Sở Xây dựng quyết tâm xây dựng chính quyền điện tử hiệu quả
(Xây dựng) – Thực hiện theo Quyết định 1004/QĐ-BXD về việc phê duyệt “Kế hoạch chuyển đổi số ngành Xây dựng giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030” của Bộ Xây dựng, Sở Xây dựng địa phương đã nghiên cứu lồng ghép tối đa các nội dung về chuyển đổi số trong quá trình xây dựng các chiến lược, chính sách, quy hoạch, kế hoạch phát triển của ngành Xây dựng nhằm phục vụ người dân, doanh nghiệp và thực hiện hiệu quả nhiệm vụ quản lý Nhà nước.
Người dân, tổ chức, doanh nghiệp dễ dàng tra cứu thông tin trên website của Sở Xây dựng. |
Kế hoạch Chuyển đổi số ngành Xây dựng giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030 dựa trên quan điểm: Chuyển đổi số ngành Xây dựng là nội dung rất quan trọng cần tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả để góp phần tăng năng suất lao động, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa và doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, nâng cao chất lượng dịch vụ công của Bộ Xây dựng.
Qua số liệu báo cáo của Bộ Xây dựng, đến nay, tình hình chuyển đổi số ngành dọc thuộc lĩnh vực quản lý có những bước tiến mạnh. Theo đó, về triển khai ứng dụng các nền tảng số phục vụ công tác chỉ đạo điều hành và hoạt động chuyên môn nghiệp vụ đã được các Sở ứng dụng nền tảng số để phục vụ công tác chỉ đạo điều hành và hoạt động chuyên môn nghiệp vụ về quản lý hồ sơ công việc, chỉ đạo điều hành và hành chính công như: Domino lotus note, eCabinet, VNPT-iOffice, Voffice, One-Win SYS, iDesk, iGate… Một số địa phương đã tích hợp chức năng “họp không giấy tờ” để tiết kiệm thời gian, chi phí in ấn tài liệu; sử dụng hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến.
Điển hình như Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai sử dụng: Phần mềm Quản lý văn bản; phần mềm chuyên ngành quản lý thông tin dự án đầu tư xây dựng, thông tin chấp thuận chủ trương đầu tư, lựa chọn chủ đầu tư và chấp thuận đầu tư, thông tin nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước, chung cư, nhà ở xã hội, cấp phép xây dựng… Nhờ đó, người dân, tổ chức, doanh nghiệp chỉ mất vài giây để tra cứu thông tin: dự án nhà ở thương mại trên địa bàn Thành phố, tình trạng giải quyết hồ sơ, giấy phép xây dựng, chứng chỉ hành nghề và các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của Sở Xây dựng.
Ngoài ra, người dân, tổ chức, doanh nghiệp có thể gửi phản ánh, góp ý qua ứng dụng các thông tin về vi phạm trật tự xây dựng, sự cố hạ tầng kỹ thuật, công trình xây dựng, ngập nước, chiếu sáng… Hệ thống sẽ thông báo tức thì đến phòng, đơn vị trực thuộc Sở Xây dựng, thông qua ứng dụng và kèm tin nhắn văn bản (SMS) gửi đến điện thoại di động.
Ứng dụng chuẩn bị triển khai trong năm 2024 – 2025 tại Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh gồm: Hệ thống phần mềm ứng dụng phục vụ quản lý cấp phép xây dựng tại Sở Xây dựng và các quận, huyện, thành phố Thủ Đức. Hệ thống quản lý hạ tầng kỹ thuật đô thị. Tạo lập cơ sở dữ liệu và số hóa hồ sơ, tài liệu Giấy phép xây dựng và hồ sơ Quản lý nhà thuộc sở hữu Nhà nước, giai đoạn 2023 – 2025.
Đối với Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng, ngày 10/05/2023 Sở Xây dựng Lâm đồng và VNPT Lâm Đồng – tập đoàn bưu chính viễn thông Việt Nam đã ký kết thỏa thuận hợp tác chuyển đổi số ngành xây dựng. Trong giai đoạn 2023 – 2024 sẽ tập trung hợp tác triển khai: Số hóa quy hoạch xây dựng và quy hoạch đô thị được UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt để công bố thông tin trên cổng thông tin quy hoạch đô thị của tỉnh.
Đến nay, đã số hóa và đưa lên khoảng 70% đồ án quy hoạch được phê duyệt của các đô thị và phân khu trên địa bàn tỉnh, đang chạy tại địa chỉ: https://quyhoach.lamdong.gov.vn/. Xây dựng trung tâm điều hành thông minh của Sở Xây dựng, đưa vào hoạt động thử nghiệm cuối tháng 10/2023 và đã khai trương hoạt động chính thức vào ngày 05/01/2024. Hệ thống Trung tâm điều hành thông minh – IOC Sở Xây dựng bám sát các nội dung của IOC cấp tỉnh và dựa trên các nền tảng công nghệ hiện đại, tiên tiến đã góp phần thay đổi một cách khoa học và có hiệu quả trong công tác quản lý chỉ đạo và điều hành.
Sở Xây dựng các địa phương tham dự Hội nghị trực tuyến chuyển đổi số ngành Xây dựng |
Tại Sở Xây dựng thành phố Đà Nẵng, các phòng, ban thuộc Sở sử dụng Hệ thống thông tin chính quyền điện tử thành phố Đã Nẵng gồm: Các phần mềm Quản lý văn bản và điều hành, Một cửa điện tử, Cổng góp ý 1022 và Quản lý hồ sơ cán bộ công chức, viên chức…; hệ thống sử dụng dịch vụ SSO (đăng nhập một lần) bằng địa chỉ hộp thư điện tử thành phố cấp. Sở đã phát triển ứng dụng cơ sở dữ liệu và phần mềm quản lý Nhà nước chuyên ngành Xây dựng đến các phòng, ban thuộc Sở để thực hiện chuyển đổi số các nghiệp vụ chuyên môn, đồng thời là nơi lưu trữ dữ liệu tập trung phục vụ việc tra cứu, khai thác dữ liệu trong công việc…
Tại Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ngãi, Sở đã triển khai ứng dụng các nền tảng số chính như sau: Nền tảng Điện toán đám mây, Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu, Nền tảng Trung tâm giám sát điều hành an toàn thông tin mạng, Nền tảng hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính, Nền tảng cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về bảo hiểm xã hội, Nền tảng CSDL quốc gia về dân cư, Nền tảng họp trực tuyến thế hệ mới cho cơ quan Nhà nước.
100% các Sở Xây dựng địa phương đã ứng dụng chữ ký số vào công tác chỉ đạo điều hành và giải quyết thủ tục hành chính. Số lượng chữ ký số được cấp phát và sử dụng tại Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh được cấp nhiều nhất.
Về kết quả giải quyết các thủ tục hành chính trực tuyến từ năm 2021 đến nay cho thấy, các địa phương đã và đang tích cực triển khai đầu tư nâng cấp hệ thống để tăng cường việc phục vụ người dân và doanh nghiệp. Theo số liệu báo cáo, cho thấy 6 tháng đầu năm 2024, tỷ lệ nộp hồ sơ trực tuyến đạt 100% tại các Sở Xây dựng: Hưng Yên, Nam Định, Thành phố Hồ Chí Minh, Bắc Giang, Hà Giang, Long An… Việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính đạt tỷ lệ ước tính 80%, tại nhiều địa phương đã đạt 100% như: Nam Định, Thanh Hóa, Bắc Ninh, Hưng Yên, Ninh Bình, Hải Phòng, Kon Tum, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bắc Giang, Hà Giang, Bắc Kạn…
Về hiện trạng triển khai các hệ thống cung cấp dịch vụ công của Bộ Xây dựng tại các địa phương còn ít. Nguyên nhân là do: Thiếu nguồn nhân lực phụ trách triển khai, thiếu trang thiết bị phục vụ kỹ thuật kết nối và hệ thống, các địa phương đều đã triển khai trên Cổng dịch vụ công cấp tỉnh, một số Sở Xây dựng không giải quyết dịch vụ công cấp giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ do đã phân cấp thẩm quyền về cấp huyện.
Tuy nhiên, theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Xây dựng khuyến nghị các địa phương phối hợp triển khai kết nối, tích hợp 3 hệ thống dịch vụ công để đảm bảo tính đồng bộ hồ sơ, rút ngắn thời gian nộp hồ sơ, nhận hồ sơ và giải quyết hồ sơ phục vụ công tác cải cách hành chính, hiện đại hóa và minh bạch các hoạt động thuộc lĩnh vực Xây dựng.
Nguồn: Báo xây dựng