Ứng dụng công nghệ sản xuất xanh, nâng cao chất lượng nông sản thúc đẩy xuất khẩu bền vững
Theo Bộ Công Thương, nhiều nhóm ngành hàng của Việt Nam đã vượt mốc kim ngạch xuất khẩu 1 tỉ USD, trong đó có rau quả, gạo và tôm – phần lớn đến từ ĐBSCL. Riêng năm 2024, dự kiến tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam vẫn duy trì trên 8 triệu tấn, trong đó ĐBSCL đóng góp 7,6 triệu tấn. Vùng này hiện chiếm 31% GDP toàn ngành nông nghiệp Việt Nam, cung cấp 50% sản lượng lúa, 95% lượng gạo xuất khẩu và 65% sản lượng thủy sản nuôi trồng, khai thác.
Mặc dù có thế mạnh lớn, song kinh tế nông nghiệp tại ĐBSCL vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng. Một trong những nguyên nhân là do các doanh nghiệp trong khu vực còn gặp nhiều thách thức về vốn tín dụng, nguồn nguyên liệu không ổn định và chất lượng sản phẩm chưa đồng đều.
Ông Huỳnh Thanh Sử – Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ, cho biết: “Cần Thơ là trung tâm chế biến và xuất khẩu lúa gạo lớn nhất ĐBSCL, với 35/158 doanh nghiệp xuất khẩu gạo trực tiếp. Sản lượng gạo xuất khẩu của thành phố tăng trưởng mạnh mẽ, đạt gần 1 triệu tấn vào năm 2023 và 580.000 tấn trong 8 tháng đầu năm 2024. Tuy nhiên, để nâng cao giá trị và chất lượng sản phẩm xuất khẩu, các doanh nghiệp cần chủ động áp dụng các công nghệ hiện đại vào sản xuất, chế biến và quản lý chuỗi cung ứng.”
Tại Bạc Liêu, tôm là mặt hàng xuất khẩu chủ lực, chiếm hơn 95% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Tuy nhiên, theo ông Tô Minh Đương – Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bạc Liêu, việc cạnh tranh với các nước như Ecuador và Ấn Độ, cùng với những yếu tố bất định về kinh tế thế giới, đã gây khó khăn cho doanh nghiệp. Để vượt qua những thách thức này, việc áp dụng khoa học công nghệ và nâng cao chất lượng sản phẩm là yếu tố quyết định.
Các chuyên gia cho rằng, ứng dụng khoa học công nghệ, từ sản xuất đến chế biến, là chìa khóa giúp ĐBSCL tăng năng suất và chất lượng nông sản, đồng thời đáp ứng các yêu cầu khắt khe từ thị trường quốc tế. Việc phát triển các mô hình canh tác xanh, bền vững như “ruộng lúa, bờ hoa” – với gần 40.000 ha tại ĐBSCL – đã giúp ổn định nguồn cung và nâng cao giá trị sản phẩm.
Chuyển đổi số đang được coi là một giải pháp quan trọng để nâng cao năng suất và chất lượng nông sản của ĐBSCL. Các doanh nghiệp trong khu vực cần tập trung vào việc truy xuất nguồn gốc và áp dụng bán hàng đa kênh để tăng cường liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp. Việc sử dụng các công nghệ quản lý chuỗi cung ứng hiện đại không chỉ giúp đảm bảo chất lượng sản phẩm mà còn nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Ông Nguyễn Văn Luận – Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp, nhấn mạnh Đồng Tháp đang chú trọng vào việc kết hợp sản xuất nông nghiệp với công nghiệp chế biến, đồng thời áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế về tăng trưởng xanh và giảm phát thải. “Chúng tôi đặt mục tiêu xây dựng hệ thống sản phẩm chất lượng cao, kết hợp công nghiệp chế biến và mở rộng thị trường tiêu thụ để đảm bảo sự phát triển lâu dài cho doanh nghiệp,” ông Luận cho biết.
Việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, từ sử dụng hệ thống tưới tiêu thông minh đến phân tích dữ liệu để tối ưu hóa sản xuất, đã giúp nông dân ĐBSCL nâng cao năng suất và giảm thiểu phát thải khí nhà kính. Đây là bước đi quan trọng trong bối cảnh toàn cầu đang chuyển dịch sang nền kinh tế xanh và phát triển bền vững.
Các chuyên gia nhấn mạnh rằng, ngoài những giải pháp về kỹ thuật, ĐBSCL cần thúc đẩy việc đào tạo và nâng cao năng lực cho nông dân, giúp họ nắm vững các phương pháp canh tác tiên tiến và tiếp cận thị trường quốc tế. Chỉ khi đó, khu vực này mới có thể khai thác tối đa tiềm năng xuất khẩu và đạt được sự phát triển bền vững trong tương lai.
Duy Trinh (t/h)