Thái Bình sơ tán hơn 4.000 dân
Thái Bình sơ tán hơn 4.000 dân
Để đảm bảo an toàn về người và tài sản của người dân, trước tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, một số tuyến đê xung yếu có hiện tượng xói lở, xuất hiện mạch sủi, Thái Bình đã tổ chức sơ tán hơn 4.000 dân, ở huyện Vũ Thư, Hưng Hà,…
Để đảm bảo an toàn về người và tài sản của người dân, trước tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, một số tuyến đê xung yếu có hiện tượng xói lở, xuất hiện mạch sủi, Thái Bình đã tổ chức sơ tán hơn 4.000 dân, ở huyện Vũ Thư, Hưng Hà,…
Do nước từ thượng nguồn đổ về liên tục kèm mưa lớn ở hạ nguồn khiến mực nước tại hệ thống sông của Thái Bình dâng cao, nhiều tuyến đê bối, bờ bao có nguy cơ bị tràn. Đối với gần 8km đê bối xã Quỳnh Lâm, công tác xử lý, gia cố chống tràn được huyện Quỳnh Phụ thực hiện khẩn trương, quyết liệt tại hơn 10 điểm xung yếu trên tuyến đê. Từ ngày 11/9 đến nay, hơn 1.000 cán bộ, chiến sĩ lực lượng quân đội, công an, dân quân tất cả các xã trong huyện được huy động cùng nhân dân xã Quỳnh Lâm và các xã lân cận tham gia xử lý, bảo vệ an toàn khu dân cư bên trong đê. Cùng với đó, huyện cũng lên phương án di chuyển người dân xã Quỳnh Lâm đến các địa phương khác nếu xảy ra các tình huống xấu với phương châm bảo đảm tuyệt đối an toàn tính mạng cho nhân dân.
Tại huyện Vũ Thư, ngay trong đêm 11/9, huyện đã huy động lực lượng quân đội, công an cùng sự hỗ trợ của hàng trăm người dân tham gia đắp trạch chống tràn tuyến đê tả Hồng Hà II tại cống Tân Lập. Xã Tân Lập đã huy động 240m3 cát, trên 10.000 bao bì và lực lượng gần 400 người tiến hành đắp 550m trạch đê; đồng thời di dời các hộ dân khu vực bến phà cũ thôn Tân Đệ và những hộ gia đình già cả, neo đơn bị ngập úng ở các thôn còn lại đến nơi an toàn. Trước đó, để gia cố, chống tràn tuyến đê bối xã Bách Thuận có chiều dài trên 7,5km, xã Bách Thuận huy động 500m3 đất cát, hàng chục nghìn bao bì; huy động gần 1.000 người gồm lực lượng thường trực hộ đê và nhân dân tham gia gia cố những đoạn xung yếu.
Đến 9 giờ sáng nay, các huyện và thành phố đã tổ chức di dời 1.577 hộ/4.443 nhân khẩu sinh sống ở vùng đê bối vào nơi tránh trú an toàn. Địa phương phải sơ tán dân nhiều nhất là huyện Vũ Thư với 748 hộ/2.158 khẩu; tiếp đến là huyện Hưng Hà 264 hộ/967 khẩu.
Riêng trong ngày hôm qua (11/9), các huyện gồm: Hưng Hà, Thái Thụy và Vũ Thư dồn sức xử lý 7 điểm sự cố liên quan đến hệ thống đê, kè, cống như: Xói lở chân đê, xuất hiện mạch sủi trên đê, chống tràn qua phai cống và bờ bao, đê bối…
Trong chuyến kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó với mưa lũ, hộ đê tại 2 huyện Quỳnh Phụ và Vũ Thư chiều 12/9, ông Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Thái Bình nhấn mạnh: Trong thời gian tới, tình hình lũ trên các sông vẫn diễn biến phức tạp, đề nghị các địa phương, lực lượng chức năng tiếp tục phát huy hiệu quả phương châm “4 tại chỗ”, tăng cường kiểm tra, rà soát, phát hiện các sự cố phát sinh, những ẩn họa và nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn đê để kịp thời xử lý ngay từ phút đầu, giờ đầu.
Ưu tiên tối đa nhân lực, vật lực, phương tiện đối với đê quốc gia; trong đó, hết sức chú trọng những vị trí đê, kè, cống xung yếu, chủ động phương án chống tràn tại các vị trí đê thấp trũng.
Đối với bờ bao, đê bối khu vực có dân cư, các địa phương cần lên phương án di dời người và tài sản các hộ trong vùng ảnh hưởng, kiên quyết không để thiệt hại về người với phương châm “tính mạng của người dân là trên hết, trước hết, giảm thiểu tối đa thiệt hại về tài sản”. Các lực lượng tham gia tuần tra, canh gác đê thường trực 24/24 giờ, thường xuyên kiểm tra đoạn tuyến phụ trách, không được lơ là, chủ quan; nghiêm cấm các lực lượng bỏ vị trí.
Hiện nay, tỉnh Thái Bình đã cấm tất cả phương tiện cơ giới không được lưu thông trên đê (trừ xe kiểm tra đê, xe hộ đê, xe làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, cứu thương, cứu hỏa). Bên cạnh đó, dừng tất cả các hoạt động của bến đò ngang trên triền sông.
Ngoài ra, tỉnh Thái Bình chỉ đạo 7 huyện và thành phố Thái Bình tổ chức thành lập 18 Sở chỉ huy tiền phương trên các triền đê để kịp thời phát hiện, xử lý nhanh các sự cố lớn uy hiếp trực tiếp các tuyến đê, kè, cống.
Trong thời điểm này, địa phương, đơn vị nào để xảy ra sự cố không xử lý kịp thời do chủ quan, lơ là thì Thủ trưởng, người đứng đầu đơn vị, địa phương chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh và pháp luật.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị