QCVN 78:2023/BTNMT thiết lập bộ dữ liệu lớp phủ mặt đất phục vụ tính toán phát thải khí nhà kính

Năm 2018, Cục Viễn thám quốc gia đã hoàn thành nội dung “Thành lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất/lớp phủ mặt đất tỷ lệ 1/250.000 bằng tư liệu ảnh vệ tinh” thuộc dự án “Kiểm kê nhà kính năm 2016 trong lĩnh vực sử dụng đất và lâm nghiệp (LULUCF) phục vụ xây dựng báo cáo quốc gia và đóng góp của Việt Nam cho công ước khí hậu”.

Bản đồ này cần được cập nhật thường xuyên để phục vụ quốc gia cho lĩnh vực LULUCF trong những năm tiếp theo. Bởi vậy, việc thực hiện nhiệm vụ “Giám sát thường xuyên lớp phủ mặt đất phục vụ tính toán phát thải khí nhà kính” là cần thiết, thiết thực nhằm tạo cơ sở cho việc thực hiện tốt hơn các nghĩa vụ của Việt Nam cho Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (Công ước khí hậu) từ năm 2016 trở đi.

Với ưu điểm của dữ liệu viễn thám như độ phủ trùm không gian của dữ liệu rộng, cung cấp thông tin phục vụ giám sát sự biến đổi qua nhiều thời kỳ, cung cấp nhiều thông tin chuyên đề thông qua các thông số về đặc tính phản xạ phổ của đối tượng lớp phủ trên mặt đất…, công nghệ viễn thám kết hợp với công nghệ GIS (GIS (Geographic Information Systems) là hệ thống công cụ tập hợp các quy trình trên máy tính dùng để thu thập, quản lý, lưu trữ dữ liệu địa lý hiện nay được đánh giá là giải pháp công nghệ hiệu quả nhất trong giám sát, theo dõi phát thải và hấp thụ khí nhà kính. 

Do đó, để quy trình thiết lập bộ dữ liệu lớp phủ mặt đất phục vụ tính toán phát thải khí nhà kính sử dụng dữ liệu viễn thám quang học được chính xác và hiệu quả, Bộ Khoa học và Công nghệ đã thẩm định, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 78:2023/BTNMT.

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 78:2023/BTNMT quy định về quy trình thiết lập bộ dữ liệu lớp phủ mặt đất phục vụ tính toán phát thải khí nhà kính sử dụng dữ liệu viễn thám quang học. Quy chuẩn kỹ thuật này áp dụng đối với các cơ quan quản lý, tổ chức, cá nhân có liên quan đến thiết lập và áp dụng bộ dữ liệu lớp phủ mặt đất phục vụ tính toán phát thải khí nhà kính sử dụng dữ liệu viễn thám quang học.

Giám sát thường xuyên lớp phủ mặt đất phục vụ tính toán phát thải khí nhà kính là cần thiết. (Ảnh minh họa) 

Yêu cầu kỹ thuật về cơ sở toán học quy chuẩn này hướng dẫn, hệ quy chiếu và hệ toạ độ quốc gia VN-2000 (được gọi là Hệ VN-2000) theo quy định tại Thông tư số 973/2001/TT-TCĐC ngày 20 tháng 6 năm 2001 của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Lưới chiếu hình trụ ngang đồng góc UTM (Universal Transverse Mecator); Múi chiếu 6º, hệ số điều chỉnh tỷ lệ biến dạng chiều dài k0 = 0,9996. Chuẩn về mô hình cơ sở dữ liệu theo quy định tại Thông tư 26/2014/TT- BTNMT ngày 28/05/2014 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Ban hành Quy trình và Định mức kinh tế – kỹ thuật xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường.

Chuẩn về mô hình khái niệm dữ liệu không gian, thời gian và phương pháp lập danh mục đối tượng địa lý theo QCVN 42: 2020/BTNMT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chuẩn thông tin địa lý cơ sở ban hành kèm theo Thông tư số 06/2020/TT-BTNMT ngày 31 tháng 8 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Danh mục dữ liệu thuộc bộ dữ liệu lớp phủ mặt đất bao gồm vùng kinh tế xã hội; dữ liệu hiện trạng lớp phủ mặt đất 2 thời điểm; dữ liệu biến động lớp phủ mặt đất; ma trận chuyển đổi giữa các loại đối tượng lớp phủ mặt đất.

Đối tượng lớp phủ mặt đất phục vụ tính toán phát thải khí nhà kính được quy định gồm lớp phủ mặt đất là rừng, lớp phủ mặt đất là cây trồng, lớp phủ mặt đất là cỏ, cây bụi, lớp phủ mặt đất là vùng đất ngập nước, lớp phủ mặt đất là dân cư và cơ sở hạ tầng, lớp phủ mặt đất khác.

Dữ liệu biến động lớp phủ mặt đất được thiết lập từ dữ liệu hiện trạng lớp phủ mặt đất tại hai thời điểm cách nhau 10 năm (thời điểm thứ hai là thời điểm cần thiết lập bộ dữ liệu lớp phủ mặt đất).

Quy mô thể hiện bộ dữ liệu lớp phủ mặt đất sử dụng dữ liệu viễn thám quang học, đối với quy mô quốc gia được thực hiện trên toàn bộ phần đất liền thuộc lãnh thổ Việt Nam với mức độ chi tiết và độ chính xác thể hiện đối tượng trong bộ dữ liệu lớp phủ mặt đất phục vụ tính toán phát thải khí nhà kính tương ứng với cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia tỷ lệ 1:250.000.

Quy mô vùng nền phân vùng kinh tế – xã hội áp dụng theo quy định tại Nghị quyết số 81/2023/QH15 của Quốc hội. Mức độ chi tiết và độ chính xác thể hiện đối tượng trong bộ dữ liệu lớp phủ mặt đất phục vụ tính toán phát thải khí nhà kính tương ứng với cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia tỷ lệ 1:100.000, bao gồm 06 vùng quy định. Dữ liệu viễn thám quang học phải được thu nhận trong vòng 01 năm tính từ thời điểm cần thiết lập bộ dữ liệu lớp phủ mặt đất.

Yêu cầu về dữ liệu đối với quy mô quốc gia nên sử dụng dữ liệu viễn thám quang học có độ phân giải không gian không quá 30 m. Đối với quy mô vùng sử dụng dữ liệu viễn thám quang học có độ phân giải không gian không quá 15 m.

Dữ liệu viễn thám quang học cần đảm bảo theo quy định tại Thông tư số 10/2015/TT-BTNMT ngày 25/3/2015 quy định kỹ thuật về sản xuất ảnh viễn thám quang học độ phân giải cao và siêu cao để cung cấp đến người sử dụng (là dữ liệu viễn thám đã được đưa về hệ quy chiếu và hệ tọa độ Quốc gia VN-2000, hệ tọa độ phẳng UTM (là một hệ thống tọa độ phẳng được sử dụng để xác định vị trí trên bề mặt Trái Đất) quốc tế, sử dụng mô hình vật lý, các thông tin quỹ đạo của vệ tinh.

Yêu cầu về chất lượng dữ liệu độ tương phản được xác định bằng phương pháp đo đạc tỉ lệ tương phản hiển thị của Liên minh viễn thông quốc tế, tỉ lệ tương phản là “Đạt” khi lớn hơn hoặc bằng 3:1. Độ sắc nét cần xác định lượng chi tiết mà hệ thống hình ảnh có thể tái tạo, được đo bằng “khoảng cách tăng” (khoảng mờ hoặc khoảng lóe) của một cạnh trong hình ảnh, độ sắc nét là “Đạt” khi khoảng cách đảm bảo nhỏ hơn kích thước 3 điểm ảnh.

Giá trị độ xám của điểm ảnh phải phù hợp đường cong phản xạ phổ của đối tượng. Hình ảnh địa vật biến dạng so với thực tế phải đảm bảo xác định được đúng đỉnh của các đa giác điều vẽ địa vật. Mức độ chi tiết của dữ liệu nằm trong thang đánh giá khả năng giải đoán dữ liệu viễn thám (NIIRS) với độ phân giải và tỉ lệ tương ứng.

Chuẩn hóa phản xạ mặt đất phải đảm bảo sự tương đồng về phổ của các đối tượng lớp phủ mặt đất theo các nhóm chỉ số các chỉ số là dữ liệu phản xạ các kênh phổ; chỉ số thực vật, đất, nước; các chỉ số thống kê: min, max, trung bình, trung vị; chỉ số chu kỳ biên độ, pha; tổ hợp của các chỉ số trên.

Dữ liệu sau khi chuẩn hóa phản xạ mặt đất được sử dụng để tổ hợp cho việc hiển thị dữ liệu, lựa chọn mẫu, lấy mẫu để xây dựng bộ mẫu khóa giải đoán phục vụ quá trình phân loại và giải đoán dữ liệu viễn thám quang học. Dữ liệu viễn thám quang học sau khi tổ hợp (ghép khối dữ liệu) phải đảm bảo độ che phủ mây dưới 10%. Chất lượng dữ liệu sau khi tổ hợp phải đảm bảo độ sáng tổng quan của dữ liệu trung bình hoặc hơi sáng; biểu đồ histogram phân bố tập trung ở khoảng 25% đến 55% của thang độ xám; tỷ lệ tương phản lớn hơn hoặc bằng 3:1.

Phương thức đánh giá sự phù hợp nên chứng nhận hợp quy sản phẩm theo Phương thức 1 “Thử nghiệm mẫu điển hình” quy định tại Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về công bố hợp quy và phương thức đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.

Sản phẩm bộ dữ liệu lớp phủ mặt đất phục vụ tính toán phát thải khí nhà kính sử dụng dữ liệu viễn thám quang học phải được công bố hợp quy dựa trên kết quả chứng nhận của tổ chức chứng nhận được chỉ định. Kết quả đo kiểm/thử nghiệm phục vụ công bố hợp quy phải thực hiện tại tổ chức chứng nhận được chỉ định theo quy định. Các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân khi thiết lập bộ dữ liệu lớp phủ mặt đất phục vụ tính toán phát thải khí nhà kính sử dụng dữ liệu viễn thám quang học có trách nhiệm công bố hợp quy đối với sản phẩm phù hợp quy định của quy chuẩn này.

An Dương

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích