Hà Nam: Ra công điện yêu cầu tập trung ứng phó lũ lớn, bảo đảm an toàn đê điều
Hà Nam: Ra công điện yêu cầu tập trung ứng phó lũ lớn, bảo đảm an toàn đê điều
Ngày 12/9/2024, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam đã có Công điện số 02/CĐ – UBND về việc tập trung ứng phó lũ lớn, đảm bảo an toàn đê điều trên các sông trên địa bàn tỉnh.
Trên địa bàn tỉnh Hà Nam, theo báo cáo của Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, mực nước lúc 00 giờ ngày 12/9/2024 trên sông Hồng tại trạm thuỷ văn Hưng Yên là 7,50 m (trên Báo động 3: 0,50 m); trên sông Đáy tại trạm thuỷ văn Phủ Lý là 5,10 m (trên Báo động 3: 1,10 m).
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 93/CĐ-TTg ngày 11/9/2024 về việc tập trung ứng phó lũ lớn, đảm bảo an toàn đê điều trên các sông ở Bắc Bộ, nhất là hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình, ngày 12/9/2024, Chủ tịch UBND tỉnh đã có Công điện số 02/CĐ – UBND về việc tập trung ứng phó lũ lớn, đảm bảo an toàn đê điều trên các sông trên địa bàn tỉnh. Nội dung Công điện:
Các sở, ngành, địa phương, đơn vị theo chức năng nhiệm vụ thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, hiệu quả các Công điện của Thủ tướng Chính phủ số 92/CĐ TTg ngày 10/9/2024; số 93/CĐ-TTg ngày 11/9/2024; Văn bản số 1273-CV/TU ngày 10/9/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; các Văn bản của UBND tỉnh về theo dõi chặt chẽ, chủ động ứng phó, khắc phục với tình hình mưa lũ, thiên tai trên địa bàn tỉnh (Công văn số 1788/UBND-NNTNMT ngày 09/9/2024; Công văn số 1800/UBND-NNTNMT ngày 10/9/2024, Công văn số 1808/UBND NNTNMT ngày 11/9/2024) và một số nội dung cụ thế sau:
Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố không chủ quan, lơ là; huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, phân công các đồng chí thường trực UBND trực tiếp tới các địa bàn trọng điểm để lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, đôn đốc, kiểm tra công tác phòng, chống lũ, hộ đê, trong đó tập trung: Rà soát, kiểm tra, triển khai trên thực tế phương án bảo vệ các trọng đểm đê xung yếu theo “phương châm 4 tại chỗ”; chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, máy móc, thiết bị, nhất là tại các trọng điểm xung yếu để kịp thời triển khai hộ đê, xử lý các sự cố ngay từ giờ đầu.
Tăng cường kiểm tra hệ thống đê điều, thực hiện nghiêm công tác tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều trong mùa mưa lũ theo cấp báo động bảo đảm đúng quy định của Luật Đê điều, kịp thời phát hiện, xử lý ngay các sự cố có thể xảy ra, không để bị động, bất ngờ.
Tổ chức thực hiện ngay phát quang mái, chân đê và trong phạm vi bảo vệ công trình đê điều để phục vụ công tác tuần tra, kịp thời phát hiện và xử lý sự cố đê điều; Khơi thông thoát nước mặt đê, không để đọng thành vũng trên mặt đê gây nguy cơ mất an toàn đê điều.
Đài Khí tượng thủy văn tỉnh tổ chức theo dõi chặt chẽ tình hình mưa, lũ; dự báo, cảnh báo bảo đảm kịp thời, chính xác phục vụ công tác chỉ đạo ứng phó lũ. 3. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn theo chức năng, nhiệm vụ được giao tập trung chỉ đạo kiểm tra đôn đốc, hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố triển khai công tác phòng chống lũ, hộ đê theo cấp báo động để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các tuyến đê từ cấp III trở lên.
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chịu trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo, bảo đảm quân đội là lực lượng chủ lực thực hiện nhiệm vụ hộ đê theo đúng quy định; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chủ động phối hợp với địa phương, cơ quan chuyên môn rà soát các phương án hộ đê và sẵn sàng triển khai lực lượng tại các vị trí trọng điểm xung yếu để kịp thời xử lý khi có tình huống xảy ra.
Công an tỉnh chỉ đạo công tác bảo đảm an ninh trật tự tại các khu vực sơ tán dân cư đi và đến, trật tự an toàn giao thông, sẵn sàng lực lượng, phương tiện hỗ trợ địa phương thực hiện cứu hộ cứu nạn, ứng phó lũ lớn.
Thủ trưởng các sở, ngành, các đồng chí thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh theo chức năng nhiệm vụ, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan chủ động triển khai đảm bảo an toàn hệ thống công trình đê điều ứng phó với tình hình mưa lũ và vận hành xả lũ các hồ thủy điện theo quy định.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị