Rước họa vào thân vì muốn “tự làm bác sĩ”
Viêm gan, nhiễm độc gan vì tự dùng thuốc
Đơn cử tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, thời gian gần đây đã tiếp nhận và điều trị một số ca bệnh viêm gan nhiễm độc cấp nặng liên quan đến việc sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc. Các trường hợp này đã gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng, đồng thời đặt ra những cảnh báo quan trọng về nguy cơ từ việc tự ý sử dụng thuốc, đặc biệt là các loại thuốc được mua trên môi trường mạng, không được kiểm chứng.
Bệnh nhân tự ý sử dụng thuốc điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. |
Điển hình là trường hợp nữ bệnh nhân (66 tuổi, ở Bắc Ninh), có thói quen tự điều trị bằng thuốc bắt mạch mỗi khi cảm thấy mệt mỏi. Khoảng hai tháng trước khi nhập viện, bệnh nhân bắt đầu tự cắt thuốc Đông y không rõ nguồn gốc để uống với liều lượng 50 viên mỗi lần, 2 lần mỗi ngày, trong vòng 20 ngày liên tục.
Sau khi sử dụng thuốc, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân ngày càng suy giảm, với các triệu chứng rõ rệt như mệt mỏi, vàng da, vàng mắt và nước tiểu sẫm màu. Mặc dù đã được chăm sóc và điều trị 3 tuần ở 2 cơ sở y tế tuyến trước, nhưng tình trạng người bệnh vẫn tiến triển xấu, với dấu hiệu suy gan rõ rệt chỉ số vàng da tăng lên gần 200, gấp 15 lần bình thường và men gan đạt mức – gấp 20 lần so với bình thường.
Khi nhập viện tại Khoa Viêm gan, bệnh nhân được chỉ định làm các xét nghiệm viêm gan thông thường như viêm gan A, B, C, E, và viêm gan tự miễn. Kết quả xét nghiệm đều âm tính, khiến các bác sĩ nghi ngờ tình trạng của bệnh nhân là do ngộ độc thuốc Đông y, gây ra viêm gan nhiễm độc cấp. Sau 10 ngày điều trị tích cực với các thuốc nội khoa để hỗ trợ chức năng gan, tình trạng của bệnh nhân đã có sự cải thiện đáng kể. Bệnh nhân đã dần ổn định, có thể ăn uống tốt hơn và nước tiểu trở lại màu sắc bình thường.
Không may mắn như trường hợp bệnh nhân trên, nam bệnh nhân (44 tuổi, ở Hà Giang) nguy kịch vì tự ý dùng thuốc. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng xơ gan giai đoạn cuối trên nền viêm gan C và gút. Người nhà cho biết, bệnh nhân có thói quen uống rượu thường xuyên, điều này đã góp phần làm nặng thêm tình trạng sức khỏe. Từ cuối năm 2022 đến đầu năm 2023, bệnh nhân liên tục gặp các biến chứng xuất huyết dạ dày, một dấu hiệu điển hình của xơ gan tiến triển. Đến tháng 10/2023, bệnh nhân bắt đầu xuất hiện thêm các triệu chứng vàng da và chướng bụng, các biểu hiện điển hình của xơ gan giai đoạn cuối.
Trong nhiều năm qua, bệnh nhân đã đến gặp nhiều thầy lang để lấy thuốc điều trị gút và các vấn đề về sức khỏe khác. Sau khi gặp vấn đề về xuất huyết dạ dày, bệnh nhân tiếp tục sử dụng thuốc Đông y để điều trị dạ dày. Đặc biệt, khi phát hiện tình trạng xơ gan, bệnh nhân đã chuyển sang sử dụng các loại thuốc không rõ nguồn gốc để điều trị gan. Bắt đầu từ tháng 10/2023 với hy vọng cải thiện tình trạng bệnh. Tuy nhiên, các loại thuốc này đã làm bệnh tình trở nên nặng nề hơn.
Theo bác sĩ, trong số các loại thuốc không rõ nguồn gốc mà bệnh nhân sử dụng, có một loại thuốc viên được mua từ nước ngoài mà gia đình tin rằng có thể hỗ trợ giảm đau nhanh chóng. Bệnh nhân đã uống loại thuốc này mỗi khi cảm thấy đau đớn, với hiệu quả giảm đau rõ rệt chỉ sau 2-3 giờ. Ngoài ra, bệnh nhân cũng tự ý tiêm thêm một số loại thuốc giảm đau khác để kiểm soát các cơn đau.
Khi nhập viện tại Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, bệnh nhân đã ở trong tình trạng rất nguy kịch, với các biểu hiện vàng da, vàng mắt, bụng chướng và không tỉnh táo. Chẩn đoán ban đầu cho thấy bệnh nhân bị suy gan cấp trên nền xơ gan và viêm gan C.
Tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ
Đáng nói, những trường hợp phải nhập viện vì thói quen tự ý sử dụng thuốc hay lạm dụng thuốc như trên không hề hiếm. Thực tế đã ghi nhận, nhiều bệnh nhân gặp phải những tác dụng phụ nặng nề do sử dụng thuốc không hợp lý, hoặc thuốc trôi nổi trên mạng từ các bệnh viện như: Bệnh viện Bệnh Nội tiết Trung ương, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai…
Chia sẻ với phóng viên, bác sĩ Đoàn Duy Thành – Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết: Bệnh viện thường xuyên tiếp nhận các trường hợp viêm gan B, C trong tình trạng nghiêm trọng, do bệnh nhân không điều trị đúng cách và tự ý dùng các thuốc không rõ nguồn gốc. Khi nhập viện, gan của bệnh nhân thường đã tổn thương nặng, không thể chuyển hóa các chất độc trong cơ thể, dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như ức chế thần kinh trung ương, gây hôn mê, la hét, hoặc không tỉnh táo.
Bác sĩ Thành cũng cảnh báo, đối với những bệnh nhân có tình trạng gan như trên, khả năng tự phục hồi của gan là vô cùng thấp. Vì vậy, bệnh nhân cần đặc biệt cẩn trọng với sức khỏe của mình, không nên lạm dụng thuốc giảm đau hay các loại thuốc không rõ nguồn gốc, và hạn chế sử dụng bia, rượu.
Các bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng cho biết, cùng một bệnh lý về gan nhưng có thể biểu hiện khác nhau, tùy thuộc vào thành phần thuốc và phản ứng của cơ thể. Gan có nhiều chức năng khác nhau, vì vậy, sự tổn thương ở mỗi bệnh nhân cũng có thể khác nhau, ví dụ như suy chức năng tạo mật gây vàng da, vàng mắt, suy chức năng đông máu gây dễ chảy máu và máu khó đông, hoặc tổn thương tế bào gan làm tăng men gan.
“Đối với người dân, đặc biệt là những bệnh nhân có bệnh lý về gan, cần chủ động đến các cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán và điều trị. Việc tự ý điều trị hoặc sử dụng các loại thuốc không rõ nguồn gốc có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng, thậm chí đe dọa đến tính mạng. Tránh lạm dụng thuốc và rượu bia, đồng thời tuân thủ các hướng dẫn của bác sĩ là cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe gan và toàn bộ cơ thể”- bác sĩ Thành khuyến cáo thêm.
Bệnh nhân cần dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, tuyệt đối không được tự ý bỏ thuốc hay giảm liều lượng thuốc. Đặc biệt, bệnh nhân lưu ý tái khám định kỳ theo lịch hẹn để bác sĩ điều chỉnh thuốc phù hợp với từng giai đoạn, đồng thời theo dõi tiến triển bệnh để can thiệp kịp thời. |
Minh Khuê
Nguồn: Báo lao động thủ đô