, đồng chí yêu cầu các Sở, ngành, địa phương tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến của bão, tuyệt đối không được chủ quan lơ là, chủ động phòng ngừa, ứng phó ở mức cao nhất để bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản của nhân dân và Nhà nước.

Đồng thời, sẵn sàng vật tư, phương tiện ứng phó với bão số 3; bố trí nhân lực, tổ chức trực ban nghiêm túc (24/24h) trong thời gian có mưa lũ; đẩy mạnh tuyên truyền về diễn biến, hướng đi, ảnh hưởng của bão để người dân nâng cao cảnh giác, không chủ quan, lơ là trong việc bảo vệ tính mạng, tài sản.

Tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, có nguy cơ sạt lở, những đoạn đê xung yếu, phải cắm biển cảnh báo nguy hiểm, rào chắn; bố trí lực lượng để thực hiện công tác ứng trực 24/24h, hướng dẫn giao thông.

Vĩnh Phúc: Không chủ quan, lơ là trong việc ứng phó với bão số 3
Các Sở, ngành, địa phương chủ động phòng ngừa, ứng phó ở mức cao nhất để bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản của nhân dân và Nhà nước.

Đặc biệt, phải xây dựng kịch bản ứng phó trong mọi tình huống để không bị động, bất ngờ khi có sự cố xảy ra; sẵn sàng huy động các lực lượng vào cuộc khi cần thiết; phải có phương án, chủ động nhân lực, phương tiện, sẵn sàng di dời người và tài sản khỏi khu vực nguy hiểm khi có sự cố do cơn bão số 3 gây ra.

Đối với các Công ty TNHH MTV Thủy lợi trên địa bàn tỉnh nói chung, 2 Công ty TNHH MTV Thủy lợi Phúc Yên và Tam Đảo nói riêng, ông Trần Duy Đông yêu cầu kiểm tra, rà soát 24/24h, sẵn sàng phương án bảo đảm an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ thủy lợi xung yếu; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra, đồng thời chủ động xây dựng các kịch bản xả lũ trong mọi tình huống.

Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc lưu ý phải thông báo cho các cấp chính quyền, người dân vùng hạ du về tình hình điều tiết xả nước hồ để có phương án di dời người và tài sản, phòng tránh ngập úng và lập các chốt canh gác tại các ngầm, tràn bị ngập, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân vùng hạ du.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích