Cần Thơ: Kiến nghị Bộ Xây dựng nghiên cứu thí điểm các mô hình thiết kế kiến trúc bền vững

(Xây dựng) – UBND thành phố Cần Thơ vừa ban hành Báo cáo số 243/BC-UBND kết quả thực hiện Định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Cần Thơ: Kiến nghị Bộ Xây dựng nghiên cứu thí điểm các mô hình thiết kế kiến trúc bền vững
Thành phố Cần Thơ bên dòng sông thơ mộng.

Thực hiện Công văn số 4399/BXD-QHKT ngày 02/8/2024 của Bộ Xây dựng báo cáo kết quả thực hiện Định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định số 1246/QĐ-TTg ngày 19/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ và Quy chế quản lý kiến trúc đô thị và điểm dân cư nông thôn, UBND thành phố Cần Thơ báo cáo kết quả thực hiện như sau:

Căn cứ Quyết định số 1246/QĐ-UBND ngày 19/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, UBND thành phố Cần Thơ đã tổ chức xây dựng kế hoạch triển khai phù hợp với điều kiện địa phương, ban hành kèm theo Công văn số 2154/UBND-XDĐT ngày 06/6/2022.

Theo UBND thành phố Cần Thơ, việc triển khai kế hoạch được thuận lợi là thực hiện theo Luật Kiến trúc ngày 13/6/2019, Nghị định số 85/2020/NĐ-CP ngày 17/7/2020 của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Xây dựng. Theo đó, UBND thành phố Cần Thơ đã tổ chức lập Quy chế quản lý kiến trúc đô thị thành phố Cần Thơ ban hành kèm theo Quyết định số 16/2023/QĐ-UBND ngày 19/7/2023 theo trình tự thủ tục quy định.

Trong đó, thành phố Cần Thơ lồng ghép các nội dung định hướng phát triển kiến trúc trúc Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Thường xuyên tổ chức tuyên truyền về định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đặc biệt là Quy chế quản lý kiến trúc đô thị thành phố Cần Thơ và kỷ niệm Ngày Kiến trúc Việt Nam nhằm nâng cao nhận thức về kiến trúc, văn hóa địa phương của cộng đồng, đồng thời khuyến khích sự tham gia của cộng đồng trong các hoạt động kiến trúc để bảo toàn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc. Tích cực phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì thực hiện các nhiệm vụ chủ yếu…

Trong thực hiện còn khó khăn là Định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam với mục tiêu xây dựng nền kiến trúc nước nhà văn minh, hiện đại, bền vững, giàu bản sắc… đòi hỏi sự vào cuộc của cả bộ máy chính quyền, địa phương và cộng đồng dân cư nhằm đảm bảo tính kế thừa truyền thống, bảo tồn văn hóa, tiếp thu chọn lọc những tinh hoa kiến trúc thế giới tạo nên một nền kiến trúc riêng của Việt Nam, tạo lập môi trường sống bền vững gắn với bảo vệ vững chắc Tổ quốc.

Qua thực tế triển khai thực hiện Định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong thời gian qua, UBND thành phố Cần Thơ kiến nghị Bộ Xây dựng quan tâm nghiên cứu, xây dựng hoàn thiện và triển khai hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia về kiến trúc, xây dựng Hệ thống cơ sở quốc gia về kiến trúc và quản lý hành nghề kiến trúc.

Tăng cường tập huấn, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực kiến trúc. Nghiên cứu thí điểm các mô hình thiết kế kiến trúc bền vững, đáp ứng yêu cầu ứng phó biến đổi khí hậu, phòng chống dịch bệnh thiên tai. Đề xuất xây dựng cơ chế chính sách ưu đãi cho việc bảo tồn, phát huy, bản sắc văn hóa dân tộc trong kiến trúc và bảo vệ các công trình kiến trúc có giá trị.

Kiến nghị Hội Kiến trúc sư Việt Nam nghiên cứu hoàn thiện Đề án bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc kiến trúc của các dân tộc Việt Nam, đề xuất các cơ chế chính sách trong công tác đào tạo, lý luận, phê bình, phản biện, giám sát về hoạt động kiến trúc.

UBND thành phố Cần Thơ cho biết, hiện nay đã hoàn thành công tác tổ chức lập và phê duyệt Quy chế quản lý kiến trúc đô thị thành phố Cần Thơ ban hành kèm theo Quyết định số 16/2023/QĐ-UBND ngày 19/7/2023 theo trình tự thủ tục quy định. UBND thành phố Cần Thơ thực hiện phân cấp cho UBND huyện phê duyệt, ban hành Quy chế quản lý kiến trúc điểm dân cư nông thôn.

Nhằm đảm bảo thống nhất, đồng bộ, hạn chế sự chồng chéo trong công tác quản lý quy hoạch, kiến trúc; mặt khác, tiết kiệm nguồn lực và kinh phí cho việc tổ chức lập đồng thời Quy hoạch chung xây dựng xã và Quy chế quản lý kiến trúc điểm dân cư nông thôn, UBND thành phố Cần Thơ chỉ đạo UBND huyện tích hợp Quy chế quản lý kiến trúc điểm dân cư nông thôn và nội dung Quy hoạch chung xã theo khoản 2 Điều 13 Nghị định số 85/2020/NĐ-CP ngày 17/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Kiến trúc và hướng dẫn tại điểm d khoản 2 Điều 34 Thông tư số 04/2022/TT-BXD ngày 24/10/2022 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích